Trong đó, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông hiện đã suy yếu thành một vùng áp thấp và dự kiến tiếp tục suy yếu thêm trong 24 giờ tới.
Ảnh hưởng của hai áp thấp đã và đang tiếp tục gây mưa lớn tại nhiều địa phương đến ngày 5-9. Đây cũng là ngày khai giảng năm học mới.
Do ảnh hưởng của hai áp thấp, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài đến ngày khai giảng 5-9. Tổng lượng mưa phổ biến 300-500 mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế 500-700 mm/đợt, có nơi trên 700 mm/đợt. Khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300 mm/đợt), Nam bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (100-150 mm/đợt). Áp thấp cũng khiến khu vực vịnh Bắc bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh; ở vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 7-8.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Bộ GD&ĐT cũng đã có công điện khẩn gửi các sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh, TP khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên về việc phòng, chống mưa bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu giám đốc các sở, hiệu trưởng các trường trực tiếp chỉ đạo, điều động cán bộ, giáo viên tổ chức túc trực, kiểm tra, sẵn sàng ứng phó và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác ứng phó bão lũ. Nhà trường cũng cần lên phương án vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp cho khai giảng năm học mới, xem xét lùi ngày khai giảng nếu chưa an toàn.