Mấy ngày qua, việc xe máy có được phép rẽ phải hay không đã trở thành đề tài tranh cãi sôi nổi của bạn đọc trên các diễn đàn.
Một số bạn cho rằng khi tín hiệu giao thông chuyển sang đèn đỏ, xe máy vẫn được phép rẽ phải; một số khác lại cho rằng khi nào có biển báo, có người chỉ dẫn hoặc có các dấu hiệu được phép thì xe máy mới được rẽ phải, còn không thì sẽ vi phạm giao thông.
PLO xin tổng hợp một số ý kiến của bạn đọc:
Được hay không được rẽ phải khi đèn đỏ
- "Mỗi khi gặp đèn xanh hay đỏ gì tôi cũng rẽ phải hết vì lâu nay đã như vậy nên trở thành thói quen. Mà theo tôi thấy xe máy được phép rẽ phải khi đèn đỏ là đúng mà, chỉ khi đi ô tô mới không được thôi" - bạn đọc Tuấn Cường.
- "Tôi thì không rành gì về luật hết, cứ thấy người ta kéo nhau rẽ phải thì tôi rẽ thôi. Nhiều người làm vậy chắc là đúng, chứ mỗi mình đi ngược lại với người ta lỡ sai rồi sao" - bạn đọc Mỹ Dung.
- "Theo tôi xe máy luôn được phép rẽ phải khi đèn đỏ. Nhiều người không biết họ cứ đậu xe chắn đường mình không rẽ được, bực lắm!" - bạn đọc Tú Uyên.
- "Xe máy không được phép rẽ phải nếu không thuộc các trường hợp quy định. Tôi được biết phải có người điều khiển giao thông, có biển báo hoặc có các dấu hiệu được phép thì xe máy mới được rẽ. Rẽ tùy tiện là bị phạt đấy" - bạn đọc Mạnh Hưng.
- "Trước đây tôi cũng hay rẽ phải khi đèn đỏ nhưng từ hồi biết một chút kiến thức về luật thì tôi phải quan sát các chỉ dẫn cũng như biển báo phụ xem có được rẽ phải không thì mới dám rẽ" - bạn đọc Thanh Thức.
- "Tôi từng bị phạt lỗi rẽ phải khi đèn đỏ rồi nên bây giờ rút kinh nghiệm. Vậy mà nhiều người vẫn không nhận ra đó là vi phạm, để bị phạt như tôi thì họ mới tin"- bạn đọc Diệu Vy.
|
Xe máy không thể tùy tiện rẽ phải khi gặp đèn đỏ. Ảnh minh họa |
Những trường hợp cho phép các phương tiện rẽ phải
Theo Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, có 5 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sẽ được phép rẽ phải khi đèn đỏ.
1. Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Cùng với đó, theo quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ cũng nêu rõ, khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải ưu tiên chấp hành loại hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đầu tiên.
Như vậy, khi đèn đỏ mà có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép rẽ phải thì người tham gia giao thông được phép rẽ phải.
|
Người tham gia giao thông được phép rẽ phải khi đèn đỏ nếu có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
2. Có biển báo phụ cho rẽ phải
Biển báo phụ cho phép rẽ phải thường gắn ngay dưới cột đèn tín hiệu. Khi gặp biển báo này người tham gia giao thông hoàn toàn có quyền rẽ phải.
Lưu ý, lúc này phải bật đèn xi nhan và nhường đường cho người đi bộ
|
Biển báo phụ cho rẽ phải. Ảnh: HUỲNH THƠ |
3. Có đèn báo hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải được lắp kèm theo.
Đây là đèn tín hiệu phụ, được lắp cạnh đèn tín hiệu giao thông thông thường. Có mũi tên màu xanh (được phép rẽ) hoặc màu đỏ (không được phép rẽ).
Khi đèn tín hiệu mũi tên chuyển xanh, người điều khiển phương tiện sẽ được phép rẽ theo hướng mũi tên nhưng vẫn phải nhường đường cho các phương tiện lưu thông từ các hướng khác được phép đi.
|
Đèn báo hiệu cho phép rẽ phải. Ảnh: HUỲNH THƠ |
4. Có vạch mắt võng
Theo Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT, vạch kẻ mắt võng có màu vàng, đan xen với nhau, xuất hiện ở làn xe trong cùng của đường.
Vạch này sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.
Trong khu vực vạch này mà có kèm mũi tên rẽ phải, các phương tiện bắt buộc phải rẽ phải, không được phép đi thẳng hoặc dừng đỗ.
|
Vạch mắt võng. Ảnh: HUỲNH THƠ |
5. Có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.
Nếu có tiểu đảo phân luồng, người điều khiển phương tiện được phép rẽ phải ngay cả khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.
Lưu ý: Phải bật xi nhan khi rẽ và nhường cho người đi bộ trong trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ.
|
Tiểu đảo phân luồng cho rẽ phải. Ảnh: HUỲNH THƠ |
Luật sư Trịnh Công Minh cũng cho biết nếu không thuộc những trường hợp trên mà vẫn rẽ phải khi gặp đèn đỏ thì người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Mức xử phạt được căn cứ Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021), cụ thể như sau:
- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 800.000 – 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 4 triệu – 6 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng; từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn.
- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 3 tháng; từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn.