Bị đồng hương lừa 'bao về Việt Nam trốn dịch'

"Từ sihanoukville về Hà Tiên, bao vượt chốt công an, giá 850 USD...."Về đường Tây Ninh, bao tới Bình Phước, giá 700 đô...
"Về đó bạn có thể dùng CMND mua vé về quê, nếu bị phát hiện thì cách ly ở quê. ..
"Thông báo mọi người, nhóm khách của mình đã về Hà Tiên an toàn. Xin chúc mừng ....
Những ngày qua, tôi lượn một vòng các group kín của các đồng hương đang sinh sống làm việc ở Campuchia và đọc được không ít lời rao như thế. Với giá khoảng 1000 USD, những người cầm đầu đường dây đưa người vượt phong tỏa và nhập cảnh trái phép hứa chắc như đinh đóng cột là sẽ đưa họ về đến biên giới và từ đây có "đường dây" đưa vào nội địa Việt Nam an toàn.

Trước làn sóng COVID-19 tăng mạnh từ một tháng nay, ngay trước thềm năm mới của người Khmer, Chính phủ Campuchia đã siết chặt lệnh phong tỏa, cách ly xã hội ở Phnom Penh và họ làm khá chặt. Vi phạm lệnh này có thể bị phạt tù. Mới đây, đêm 21-4, Trung tướng Sum Pov phó trưởng ban nghiên cứu chiến lược quân sự của Campuchia bị bắt vì lợi dụng giấy giới tờ công vụ đưa 28 người Trung Quốc đi lậu từ Phnom Penh về tỉnh Svay Rieng, giáp biên giới Long An (Việt Nam), trong lúc Phnom Penh áp dụng lệnh phong tỏa.

 Trước đó, ngày 16-4, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sren cũng đã ra lệnh bắt giữ Trung tướng Ong Chanthuok, Phó Tham mưu trưởng Tổng cục cảnh sát Campuchia và một số người khác do vi phạm lệnh giới nghiêm, tụ tập ăn nhậu trong thời gian lệnh cấm có hiệu lực.
 Thế nhưng bất chấp pháp luật nước bạn, nhiều đầu nậu vẫn rao đưa người về biên giới và vượt biên an toàn.
 Một cô gái làm ở Mimi Club (thành phố Sihanoukville) cho biết cô đã cùng nhiều người khác đưa tiền cho một người Việt Nam tên là Khanh Gia với giá 850 USD/ người. Họ phải nộp trước 500 USD để được lên xe. Vừa ngồi lên xe thì tài xế yêu cầu đưa 350 USD còn lại để chung chi. Cả nhóm cương quyết phải tới biên giới mới trả số tiền này...
 Thế nhưng họ bị lừa, không có chuyện "mua trạm", "quen chốt" gì hết. Cứ mỗi lần qua các trạm kiểm soát của Cambodia họ lại được lái xe chạy vào đường vắng, bờ ruộng bờ kênh để né chốt và đến gần biên giới với Hà Tiên thì bị bắt giữ. Rất may, theo lời cô, vì họ khai tìm cách vượt qua phong tỏa để về biên giới rồi xin cách ly tự nguyện, nhờ Lãnh sự quán Việt Nam can thiệp, họ đã không bị phạt tù và đến Hà Tiên, được đưa đi cách ly.
 Trường hợp của cô gái trên chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân bị bọn cò mồi, bị những đồng hương Việt Nam thiếu lương tâm câu kết với bọn đưa người lậu trên đất Campuchia lừa đảo, trục lợi.
 Campuchia phong tỏa mất việc làm, nhiều người Việt Nam muốn về quê trốn dịch. Thế nhưng tốt nhất là các bạn nên ở tại chỗ và tuân thủ các biện pháp an toàn, vì các bạn, vì mọi người và vì mọi nhẽ. Nếu bị phát hiện vi phạm phong tỏa, các bạn sẽ bị tù, các bạn sẽ rơi vào tay bọn lừa đảo đã nói ở trên.
 Từ giữa năm, biên phòng các tỉnh đã tăng cường người cho các tỉnh có biên giới trên bộ để gìn giữ biên cương, không chỉ là chủ quyền, mà còn ngăn cản sự tấn công của COVID-19 có nguy cơ xâm nhập theo chân những người vượt biên trái phép. Hà Tiên cũng đã lập thêm 2 BV dã chiến với 500 giường bệnh. Các cơ sở cách ly đang có dấu hiệu quá tải.
Và hiện nay với sự phong tỏa của chính quyền Campuchia, mọi sự di chuyển đến biên giới đều bị họ coi là trái phép, là vi phạm phong toả. Hãy là con người có trách nhiệm và tuân thủ pháp luật trước khi bạn mất hết số tiền dành dụm vào tay bọn lừa đảo, mà trong đó có cả những đồng hương thiếu lương tâm trục lợi trên xương máu đồng bào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm