TP Thủ Đức không thể quản lý bằng thẩm quyền cấp... huyện

(PLO)- Lãnh đạo TP Thủ Đức cho rằng hạn chế về thẩm quyền chỉ ngang cấp huyện khiến TP này gặp phải khó khăn trong quá trình phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-6, Đoàn công tác Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP Thủ Đức, TP.HCM. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng.

Sau hơn một năm rưỡi hình thành và phát triển, TP Thủ Đức đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, TP Thủ Đức thu ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu và lớn hơn nhiều so với một số tỉnh, thành trên cả nước. Dù vậy, lãnh đạo TP Thủ Đức chia sẻ rằng thẩm quyền hiện chỉ ngang cấp huyện khiến TP này gặp phải khó khăn trong quá trình phát triển.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nêu khó khăn gặp phải tại TP này. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nêu khó khăn gặp phải tại TP này.

Ảnh: THANH TUYỀN

Quá tải...

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nêu khó khăn trước tiên là địa bàn tập trung nhiều dự án giải tỏa thu hồi đất, khiếu nại khiếu kiện nhiều, các nội dung tồn đọng từ ba quận trước đây lớn, tính chất khá phức tạp.

Sau khi sáp nhập ba quận, số lượng dân cư lên tới hơn 1 triệu người. Trên thực tế, khối lượng công việc cần giải quyết không giảm mà có phần tăng lên trong bối cảnh 30% công chức, viên chức của ba quận cũ bị cắt giảm.

Trong khi đó, tổ chức bộ máy phải thực hiện tinh giản theo chủ trương của Trung ương và TP.HCM, làm ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ công chức trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

Đặc biệt, số lượng cán bộ lãnh đạo mỏng so với yêu cầu và khối lượng công việc, trong khi chưa có cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn dẫn đến áp lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo khối chính quyền.

TP Thủ Đức là đơn vị hoạt động theo mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên về mặt cơ chế, thẩm quyền, nguồn lực triển khai và tổ chức bộ máy, chế độ chính sách chỉ tương đương cấp quận huyện là chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và định hướng phát triển.

Ông Hoàng Tùng nói tiếp, với cơ chế gồm 459 người cho các cơ quan chuyên môn và 165 người cho các đơn vị sự nghiệp vào cuối năm 2022, tức giảm 1/3 so trước khi sáp nhập, sẽ không thể đáp ứng được nguồn nhân lực tham mưu, giúp việc cho TP Thủ Đức. Trong khi đó điều kiện địa bàn quản lý rộng lớn, đông dân và yêu cầu về chất lượng, số lượng công việc cần giải quyết ngày càng nhiều, tính chất phức tạp ngày càng cao hơn.

Mặt khác, số lượng cấp phó cần phải giảm đúng theo quy định (không quá ba người) sẽ rất khó cho các cơ quan, đơn vị trong việc phân công quản lý địa bàn kịp thời, hiệu quả.

Về số lượng người hoạt động không chuyên trách phường, trong năm 2021, tại UBND 34 phường đã giảm tổng cộng 118 người theo Nghị định 34/2019.

Từ đó, phía UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM, Bộ Nội vụ cho phép số biên chế công chức, viên chức được sử dụng đến năm 2026 theo hướng giữ nguyên số lượng công chức, viên chức tham mưu tại thời điểm sáp nhập ba quận, giảm dần số lượng cấp phó tại các cơ quan chuyên môn.

Với nhân sự cấp phường, phía Thủ Đức kiến nghị xem xét tăng biên chế công chức bình quân làm việc theo Nghị định 33 từ 15 người lên 17 người, bổ sung hai công chức tham mưu cho UBND các phường.

Việc tăng công chức bình quân này vẫn đảm bảo số lượng cán bộ, công chức tối đa 23 biên chế đối với phường loại I và 19 biên chế đối với phường loại III theo Nghị định 34/2019.

TP Thủ Đức cũng kiến nghị điều chỉnh quy định về số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo hướng xem xét đến quy mô dân số để bố trí biên chế phù hợp thực tiễn ở cơ sở đảm bảo công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

"TP Thủ Đức mạnh dạn kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu việc ký hợp đồng đối với một số vị trí để đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt là trong lĩnh vực địa chính, thị trường" - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức kiến nghị.

Ông Hoàng Tùng nói thêm, Thủ Đức kỳ vọng có được cơ chế phù hợp, phải là chính quyền tương đương cấp tỉnh mới đủ điều kiện phát triển và mong rằng Quốc hội sẽ thông qua khi TP.HCM trình đề án vào cuối năm nay.

Ba đề xuất của UBND TP về cơ chế cho TP Thủ Đức

Tại đây, tân Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP nhìn nhận, nội hàm về chức năng nhiệm vụ, biên chế, quyền hạn của TP Thủ Đức chưa có gì mới. Đây là vướng mắc lớn nhất khi thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Hiếu nêu thực tế, rất nhiều các vấn đề phát sinh tại TP Thủ Đức đều phải chờ cấp TP.HCM phê duyệt. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Hiếu nêu thực tế, rất nhiều các vấn đề phát sinh tại TP Thủ Đức đều phải chờ cấp TP.HCM phê duyệt. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông phân tích hai điểm mới của TP Thủ Đức so với các địa phương cấp huyện khác là: TP Thủ Đức có tổ chức HĐND và phòng Khoa học Công nghệ. Ngoài ra chưa có gì khác.

Phó Bí thư Thành ủy TP nêu thực tế, rất nhiều các vấn đề phát sinh tại TP Thủ Đức đều phải chờ cấp TP.HCM phê duyệt, điều này làm chậm trễ một số kế hoạch, khó có thể phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hiếu mong Bộ Nội vụ có thể xem xét, tham mưu cơ chế chính sách phù hợp để TP Thủ Đức nói riêng, TP.HCM nói chung, có đủ điều kiện phát triển đúng với khả năng, tiềm lực.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP muốn đề xuất ba nội dung nhằm gỡ vướng cho TP Thủ Đức.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nêu đề xuất với Bộ Nội vụ. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nêu đề xuất với Bộ Nội vụ. Ảnh: THANH TUYỀN

TP.HCM kiến nghị Trung ương cho phép UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức. Về biên chế, cũng có thể tăng thêm 3-5 người phù hợp với địa phương.

TP cũng kiến nghị Trung ương chấp thuận cho TP.HCM, cụ thể là HĐND TP, UBND TP, Chủ tịch TP được phân cấp, ủy quyền, mạnh mẽ hơn những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND TP, UBND TP và Chủ tịch UBND TP. Ông Hoan nói bày tỏ, nếu Quốc hội thông qua thì TP sẽ nâng Thủ Đức lên xứng đáng với đô thị loại 1.

Cuối cùng, TP đề xuất theo hướng cho phép UBND TP.HCM được phân công cho TP Thủ Đức thực hiện một số chức năng nhiệm vụ của sở, ngành TP.HCM. Ông Hoan cho rằng, nếu không đưa được nội dung này vào thì rất khó để TP Thủ Đức phát triển đúng với tiềm năng.

Với mô hình mới, không nên nóng vội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, sau khi dành thời gian tham quan, tìm hiểu về hạ tầng giao thông tại Thủ Đức, bà cũng nhận thấy TP Thủ Đức có nhiều dư địa để phát triển tốt hơn.

TP Thủ Đức phát triển chính là động lực thúc đẩy, dẫn dắt sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của các tỉnh thành phía Nam.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng mô hình mới nào cũng sẽ gặp khó khăn lúc ban đầu và động viên cán bộ Thủ Đức không nên quá nóng vội. Ảnh: THANH TUYỀN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng mô hình mới nào cũng sẽ gặp khó khăn lúc ban đầu và động viên cán bộ Thủ Đức không nên quá nóng vội. Ảnh: THANH TUYỀN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá cao những việc mà chính quyền TP Thủ Đức đã rốt ráo giải quyết sau 1,5 năm thành lập như tổ chức lại bộ máy, sắp xếp cán bộ dôi dư, công tác chống dịch và có những chính sách phù hợp thúc đẩy kinh tế phát triển. TP Thủ Đức cũng đã đưa ra nhiều phương án giải quyết liên quan đến cơ chế chính sách, ban hành nhiều đề án, kế hoạch thực hiện.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, mô hình mới nào cũng sẽ gặp phải khó khăn lúc ban đầu và động viên cán bộ Thủ Đức không nên quá nóng vội. Bà cho rằng, với khó khăn, vướng mắc đang gặp phải thì cần xem đấy là cơ hội, biến thành động lực để phát triển.

Với những kiến nghị của TP Thủ Đức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cơ bản đồng tình, ủng hộ trên nguyên tắc tổ chức bộ máy hợp lý, tinh gọn, đáp ứng nhu cầu vận hành. “Đừng nghĩ nhiều mới tốt, phải ít nhưng tinh” - bà nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng gợi ý TP Thủ Đức cần tạo ra nét riêng, khác biệt của một chính quyền đô thị, nằm ngoài các quy định hiện hành.

"Các đơn vị có thể hướng tới cơ chế linh hoạt, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, vừa làm dịch vụ để nâng cao thu nhập người lao động” - bà gợi mở.

Đối với vấn đề phân cấp, phân quyền, bà cho rằng vẫn cần có sự liên thông giữa địa phương với TP, không thể tách bạch. Một số lĩnh vực bà cho rằng cần thiết đẩy mạnh phân cấp như thu chi ngân sách, tài chính, thông qua chủ trương đầu tư từng dự án tùy quy mô.

Về vấn đề biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng đây là nội dung khó phân cấp triệt để do thuộc trách nhiệm của Trung ương quản lý. Bộ Nội vụ có định hướng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ giao khung biên chế chung cho TP.HCM. Từ cơ sở đó, TP.HCM sẽ quyết định tổ chức bộ máy từng địa phương theo điều kiện cụ thể.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trước đây không thể đủ hết cho TP Thủ Đức, việc nêu các đề xuất quá cụ thể sẽ khó thuyết phục Quốc hội thông qua.

Bà gợi ý TP đưa ra những quy định, nguyên tắc trong vấn đề phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức thì mới tạo được hiệu quả lâu dài.

"Khi mới bắt đầu thành lập, không gì có thể hoàn thiện ngay mà phải cần thời gian một năm, hai năm, năm năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa. Tuy nhiên, TP Thủ Đức cần kiên định, thay đổi nhận thức cho mục tiêu lớn nhất khi hình thành thành phố trực thuộc TP.HCM" - bà nhấn mạnh.

Cán bộ phường nghỉ việc nhiều

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch phường Phường Hiệp Bình Chánh chia sẻ, với số lượng hơn 100.000 dân, phường đang quá tải về công việc.

Hiện, phường có tổng cộng 34 cán bộ công chức. Số lượng này không đủ để đáp ứng công việc hiện nay.

“Liên tục có tình trạng cán bộ xin nghỉ việc ra ngoài làm, ngay cả Phó Chủ tịch phường cũng xin nghỉ việc. Cán bộ, công chức phường làm đến 8-9 giờ tối kể cả thứ 7, chủ nhật là việc thường xuyên trong nhiều năm qua” - ông Tuấn nêu và cho rằng cần tính toán số lượng cán bộ, công chức phù hợp với thực tiễn địa phương, không nên cào bằng nơi nào cũng như nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm