Thực hư chuyện 11 giảng viên đồng loạt xin nghỉ việc

Những ngày qua, thông tin 11 giảng viên Khoa Hàn Quốc học của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đồng loạt xin nghỉ việc đã gây sự chú ý, bàn tán trong dư luận, nhất là trong tập thể nhà trường và sinh viên, học viên. Đây đều là những cán bộ, giảng viên kỳ cựu, dày kinh nghiệm và chuyên môn giỏi.
Trưởng khoa được bổ nhiệm “thần tốc”, chuyên quyền?
Theo các đơn thư phản ánh, sự việc xuất phát từ việc các giảng viên không đồng ý với cách làm việc, quản lý của TS Nguyễn Thị Phương Mai (Trưởng khoa Hàn Quốc học). 
Đồng thời, theo họ, nguyên nhân khiến họ phải ngừng việc từ ngày 25-1 chủ yếu xuất phát từ năng lực quản lý còn hạn chế, yếu kém, thiếu dân chủ và chuyên quyền của bà Phương Mai cũng như việc nhà trường bổ nhiệm “thần tốc” cho vị trí này. Kéo theo sau đó là cách giải quyết sự việc chưa thỏa đáng của nhà trường từ tháng 9-2020 cho đến nay.
Cụ thể, các giảng viên này cho rằng theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH thành viên và khoa trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, tiêu chuẩn trưởng khoa là phải có ít nhất ba năm tham gia quản lý từ cấp khoa, phòng hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục ĐH; có trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc trung cấp lý luận chính trị và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo quy định. 
Trong khi bà Mai về khoa từ năm 2016, đến năm 2018 đã được bổ nhiệm trưởng khoa và bà cũng không có bất kỳ chứng chỉ nào về lý luận chính trị hay bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước nào.
Bên cạnh đó, bà Mai còn đưa ra nhiều quy định để đánh giá giảng viên cứng nhắc, như đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ; đơn phương quyết định thay đổi lịch họp định kỳ của khoa mà không báo trước… 

Sự việc 11 giảng viên Khoa Hàn Quốc học đồng loạt xin nghỉ việc gây xôn xao dư luận trong giảng viên, sinh viên của trường những ngày qua. 
Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH 

"Chúng tôi đã kiến nghị, phản ánh sự việc lên hiệu trưởng với tinh thần xây dựng, phát triển khoa nhưng quá trình giải quyết của nhà trường không thỏa đáng, phiến diện, thiếu khách quan khiến chúng tôi cảm thấy bị phủ nhận toàn bộ công sức cống hiến, tâm huyết bao năm qua đối với khoa. Chúng tôi không thể tiếp tục làm việc trong môi trường khoa thiếu dân chủ và thiếu đoàn kết như hiện nay” - trích dẫn phản ánh của giảng viên.
Được biết bên cạnh phản ánh với nhà trường, từ tháng 10-2020, nhóm giảng viên cũng đã gửi đơn kiến nghị phản ánh lên Thanh tra Chính phủ. Ngay sau đó, Thanh tra Chính phủ đã chuyển đơn yêu cầu hiệu trưởng nhà trường xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nhà trường lập tức thành lập tổ xác minh. Sau 60 ngày làm việc, báo cáo kết quả xác minh do Hiệu trưởng Ngô Thị Phương Lan ký được công bố với 57 trang.
Trong đó, báo cáo có bốn nội dung phản ánh lớn với 27 vấn đề nhỏ từ 12 giảng viên này. Kết quả, tổ xác minh đã xác định có năm vấn đề phản ánh đúng, chín vấn đề đúng một phần và 13 vấn đề phản ánh sai. 
Các vấn đề phản ánh sai đó như phản ánh việc bổ nhiệm khi chưa đủ điều kiện là không có cơ sở; việc phản ánh trưởng khoa cho phép một công ty Hàn Quốc mở văn phòng làm việc tại văn phòng khoa cũng không đúng…
Các vấn đề phản ánh có cơ sở như trưởng khoa không lắng nghe, tôn trọng giảng viên, không tiếp nhận và trả lời thỏa đáng cho giảng viên; hạn chế trong việc triển khai đề án chất lượng cao của khoa; chưa chú trọng công tác đảm bảo chất lượng của khoa…
Phê bình trưởng khoa lẫn 11 giảng viên
Theo văn bản của trường trả lời cho báo chí ngày 2-3, căn cứ vào kết quả xác minh, nhà trường đã có văn bản phê bình trưởng khoa vì có những hạn chế trong công tác quản lý, đề nghị rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục. Đối với 11 giảng viên, trường đã ra văn bản phê bình vì thiếu sự tôn trọng tổ chức, làm ảnh hưởng uy tín của trường, có những chi tiết phản ánh sai sự thật khách quan. 
11/21 giảng viên nghỉ việc, khoa sẽ hoạt động ra sao?
Ngày 3-3, trả lời báo chí về sự việc này, theo ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH KHXH&NV), nhà trường có nhận đơn xin nghỉ việc tập thể của 12 giảng viên Khoa Hàn Quốc học. Tuy nhiên, đây là đơn tập thể nên không đúng quy định, nhà trường đã yêu cầu từng cá nhân làm đơn riêng. Sau đó, một giảng viên đã rút đơn, 11 giảng viên còn lại nộp đơn với nguyện vọng tự ý đơn phương nghỉ việc.
“Đến ngày 3-3, trường đã ra ba quyết định chấm dứt hợp đồng. Các trường hợp còn lại, nhà trường đang giải quyết tuần tự. Việc các giảng viên nghỉ việc là điều nhà trường hoàn toàn không mong muốn, vì họ đều là những người gắn bó lâu năm với trường. Nhà trường đã xử lý vụ việc này căn cứ trên các quy định và xác minh rất kỹ lưỡng. Các cấp lãnh đạo nhà trường cũng đã nhiều lần trao đổi, tiếp xúc với các giảng viên này. Các quyết định, kết luận về vụ việc không phải của cá nhân hiệu trưởng mà của tập thể lãnh đạo nhà trường sau rất nhiều cuộc họp” - ThS Nam thông tin.
Về việc bổ nhiệm trưởng Khoa Hàn Quốc học, phía nhà trường khẳng định nhà trường đã làm đúng quy trình, quy định. Trường cũng đã báo cáo Thanh tra Chính phủ và ĐH Quốc gia TP.HCM. 
Theo nhà trường, TS Nguyễn Thị Phương Mai đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm trưởng khoa theo quy định như: Tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành giáo dục tiếng Hàn và thạc sĩ chuyên ngành Hàn Quốc học tại Trường ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc); có đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ ĐH như chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ ngoại ngữ…. 
Từ năm 2003, TS Mai đã tham gia giảng dạy tại Khoa Hàn Quốc học và thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Bà Mai còn có kinh nghiệm quản lý ở vị trí trưởng bộ môn và phó trưởng khoa trước khi được bổ nhiệm trưởng khoa. Trong buổi lấy thư giới thiệu để bổ nhiệm trưởng khoa, bà Mai đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất của tập thể viên chức và người lao động…
Về việc tổ chức giảng dạy thời gian tới, ThS Nam cho biết do các giảng viên đều đã có đơn xin nghỉ việc và nhà trường đã giải quyết theo nguyện vọng nên không xếp lịch dạy nữa. 
Để đảm bảo đúng tiến độ và chủ động trong công tác giảng dạy, Khoa Hàn Quốc học phải bố trí giảng viên khác đứng lớp thay những người đã nghỉ việc. Sau khi đã hoàn tất các thủ tục giải quyết cho thôi việc, trường vẫn mời họ thỉnh giảng theo năng lực chuyên môn nếu họ đồng ý.
“Nhà trường có đủ nguồn nhân lực để tổ chức đào tạo bình thường. Trường đã điều chuyển giảng viên từ các đơn vị khác về (nhiều tiến sĩ tốt nghiệp ở Hàn Quốc) và tuyển dụng mới để bổ sung cho số giảng viên đã nghỉ việc” - ThS Nam khẳng định.•

Không có quy định phải ba năm làm quản lý mới bổ nhiệm trưởng khoa

Về việc bổ nhiệm “thần tốc” TS Phương Mai lên làm trưởng khoa, căn cứ mà các giảng viên dẫn chứng về quy định bổ nhiệm trưởng khoa là theo khoản 2 Điều 9 thuộc Chương IV của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH thành viên và khoa trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM do ĐH Quốc gia TP.HCM ban hành năm 2016.

Khoản này ghi rõ “Tiêu chuẩn trưởng khoa, phó trưởng khoa: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có uy tín trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học; có ít nhất ba năm tham gia quản lý từ cấp khoa, phòng hoặc tương đương trở lên của các cơ sở giáo dục ĐH; có trình độ thạc sĩ trở lên…”.

Tuy nhiên, một đại diện của ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng quy chế trên quy định việc tổ chức và hoạt động của các trường thành viên và khoa trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Điều 9 mà các giảng viên trích dẫn quy định về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng khoa, phó trưởng khoa cùng tiêu chuẩn kèm theo. Trong đó, khoản 1 là tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; khoản 2 là tiêu chuẩn của trưởng khoa và phó khoa.

Hiện nay, ĐH Quốc gia TP.HCM có bảy trường ĐH thành viên và Khoa Y. Do vậy, khoản 2 của quy chế trên chính là quy định về tiêu chuẩn của trưởng, phó Khoa Y thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Việc bổ nhiệm trưởng, phó khoa của các trường thành viên không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm