Vươn khơi xa, nghề cá gặp khó vì thiếu lao động

Những năm gần đây, bằng Nghị định 67/2014/NĐ-CP, gần nhất là Luật Thủy sản 2017, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển khai thác thủy sản xa bờ. Nhờ đó, tàu cá công suất nhỏ, từ 20 đến dưới 90 CV, giảm mỗi năm 7,1%, trong khi tàu lớn hơn tăng 5,3%/năm.

Trong xu hướng ấy, tổng số tàu cá từ hơn 128.000 chiếc năm 2010 nay còn hơn 109.000 chiếc, nhưng nghề khai thác thủy sản vẫn phát triển, chuyển dần từ quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu ven bờ sang tổ đội, quy mô lớn hơn, khai thác vùng lộng, khơi xa.

Kết hợp các yếu tố thuận lợi của thị trường, sản lượng khai thác 10 năm qua tăng trưởng khá, trung bình 5,4%/năm, đạt con số tuyệt đối 3,56 triệu tấn, năm 2019. Trong đó, khai thác xa bờ từ 41% nay lên gần 50%, tổng sản lượng đánh bắt.

Các số liệu thống kê trên của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy xu hướng phát triển ra khơi xa đang phát triển mạnh, phù hợp với định hướng phát triển khai thác thủy sản theo hướng bền vững, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch này đang đối mặt với thách thức về nguồn lao động, cả số lượng và chất lượng.

Nghề cá đang gặp khó khi khai thác hải sản xa bờ vì thiếu lao động. Ảnh minh họa: TẤN LỘC

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết trung bình mỗi tàu xa bờ thì cần tới 8 lao động, trong khi tàu ven bờ chỉ cần 2-3 người. Chính vì vậy, tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra ngày càng phổ biến khiến các chủ tàu cá gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có tay nghề, gắn bó lâu dài.

Khảo sát thực tế của Tổng cục Thủy sản cũng như báo cáo từ các tỉnh ven biển gửi về cho thấy các chủ tàu đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm lao động. Bởi theo tàu công suất lớn, hiện đại, đánh bắt khơi xa hàng tháng trời không chỉ đòi hỏi thuyền viên nhiều hơn, mà còn phải là những người có tay nghề cao, sức khỏe bền bỉ.

"Đánh bắt ven bờ ít sóng gió, chỉ cần tàu nhỏ, thiết kế đơn giản nên chất lượng lao động không đòi hỏi cao, có thể tận dụng lao động già yếu. Nhưng với đánh bắt khơi xa, lao động già yếu, sức chịu đựng kém sẽ bị loại thải" - ông Trung nói.

Một khó khăn nữa cũng được lãnh đạo Vụ Khai thác thủy sản đưa ra, đó là nghề khai thác thủy sản có cường độ lao động nặng nhọc liên tục và nhiều rủi ro nhưng thu nhập lại không ổn định so với các nghề khác ở đất liền có thu nhập tương đương, công việc nhẹ nhàng hơn.

Ngoài ra, còn có một thực trạng đáng buồn khác là giữa chủ tàu và thuyền viên không có hợp đồng lao động rõ ràng. Họ chủ yếu thỏa thuận bằng miệng nên nghĩa vụ ràng buộc giữa các bên chưa được đảm bảo. Tình trạng lao động tự ý bỏ việc để "nhảy tàu" thường xuyên xảy ra, thậm chí bỏ trốn sau khi đã tạm ứng tiền khiến chủ tàu khó duy trì hoạt động khai thác ổn định.

Để ổn định, thu hút và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực khai thác thủy sản, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản Nguyễn Văn Trung cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa, sử dụng trang thiết bị thay thế người lao động.

Cạnh đó, ông Trung cũng cho rằng các địa phương cần xây dựng kế hoạch để đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ cho thuyền trưởng, thuyền viên, máy trưởng, thợ máy.

Nguồn lao động tăng gần 30% vẫn chưa đủ đáp ứng

Theo tổng hợp báo cáo của 28 tỉnh, thành phố ven biển, tính đến cuối năm 2019, tổng số lao động tham gia khai thác thủy sản là gần 552.000 người, tăng gần 30% so với năm 2014. Lao động trong độ tuổi 18-50 chiếm hơn 90%.

Có tới 91% lao động chưa tốt nghiệp phổ thông.

Kiên Giang là địa phương sử dụng nhiều lao động nhất nghề cá nhất, với gần 70.000 người, xếp sau là các tỉnh Bình Định với gần 45.000 lao động, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa đều có hơn 30.000 lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm