Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sáng 23-9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về cơ chế để TP.HCM bứt tốc: Những gì vượt thẩm quyền thì báo cáo trung ương, Chính phủ, Quốc hội xem xét, tạo điều kiện để tháo gỡ. Cũng trong buổi làm việc này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị hoàn thiện về thể chế cho TP Thủ Đức phù hợp với quy mô và vai trò. Với tâm nguyện tư vấn để góp phần giải quyết những điểm nghẽn về cơ chế đang trở thành chiếc áo chật của TP Thủ Đức, TS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
TP Thủ Đức mới chỉ là sự sắp xếp cơ học ba quận
. Phóng viên: Được ĐH Quốc gia TP.HCM giao thực hiện đề tài nghiên cứu về cơ chế - TP thuộc TP trực thuộc trung ương từ thực tiễn TP Thủ Đức, bà cảm nhận thế nào về TP Thủ Đức sau gần hai năm thành lập?
+ TS Thái Thị Tuyết Dung (ảnh): Cảm nhận ban đầu là háo hức với mô hình mới, vì đến năm 2015 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 mới quy định loại đơn vị hành chính này. Và kỳ vọng TP Thủ Đức sẽ tạo động lực, tầm ảnh hưởng với mô hình mới này. Khi TP Thủ Đức phát triển thì sẽ lan tỏa khát vọng đổi mới cho cả nước.
Tuy nhiên, sau gần hai năm thành lập, thủ tục hành chính là điều mà nhiều người dân chưa hài lòng. Thủ tục kéo dài hơn, công việc tập trung vào “một điểm cuối” là UBND TP Thủ Đức (thay vì trước đây là ba UBND quận) đã làm hồ sơ dồn ứ, viên chức, công chức quá tải. Hơn nữa, di dân cơ học tăng nhanh vì yếu tố tự nhiên cũng như yếu tố “lên TP”, gây áp lực về cơ sở hạ tầng như kẹt xe, ngập lụt, trường học, bệnh viện quá tải.
Đến giờ TP Thủ Đức vẫn chưa có cơ chế đặc thù đủ để bứt phá, nên thật ra chỉ là sự sắp xếp cơ học nhập các quận lại. Trong khi bản thân ba quận trước đó đã quá tải công việc, giờ nhập lại, cộng với yêu cầu tinh giản biên chế thì câu chuyện “mặc áo quá chật” chắc chắn xảy ra.
Vì chưa có cơ chế đột phá nên chưa phát huy tính chất đặc thù của “đô thị” ở TP.HCM. Với tiềm năng sẵn có, TP Thủ Đức sẽ vẫn tự phát triển nhưng theo mô thức “vết dầu loang”. Đây là điều đáng lo ngại vì sẽ không có một quy hoạch định hướng tổng thể để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.
HĐND TP.HCM quyết định số lượng biên chế TP Thủ Đức
. Từ chỉ đạo của Tổng bí thư và phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM, theo bà, cần phân cấp, phân quyền cho TP Thủ Đức ra sao? Những từ này được nhắc nhiều lần nhưng cần sự cụ thể, chi tiết?
+ Phân cấp, ủy quyền là vấn đề thường được nhắc đến nhưng khi đi vào thực tế thì gặp nhiều vướng mắc, do sự “xung đột” các quy định pháp luật về cùng một vấn đề. Vì vậy nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cần sự thông suốt giữa các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương. Cụ thể, nếu được nghị quyết nên quy định rõ:
Một là HĐND và UBND TP.HCM được chủ động phân cấp những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình cho HĐND, UBND TP Thủ Đức.
Hai là HĐND TP.HCM có quyền quyết định giao một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn (sở, cơ quan ngang sở) cho UBND TP Thủ Đức và chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Ở đây cũng cần làm rõ nhiệm vụ nào thuộc tập thể UBND, nhiệm vụ nào thuộc cá nhân chủ tịch UBND TP Thủ Đức, tránh giao chung chung, nhất là trong lĩnh vực đất đai và xây dựng.
Tháo gỡ điểm nghẽn để TP Thủ Đức phát triển xứng với tiềm năng là nhiệm vụ quan trọng của TP.HCM cũng như cả nước. Ảnh: ĐÔNG GIANG |
Ba là cho phép UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức được ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND phường, chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn, dĩ nhiên trừ những nội dung đã được TP.HCM ủy quyền. Việc ủy quyền này cần dựa trên tính chất của công việc ủy quyền, nhân sự đảm bảo và cơ chế giám sát.
Bốn là về tổ chức bộ máy, khi tăng thẩm quyền cho UBND thì yêu cầu giám sát cũng nhiều hơn, HĐND TP Thủ Đức nên tăng số lượng đại biểu HĐND và trong đó tăng tỉ lệ số đại biểu hoạt động chuyên trách, đồng thời thành lập thêm một ban là Ban đô thị để tăng cường giám sát mảng đô thị.
