VKSND Tối cao tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế định thi hành án tử hình

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, VKS các cấp có vai trò quan trọng không để xảy ra oan, sai; gác cổng để không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều nay 25-12, VKSND Tối cao đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành kiểm sát nhân dân năm 2024. Thay mặt Đảng, Nhà nước tham dự sự kiện này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có một số ý kiến lưu ý với ngành kiểm sát cho năm bản lề 2024.

VKSND Tối cao tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế định thi hành án tử hình
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý VKSND Tối cao triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu về những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, như tiếp tục hoàn thiện chế định thi hành án tử hình. Ảnh: TTXVN.

Trong các lưu ý ấy, Chủ tịch Quốc hội nhắc tới một số nhiệm vụ mà VKSND Tối cao cần triển khai, đặc biệt liên quan tới Nghị quyết 27-NQ/TW của BCH Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam.

Cụ thể, là phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố. Triển khai đề án “nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện”.

VKSND Tối cao tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế định thi hành án tử hình
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí chủ trì Hội nghị triển khai công tác 2024 của ngành kiểm sát. Thông tin từ Hội nghị cho thấy năm qua, số vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố là 947 vụ (tăng 74,1%); tội phạm, về trật tự xã hội khởi tố 31.270 vụ (tăng 14,3%); tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường khởi tố 39.034 vụ (tăng 13,6%). Ảnh: TTXVN.

Cũng về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, ngành kiểm sát cần báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát sơ kết 8 năm thực hiện Luật Tổ chức VKSND, 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự và các nhiệm vụ khác theo kế hoạch mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành.

Đáng chú ý, vừa qua, Ban cán sự Đảng VKSND Tối cao đã chủ động đề xuất và được Chủ tịch nước – Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế mới về khởi kiện vụ án hành chính bảo vệ lợi ích công, lợi ích Nhà nước; về kiểm soát việc ban hành văn bản quy phạm dưới luật; về hoàn thiện chế định thi hành án tử hình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh các nhiệm vụ thể chế trên đều là những vấn đề rất quan trọng mà thực tiễn đang đặt ra, vì vậy ngành kiểm sát cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để tổng kết, nghiên cứu thận trọng, toàn diện và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

vksnd-toi-cao-tiep-tuc-nghien-cuu-hoan-thien-che-dinh-thi-hanh-an-tu-hinh-3-4044.jpg
Trong dịp này, nhiều đơn vị của VKSND Tối cao có thành tích xuất sắc đã nhận cờ thi đua của Thủ tướng. Ảnh: TTXVN.

Về các nhiệm vụ chung của ngành, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm của VKSND Tối cao trong việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Ở vị trí đặc biệt trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, VKS các cấp có vai trò quan trọng không để xảy ra oan, sai; gác cổng để không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế. Qua đó tạo điều kiện, môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để đảm đương nhiệm vụ nặng nề ấy, VKSND Tối cao cần phát huy hơn nữa vai trò của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, với tính chất là một trong những thiết chế quan trọng kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp, góp phần đảm bảo hoạt động của các cơ quan tư pháp tuân thủ đúng đắn đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm