Tùy tiện cơi nới
Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), Đội 3 TTGT phát hiện nhiều xe tự ý lắp thêm giường nằm. Điển hình, xe khách của nhà xe Cúc Tư, Bảy Lang lắp thêm ba giường, hai xe của hãng Liên Hưng gắn thêm hai giường, thậm chí có xe lắp thêm tới bảy giường. Tương tự, qua kiểm tra trên 80 xe giường nằm hoạt động tại Bến xe Ngã tư Ga (quận 12), ông Trần Quang Cảnh, Đội trưởng Đội TTGT số 7, cho biết đã phát hiện 13 xe lắp thêm 2-4 giường.
Biện pháp cơi nới phổ biến là nhà xe gia cố thép để lắp thêm giường vào các lối đi và sửa khoang sau phía trên nắp máy thành khoang nằm. Theo một cán bộ TTGT, việc tùy tiện cơi nới như trên sẽ khiến xe bị lệch tâm, khi vào cua khó giữ cân bằng và dễ bị lật. “Ngay khi phát hiện, chúng tôi đã lập biên bản vi phạm với mức phạt 7 triệu đồng đối với chủ xe là cá nhân và 14 triệu đồng đối với chủ xe là tổ chức, đồng thời yêu cầu tháo dỡ những giường được cơi nới” - ông Cảnh thông tin.
Những vi phạm khá phổ biến nữa được các đoàn kiểm tra ghi nhận là nhà xe thiếu thiết bị chữa cháy hoặc có nhưng chỉ để làm… kiểng. Theo ông Lương Chí Vệ, Đội phó Đội TTGT số 4, nhiều xe giường nằm hoạt động tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) thiếu bình chữa cháy hoặc bình chữa cháy hết hạn sử dụng. Tương tự, nhiều xe thiếu búa phá cửa nhưng khi bị lập biên bản vi phạm thì phản ứng. Chẳng hạn, tài xế của hãng xe Bảy Lang (Bến xe Miền Đông) cho rằng búa phá cửa thiếu là do hành khách “tiện tay” lấy mất, còn ghế nằm do nhà xe lắp đặt từ trước chứ không phải tự ý cơi nới, lắp thêm.
Một cán bộ TTGT cho biết trên thực tế số xe giường nằm tự ý lắp thêm giường cao hơn số vi phạm được phát hiện. Ảnh: MP
Chưa an toàn, thiếu chế tài
Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, đây là đợt kiểm tra đồng loạt điều kiện an toàn của xe khách giường nằm đang hoạt động ở các bến xe Miền Đông, Miền Tây, Ngã tư Ga và hai hãng Phương Trang, Thành Bưởi. Mục đích nhằm phát hiện những xe tự ý thay đổi thiết kế, lắp giường không đúng chuẩn, không đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn.
Tuy vậy, TTGT ghi nhận nhiều trường hợp xe giường nằm không đảm bảo điều kiện an toàn nhưng hình thức chế tài hiện chưa được quy định. Thậm chí cả những xe khách được cho là có thương hiệu như Thành Bưởi, Phương Trang vẫn “sót” các điều kiện về đảm bảo an toàn như thiếu bình chữa cháy, dây đai an toàn hư hỏng, mất tác dụng. Cá biệt, có xe hoạt động ở Bến xe Miền Đông còn cắt, tháo bỏ hoàn toàn các dây đai an toàn tại các giường nằm của hành khách. Đại diện nhà xe phân trần do các dây đai bị hư hỏng, vướng víu nên đã cắt bỏ hết.
Theo quy chuẩn về an toàn kỹ thuật, mỗi giường trên xe khách giường nằm phải có dây đai an toàn loại hai điểm. Nhưng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không có điều khoản xử phạt xe giường nằm không bố trí dây đai an toàn cho khách. Cho nên với những trường hợp này, TTGT chỉ có thể nhắc nhở.
“Những bất cập liên quan đến việc đảm bảo an toàn của xe giường nằm sẽ được ghi nhận, báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn, Thanh tra Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT đưa nội dung kiểm định đối với dây đai an toàn cho hành khách khi kiểm định các xe khách giường nằm” - ông Việt nói.
MINH PHONG
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết đến tháng 3-2014, cả nước có trên 4.230 xe khách giường nằm. Theo quy định, các xe này khi nhập, sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo đều phải thỏa mãn các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật. Theo thống kê, phân tích, chưa có tai nạn giao thông nào của xe giường nằm đến từ lỗi kỹ thuật. Đa số các tai nạn giao thông của xe giường nằm hai tầng là do không tuân thủ các quy định, thao tác lái xe không phù hợp. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam còn nhận thấy ngay sau khi ra khỏi các trung tâm đăng kiểm, nhiều chủ xe khách đã tự ý lắp đặt thêm ghế ngồi, giường nằm để chở vượt quá thiết kế của xe. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. |