Đối với các cơ quan hành chính, nên thành lập một số cơ quan đặc thù như Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc UBND TP Thủ Đức, bởi hiện nay Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức có đến 170 nhân sự nhưng chưa có vị trí pháp lý rõ ràng, cơ cấu tổ chức chưa hợp lý. Đồng thời, thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính liên quan đến phát triển đô thị như Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị.
Năm là cho phép HĐND TP.HCM quyết định số lượng biên chế cũng như phụ cấp chức vụ nhân sự của TP Thủ Đức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và định hướng phát triển.
Phát triển TP Thủ Đức phải là chính sách quốc gia
Khu đô thị Gangnam ở Seoul, Hàn Quốc từ một vùng đất nông nghiệp phía nam sông Hàn (Gangnam) đã trở thành một vùng đô thị phát triển mạnh mẽ có quy mô 5 triệu người trong khoảng 30 năm (1960-1990). Năm 2003, một đặc khu kinh tế với diện tích 209 km2 (tương đương Thủ Đức hiện nay) là Incheon được thành lập bên cạnh Seoul. Chưa đầy hai thập niên sau, nơi này trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng, là biểu tượng thành công và là TP lớn thứ ba (với khoảng 3 triệu dân) của Hàn Quốc.Còn Phố Đông của Thượng Hải trở thành đô thị phát triển hàng đầu trong khu vực với dân số trên 5 triệu người.
Có thể rút ra một số bài học từ các trường hợp trên:
Một là chìa khóa thành công cho các địa phương ở Hàn Quốc và Trung Quốc là tính hiệu quả của chính quyền cộng với sự ủng hộ của chính quyền trung ương mạnh mẽ nhằm thực hiện bằng được các chiến lược quốc gia, với định hướng những địa phương có khả năng được tạo điều kiện để vươn lên trước. Đây cũng là công thức thành công ở nhiều nước khác.
Vì vậy, phát triển TP Thủ Đức không chỉ là chiến lược của TP.HCM mà còn là chính sách quốc gia và cần có đầu tư cần thiết, cũng như sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ.
Hai là không phải mô hình “TP trong TP” nào cũng thành công, Manila và Jakarta là những điển hình chưa thành công. Mô hình TP trong TP đang bộc lộ nhiều bất cập, các TP thiếu sự đầu tư mạnh mẽ từ cấp trên, thiếu sự gắn kết với nhau. Ngân sách bị dàn trải , không bứt phá được.
TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG
Chính sách đặc thù mạnh mẽ cho TP Thủ Đức
. Vấn đề của TP Thủ Đức hiện nay không chỉ dừng lại những điểm dễ nhìn thấy như sự quá tải. TP Thủ Đức được đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo, cực tăng trưởng mới, khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức… Để đạt được yêu cầu này, TP Thủ Đức còn thiếu điều gì?
+ Để đạt được mục tiêu như trên, quy mô của một đơn vị hành chính cấp huyện khó đáp ứng được.
Khung pháp lý của chính quyền cấp huyện hiện nay không đủ để kích hoạt cùng lúc các yếu tố như hạ tầng giao thông, chính sách y tế, giáo dục, chính sách thu hút đầu tư… để trở thành khu vực hạt nhân sáng tạo, một cực tăng trưởng mới, khu vực dẫn dắt kinh tế Đông Nam bộ. Với tiềm năng sẵn có, TP Thủ Đức tự thân cũng sẽ phát triển nhưng chỉ cầm chừng và không phát huy được nguồn lực sẵn có để bứt phá. Sẽ là điều đáng tiếc nếu như chính sách, cơ chế là nguyên nhân “trì hoãn” sự phát triển của đô thị mới này.
. Từng nghiên cứu nhiều mô hình TP trong TP trên thế giới, theo bà, với đặc thù tại Việt Nam, mô hình TP trong TP cần có yếu tố riêng gì để phát huy hiệu quả?
+ Trong thời gian trước mắt, cần hoàn thiện các chính sách đặc thù mạnh mẽ cho mô hình TP Thủ Đức - mô hình đô thị trên 1 triệu dân với nền kinh tế phát triển gần nhất nước, cũng như ưu tiên đầu tư ngân sách để TP Thủ Đức phát huy tối đa tiềm lực vốn có của mình. Và đây sẽ đóng vai trò là hình mẫu, là cú hích về “đổi mới” để đánh giá mô hình TP thuộc TP. Đồng thời cũng là cơ sở để đánh giá chủ trương thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM của trung ương đã phù hợp chưa, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm.
Trong tương lai, cần ban hành luật về chính quyền đô thị để từng địa phương “lên đô thị” không phải thực hiện thủ tục xin cơ chế đặc thù, trung ương không phải giải quyết từng trường hợp đơn lẻ.
Lúc đó, có thể bổ sung mô hình “đô thị vệ tinh”, bởi TP.HCM được Tổ chức đô thị thế giới xếp vào nhóm siêu đô thị (megacity) và trong tương lai Hà Nội cũng có thể là siêu đô thị.
Quy định hiện nay chưa thể hiện rõ đặc trưng của TP thuộc TP, vì vậy cần nâng tiêu chí thành lập (như quy mô dân số từ 150.000 thành 300.000 người trở lên; tăng tỉ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã; trình độ phát triển đô thị nên từ loại II trở lên, không có loại III).
. Xin cảm ơn bà.•
Ý KIẾN CHUYÊN GIA
TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền đô thị Thủ Đức
Để xây dựng TP Thủ Đức theo mục tiêu khi thành lập, cần tiến hành đồng thời ba nhiệm vụ. Thứ nhất, quy hoạch lại tổng thể đô thị trên diện tích 211 km2 theo hướng hiện đại, phù hợp với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, sáng tạo, để làm cơ sở xây dựng hệ thống giao thông công cộng kết nối và hướng mở ra cả vùng đô thị TP.HCM. Quy hoạch một đô thị mới với triết lý phát triển: Đô thị xanh, đô thị sáng tạo và đô thị khoa học - công nghệ - đào tạo.
Thứ hai, tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp TP Thủ Đức đến cấp phường theo hệ thống dọc thông suốt và tinh thông nghiệp vụ, đưa tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu. Đây là vấn đề khó nhất vì liên quan đến con người cụ thể nhưng nếu không vượt qua được thách thức này thì sẽ không thay đổi được chất lượng công vụ và thực hiện được nhiệm vụ đặt ra với TP này.
Thứ ba, cần xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền đô thị Thủ Đức nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương, giảm bớt công việc của các sở, ngành TP.HCM, theo nguyên tắc: Việc gì chính quyền TP Thủ Đức có thể làm tốt thì phân cấp, phân quyền, các sở, ngành TP.HCM chỉ kiểm tra, thanh tra công vụ, không làm thay.
PGS-TS TÔ VĂN HÒA, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội:
Tăng sự chủ động trong việc xác định số lượng biên chế
Với TP Thủ Đức, cần mạnh dạn đặt vấn đề tinh giản biên chế là mục tiêu lâu dài chứ không phải ngay lập tức. Đành rằng việc tinh giản bộ máy để chuyên nghiệp hơn luôn là chủ trương để xây dựng nền hành chính hiện đại, song việc áp dụng chủ trương này vào bối cảnh của TP Thủ Đức mới thành là không phù hợp.
Ngay cả khi chúng ta có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, các thủ tục trực tuyến được cải thiện đi chăng nữa thì cũng cần người để vận hành.
Những vướng mắc của TP Thủ Đức hiện nay đòi hỏi các giải pháp táo bạo. Trong đó cần tăng sự chủ động của chính quyền TP Thủ Đức trong việc xác định số lượng biên chế, tổ chức bộ máy chính quyền TP. Để đảm bảo sự chủ động của TP không vượt quá sự kiểm soát, các cơ quan trung ương có thể ấn định trực tiếp khung trần số lượng biên chế cho TP Thủ Đức. Cạnh đó, Thủ Đức cũng cần có cơ chế đặc thù trong trả lương, đảm bảo thu nhập để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công vụ…
Cần nghiên cứu mạnh dạn áp dụng cơ chế phân quyền cho TP Thủ Đức để phát huy vai trò của HĐND TP, giảm tải trách nhiệm đối với lĩnh vực tương ứng cho chính quyền TP.HCM. Song song với các lĩnh vực phân quyền, phân cấp, ủy quyền cần quy định phương thức kiểm soát phù hợp với từng cơ chế. Đồng thời, cần xây dựng, ban hành hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động và cơ chế theo dõi, giám sát bảo đảm TP thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền.
Cuối cùng, cần sớm thúc đẩy việc ban hành hệ thống các quy hoạch cho TP Thủ Đức bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu trọng điểm sáng tạo, để tránh sự phát triển tự phát, lộn xộn.
PGS-TS NGUYỄN ANH THI, Giám đốc Khu công nghệ cao TP.HCM:
Không thể quản trị kinh tế 4.0 với nền hành chính 0.4
Phải khẳng định rằng nếu đơn thuần là phân cấp, ủy quyền một số quyền của TP.HCM cho TP Thủ Đức cũng không thể đảm bảo thực hiện được mục tiêu đã đề ra cho sự phát triển của TP này.
TP Thủ Đức phải có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội khác nữa để cho phép trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành ra được quyết định nhanh nhất. Chúng ta không thể quản trị nền kinh tế 4.0 với nền hành chính 0.4. Vấn đề căn bản ở đây là làm sao để TP Thủ Đức huy động được nguồn lực nhanh nhất để thực hiện mục tiêu phát triển.
THANH TUYỀN ghi