Vừa qua, tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ cho năm mới 2024, VKSND Tối cao đã tổng hợp ý kiến toàn ngành về kết quả công tác năm 2023, qua đó nhận diện một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết án hình sự.
Vướng mắc về thời hạn điều tra
Thời hạn điều tra sau khi tách vụ án hình sự là một những vấn đề còn vướng mắc. Thực tiễn hoạt động tố tụng ở một số địa phương cho thấy có hai quan điểm: Tính theo thời hạn điều tra của vụ án đã khởi tố trước đó; và ngược lại là coi vụ án được tách ra là vụ án mới, và thời hạn điều tra tính từ thời điểm tách vụ án.
Một vấn đề khác là thời hạn bổ sung chứng cứ để xem xét phê chuẩn khởi tố bị can. Khoản 3 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định “trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu, chứng cứ bổ sung”, mà không nói rõ nếu VKS yêu cầu bổ sung chứng cứ thì có được thêm thời gian để cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, việc áp dụng Án lệ 17 về tình tiết phạm tội “Có tính chất côn đồ”, Án lệ 57 về áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” và “Phạm tội 02 lần trở lên”... cũng đang gặp khó khăn khi áp dụng thực tiễn.
Phối hợp liên ngành tư pháp vẫn còn lúng túng
Báo cáo cũng nêu hàng loạt sự “vênh” nhau trong việc áp dụng pháp luật xử lý nhiều tội danh, ví như tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” với “Sử dụng trái phép chất ma túy".
Theo Thông tư liên tịch số 17/2017/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là “người nghiện ma túy có chất ma túy cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy".
Tuy nhiên, theo Công văn 89/TANDTC-PC ngày 18/5/2020 và Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021, thì “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy”.
Hay như các tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ“ quy định tại Điều 356, 357 Bộ luật Hình sự, do chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác định tình tiết “thiệt hại khác” là gồm những thiệt hại gì, nên có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tình tiết “gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, chưa thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật.
Ngoài ra, còn nhiều áp dụng chế tài khác nhau khi xử lý các tội như: “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” với “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới l6 tuổi”; tội “Giết người” với “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”; tội “Giết người” và “Đe dọa giết người”; tội “Trộm cắp tải sản” với “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; tội “Cố ý ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người” với “Giết người”;...
Từ những bất cập trên, báo cáo cũng kiến nghị các cơ quan chức năng thuộc Viện KSND Tối cao và bộ ngành liên quan kịp thời tháo gỡ bảo đảm áp dụng thống nhất trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự.