Vụ sán lợn Bắc Ninh: Không còn mẫu xét nghiệm là vi phạm luật

Liên quan đến vụ việc thịt lợn nghi có sán và thịt gà đông lạnh tại trường Mầm non Thanh Khương, Bắc Ninh khiến hàng nghìn phụ huynh ồ ạt đưa con đi xét nghiệm sán lợn những ngày qua, chiều 19-3, UBND tỉnh Bắc Ninh cùng lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức họp báo thông tin về vụ việc.

Cuộc họp báo đầu tiên được tỉnh Bắc Ninh tổ chức kể từ ngày 15-3. Ảnh: Hà Phượng

Đây là cuộc họp báo đầu tiên được tỉnh Bắc Ninh tổ chức kể từ ngày 15-3, khi hàng nghìn gia đình ở Thuận Thành (Bắc Ninh) kéo lên Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) xét nghiệm, do nghi ngờ thực phẩm cung cấp cho trường học không đảm bảo chất lượng. 

Tại cuộc họp báo, đại diện tỉnh Bắc Ninh báo cáo, trường mầm non Thanh Khương có 568 học sinh, được đánh giá là một trường có chuyên môn. Qua kiểm tra, giám sát từ trước đến nay, trường chưa bao giờ có vi phạm về an toàn thực phẩm. Quá trình tìm kiếm đối tác cung cấp thức ăn được làm đúng quy định.

Liên quan đến việc thịt lợn có sán và thịt gà đông lạnh, UBND huyện đã chỉ đạo trường trên địa bàn huyện dừng nhận cung cấp từ công ty Hương Thành và tạm đình chỉ công tác với hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương và một số cán bộ liên quan, chờ xử lý trước khi có đầy đủ thông tin làm cơ sở pháp lý.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo cơ quan Công an và ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu kiểm định. Tuy nhiên, do thịt lợn được phát hiện vào ngày 14-2 và 20-2 nên cơ quan chức năng không lấy được mẫu thịt lợn để xét nghiệm.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế. Ảnh: Hà Phượng

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng theo quy định là nơi cung cấp thực phẩm phải lưu mẫu, việc không lưu là vi phạm pháp luật.

Các cơ sở vi phạm về quy định lấy mẫu, người chế biến thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh trang thiết bị... đều vi phạm. "Nhưng nếu mẫu chín thì đừng đi xét nghiệm sán. Phải xét nghiệm những yếu tố mà nhiệt không làm thay đổi được", ông Phong nói.

Ông Phong đánh giá, vụ việc sán lợn ở Bắc Ninh chưa được làm tốt, nhất là việc cung cấp thông tin. Ông Phong cho rằng, việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không đảm bảo ở trường mầm non Thanh Khương và đưa đi xét nghiệm hàng loạt là chính đáng. "Tôi có con mà không có chuyên môn, trong điều kiện như vậy thì tôi cũng rất lo và làm như vậy", ông Phong nói.

Khi được hỏi về tỷ lệ 11% người nhiễm sán theo báo cáo của tỉnh Bắc Ninh liệu có nhiều và đáng lo ngại, ông Phong, theo thông tin của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ 0 đến 12% là tỷ lệ tương đối cao, nhưng không phải quá cao hay bất thường.

Vì thế, không thể vì tỷ lệ như vậy ngành y tế mới điều tra dịch tễ học bởi chuyện này ngành y tế đã và đang làm từ rất lâu rồi, không chỉ riêng tỉnh Bắc Ninh.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, không phải chỉ cháu nhỏ mà cả người lớn cũng có thể nhiễm sán. Qua điều tra dịch tễ, không chỉ ở tỉnh Bắc Ninh mà nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có sán, giun, ký sinh trùng đường ruột. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… có điều kiện kinh tế, khí hậu như chúng ta thì việc tồn tại ký sinh trùng đường ruột, trong đó có sán là phổ biến.

Kết quả xét nghiệm dương tính nhưng cũng chưa thể khẳng định đang có sán trong cơ thể hay không. Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần vào chẩn đoán.

"Do đó, theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành năm 2004 thì dương tính như thế chưa phải điều trị, chưa có chỉ định điều trị. Chỉ điều trị sau khi có sán trưởng thành, người nhiễm có biểu hiện đi ngoài, có đốt sán, có nổi mụn hạch hoặc một số biểu hiện khác... thì mới điều trị”- ông Nguyễn Thanh Phong nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm