Sau khi thành lập TP Thủ Đức: Chưa đạt như kỳ vọng của người dân

(PLO)- Nhiều kỳ vọng của người dân về việc thành lập TP Thủ Đức chưa thể đáp ứng, việc phục vụ dân còn chậm... và các chuyên gia đã đưa ra các mô hình để TP Thủ Đức phát triển xứng tầm
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-9, Trường ĐH Kinh tế- Luật TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền TP thuộc TP trực thuộc trung ương, từ thực tiễn tại TP Thủ Đức.

Sau khi thành lập TP Thủ Đức: Chưa đạt như kỳ vọng của người dân ảnh 1

Hội thảo diễn ra sáng 16-9. Ảnh: KHÁNH HÀ

Chưa đạt kỳ vọng của người dân

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức cho biết từ khi nhận nhiệm vụ đến nay là 64 ngày, ông đã đi đến 32/34 phường để ghi nhận những ý kiến của người dân, nhận được 204 câu hỏi từ bí thư khu phố.

Khi được hỏi về việc thành lập TP Thủ Đức sau 18 tháng, nhiều người đã thẳng thắn với Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức là “giảm bớt hào hứng nhưng vẫn còn tin tưởng”.

“Tưởng lên TP thì con hẻm sẽ hết ngập nước nhưng vẫn thấy ngập; hay lên TP nhưng việc thu gom rác hiện đại hơn, tốt hơn nhưng vẫn như cũ thì lên TP làm gì?"- ông Hiệp nói và cho rằng, người dân đưa ra ý kiến rất cụ thể, gắn với cuộc sống hàng ngày của họ, các ý kiến đã phản ánh phần nào bức tranh của TP Thủ Đức hiện nay.

Ông Hiệp cũng ghi nhận các ý kiến rằng sau khi sáp nhập ba quận thì việc phục vụ người dân có phần chậm hơn. Nếu như trước đây, phần việc đó có đến ba người làm nhưng hiện chỉ có một người nên sẽ chậm. Ông nói, công nghệ hiện nay chưa đủ sức phủ để người dân giảm bớt việc đi lại trong việc giao dịch hành chính.

“Lẽ ra 18 tháng qua chúng ta phải làm nhưng chưa làm được”- ông Hiệp thừa nhận.

Người dân tại TP Thủ Đức cũng phản ánh với Bí thư Nguyễn Hữu Hiệp rằng, họ cảm giác chưa có gì thay đổi sau khi thành lập TP này.

Từ những câu chuyện thực tiễn, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức đặt hàng với các chuyên gia về nội dung: “Mô hình thành phố trong thành phố với quy mô trên 1 triệu dân thì tổ chức bộ máy cấp phòng của UBND cần bao nhiêu nhân sự là đủ?"

Ông Hiệp cũng đặt vấn đề, phải chăng TP.HCM có bao nhiêu sở gì thì TP Thủ Đức có bấy nhiêu phòng? Cấp phòng ở UBND TP Thủ Đức chỉ cần trưởng phòng, không cần phó phòng. Ngoài ra, phân bổ nguồn lực cho địa bàn TP Thủ Đức thì nên theo hình thức gì, phân quyền hay tản quyền vì địa bàn quá lớn?

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức cũng mong các chuyên gia có thể phân tích xác đáng để giúp TP này tháo gỡ được những khó khăn bước đầu.

Cần thẩm quyền tương đương cấp tỉnh

Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật nói rằng, cơ chế, chính sách cho TP trong TP hiện vẫn chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện.

Sau khi thành lập TP Thủ Đức: Chưa đạt như kỳ vọng của người dân ảnh 2

PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật góp ý tại hội thảo. Ảnh: KHÁNH HÀ

Theo ông Hải, TP Thủ Đức có hơn 1 triệu dân, nếu tính thêm người tạm trú thì có thể lên đến 1,5 triệu người. Về quy mô thì TP Thủ Đức chỉ có một cấp chính quyền, 34 phường và còn cắt giảm đến 30% biên chế, rất khó để vận hành.

Chưa kể, về phía người dân, doanh nghiệp cũng chẳng thấy “sung sướng” gì hơn so với trước kia. Người dân phải di chuyển xa hơn về mặt địa lý, thủ tục. Cán bộ công chức mệt mỏi hơn, khối lượng công việc phải ôm nhiều hơn, thu nhập vẫn như cũ…

Ông Hải nói, đa số các ý kiến hiện nay cho rằng cần phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức nhưng dù có phân cấp, ủy quyền như thế nào đi nữa cũng chỉ gói gọn ở phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện.

Ông cho rằng TP Thủ Đức đang mặc chiếc áo quá chật và đặt vấn đề, nên chăng cần phải kiến nghị cho TP Thủ Đức cơ chế như đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh.

Cần thiết có Luật chính quyền đô thị

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM Trần Văn Bảy cho rằng, cần nhìn vào một thực tế là hiện nay TP Thủ Đức chỉ là một đơn vị hành chính cấp huyện. Câu chuyện ở đây là phải nghiên cứu cho TP này một cơ chế đặc thù vượt trội, cần phân cấp, phân quyền gì để phát triển?.

Theo ông Bảy, cần phải có Luật chính quyền đô thị để giải bài toán "xin cơ chế đặc thù" của các địa phương.

Theo ông, trước mắt TP.HCM xin ý kiến tăng cường phân cấp ủy quyền cho TP Thủ Đức; đồng thời phải kiến nghị bổ sung một số chức năng, thẩm quyền cho TP này.

Sau khi thành lập TP Thủ Đức: Chưa đạt như kỳ vọng của người dân ảnh 3

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM Trần Văn Bảy cho rằng cần phải có Luật chính quyền đô thị để giải bài toán xin cơ chế đặc thù của các địa phương. Ảnh: KHÁNH HÀ

Ông cũng nêu quan điểm, khi trao thêm quyền cho TP Thủ Đức thì phải tăng cường hoạt động của HĐND. Số lượng đại biểu HĐND phải được tăng lên, cơ cấu thêm đại biểu HĐND chuyên trách. Đồng thời, nghiên cứu thành lập thêm Ban đô thị trực thuộc HĐND để quyết định các chính sách và giám sát các vấn đề đô thị.

Về khối chính quyền, ông Bảy cho rằng số lượng phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức như hiện nay là không đủ, cần phải tăng thêm. Biên chế của TP Thủ Đức cũng phải tính toán cho phù hợp với lượng công việc. Ông cũng cho rằng có thể nghiên cứu, thành lập thêm các phòng chuyên môn để tham mưu cho TP Thủ Đức.

TS Thái Thị Tuyết Dung - Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng trong đề án, TP Thủ Đức khi thành lập có những điểm tương đồng nhất định với mô hình đô thị vệ tinh, kỳ vọng sẽ giúp khu vực phía Đông của thành phố sớm trở thành “hạt nhân” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm hoạt động với vai trò “thành phố thuộc thành phố”, đã bộc lộ một số bất cập.

Vì vậy, cần có chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức để điều phối, vận hành theo hướng chuyên môn hóa và phát triển như một đô thị đặc thù.

Theo bà Dung, để thành phố thuộc thành phố trở thành một cú hích pháp lý và phát triển đúng với nhiệm vụ, mục tiêu mà khi thành lập thì cần thí điểm có những thay đổi lớn dựa trên lý thuyết về tổ chức chính quyền đô thị.

TS Dung cho rằng, cần ban hành một Nghị quyết riêng của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức, không nên lồng ghép vào việc sửa đổi nghị quyết số 54. Bởi lẽ, nghị quyết này sẽ chi tiết nhiều hơn các nội dung thí điểm, và có thể sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần nên ban hành độc lập thì phù hợp hơn.

Nghị quyết này sẽ ghi nhận TP Thủ Đức có chức năng là thành phố vệ tinh của siêu đô thị TP.HCM. Trong tương lai, cần ban hành Luật về chính quyền đô thị để từng địa phương “lên đô thị” không phải thực hiện thủ tục xin cơ chế đặc thù, trung ương không phải giải quyết từng trường hợp đơn lẻ.

Cần định vị TP Thủ Đức là một đô thị vệ tinh

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường Đại học Luật TP.HCM đã dẫn chứng lại kinh nghiệm hình thành các đô thị vệ tinh tại các nước phát triển.

Đô thị vệ tinh trên thế giới có những chính sách phát triển riêng, phù hợp với từng loại đô thị mà trung ương không thể áp đặt chính sách cụ thể được.

Với thực tiễn của TP Thủ Đức, bà Trí cho rằng cần xác định lại vị trí của TP Thủ Đức và các thành phố thuộc thành phố khác trong tương lai, xem đó là đô thị vệ tinh hay chỉ là một đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, để từ đó xác lập thể chế tổ chức và vận hành hợp lý, tránh tình trạng hình thức hóa các đơn vị hành chính mới chỉ qua tên gọi bên ngoài.

Theo bà Trí, với quy định hiện hành thì rõ ràng TP Thủ Đức không có cơ chế gì đặc biệt so với một huyện của TP HCM, đều là một cấp chính quyền trực thuộc cấp chính quyền TP HCM.

“Với vị trí của TP Thủ Đức thì việc xác lập nhiệm vụ đô thị vệ tinh mặc dù là trễ nhưng vẫn có thể thực hiện được khi yếu tố đô thị đang hình thành và chưa đạt đỉnh ở vùng này. Tuy nhiên, cần có cơ chế thích hợp để thúc đẩy nhiệm vụ vệ tinh của Thủ Đức chứ không thể áp dụng thể chế chung như các cấp chính quyền của đô thị TP HCM”- bà Trí gợi mở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm