Xô nhựa, bút bi... có là hung khí nguy hiểm?

Có người nói hướng dẫn của TAND Tối cao chưa rõ nhưng cũng có người lại bảo do nhận thức của thẩm phán…

Trong thời gian chung sống như vợ chồng, giữa Trần Xuân Kiên và chị H. đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Ngày 6-4-2009, Kiên đi nhậu về và cãi nhau với chị H. Trong lúc nóng giận, Kiên vớ chiếc xô nhựa đựng rác đánh chị H. gây thương tật 31%.

Tòa áp dụng, tòa không

Sau đó, Kiên bị VKSND huyện Hóc Môn (TP.HCM) truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS với tình tiết tăng nặng định khung là “dùng hung khí nguy hiểm” (khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù). Xử sơ thẩm, TAND huyện Hóc Môn đã phạt Kiên ba năm tù về tội danh trên.

Kiên kháng cáo xin giảm án, cho rằng chiếc xô nhựa mà Kiên sử dụng để gây án không phải là hung khí nguy hiểm. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định chiếc xô nhựa dù không được liệt kê trong phần ví dụ về hung khí nguy hiểm như hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhưng thực tế nó đã gây thương tật lên tới 31% cho nạn nhân, chứng tỏ nó có khả năng sát thương cao. Vì vậy, việc cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” đối với Kiên là hoàn toàn chính xác.

Ở một vụ khác, cũng sử dụng một chiếc xô nhựa đựng rác để đánh người gây thương tật như Kiên nhưng Lê Văn Hải lại may mắn không bị áp dụng tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm”.

Xô nhựa, bút bi... có là hung khí nguy hiểm? ảnh 1

Cụ thể, ngày 21-8-2008, Hải mời một người bạn về nhà ăn nhậu rồi nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến cãi vã. Lời qua tiếng lại một lúc, H. vớ một chiếc xô nhựa đựng rác trước cổng đánh bạn gây thương tật vĩnh viễn 22%. Sau đó, Hải chỉ bị VKSND một quận tại TP.HCM truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS (khung hình phạt cao nhất đến ba năm tù). Xử sơ thẩm, TAND quận này cũng đồng tình với quan điểm không áp dụng tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” đối với Hải và phạt 18 tháng tù.

Hướng dẫn ra sao?

Trong tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết số 01 ngày 12-5-2006, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn: Dùng hung khí nguy hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 Mục 2 Phần I Nghị quyết số 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 Mục 2 Nghị quyết 02, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn: Vũ khí là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47 ngày 12-8-1996 của Chính phủ). Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.

Nghị quyết 02 cũng đưa ra một số ví dụ về công cụ, dụng cụ như búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…; về vật mà người phạm tội chế tạo ra như thanh sắt mài nhọn, côn gỗ…; về vật có sẵn trong tự nhiên như gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...

Dựa vào khả năng gây nguy hiểm?

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM nhận xét Nghị quyết 02 chưa rõ ràng và khó áp dụng. Nghị quyết chỉ nêu về các dạng hung khí nguy hiểm và lấy ví dụ chứ không hề nêu một cách khái quát nhất về tính chất, đặc thù để nhận biết phương tiện nguy hiểm là gì. Sau các ví dụ của nghị quyết còn có dấu ba chấm (…) nhằm cân nhắc, so sánh tính chất tương thích để áp dụng hung khí nguy hiểm. Tuy nhiên, pháp luật là phải rõ chứ không thể “tùy cơ ứng biến”.

Không đồng tình, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM phân tích: Trong cuộc sống có hàng triệu vật, công cụ, phương tiện do con người làm ra hoặc có sẵn trong tự nhiên, nếu bắt buộc Nghị quyết 02 phải liệt kê từng vật là điều không tưởng và không thể thực hiện nổi. Chính vì vậy mà Nghị quyết 02 chỉ liệt kê vài ví dụ, còn lại sử dụng dấu ba chấm (…).

Theo vị thẩm phán này, nhiều vụ án gây tranh cãi là do người trong cuộc đã quá chú trọng đến các ví dụ trong Nghị quyết 02 mà quên mất một dấu hiệu quan trọng khác để nhận biết hung khí nguy hiểm. Đó là dấu hiệu: “Nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công”. Khi giải quyết án, tòa hoàn toàn có thể dựa vào dấu hiệu này để xác định công cụ, phương tiện gây án có phải là hung khí nguy hiểm hay không và chịu trách nhiệm về điều đó.

Dùng hậu quả để xác định?

Theo luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM), hiện rất nhiều tòa có xu hướng lấy hậu quả, cụ thể là tỉ lệ thương tật của nạn nhân để xác định công cụ, phương tiện gây án có phải là hung khí nguy hiểm hay không. Luật sư Quý băn khoăn bởi chưa có quy định hay hướng dẫn nào nói rằng dùng một vật gây ra tỉ lệ thương tật bao nhiêu thì là hung khí nguy hiểm cả.

Về chuyện này, một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM lý giải: Đúng là không có quy định, hướng dẫn nhưng tỉ lệ thương tật của nạn nhân cho thấy được khả năng gây nguy hiểm, khả năng sát thương của công cụ, phương tiện gây án.

Một số vụ tương tự

Mới đây, VKS một huyện ở Hậu Giang đã truy tố Trần Chí Hùng về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS (dùng hung khí nguy hiểm). Trước đó, chiều 3-10-2010, Hùng dùng cây bút bi đâm vào hốc mắt của ông T. gây thương tật 4%. Trong vụ này, có ý kiến nói Hùng không phạm tội vì tỉ lệ thương tật của nạn nhân chưa đủ 11%, mặt khác bút bi không phải là hung khí nguy hiểm...

Tháng 9-2008, bà K. ngụ huyện S. (Phú Yên) đã bị chồng bà H. lấy bình nước sôi tạt thẳng vào người gây thương tật 17%. Theo yêu cầu của bà K., công an đã khởi tố chồng bà H. về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS. Quá trình giải quyết án, chuyện nước sôi có phải là hung khí nguy hiểm hay không đã gây rất nhiều tranh cãi, không chỉ ở nội bộ các cơ quan tố tụng mà còn ngay cả trong giới luật học…

Tháng 9-2007, TAND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận kháng nghị của VKS huyện Phú Hòa, sửa án sơ thẩm, phạt Phạm Văn Hiền 15 tháng tù về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS. Trước đó, Hiền dùng tăng phô điện đánh người khác gây thương tật 14%. VKS huyện Phú Hòa cho rằng cái tăng phô điện là hung khí nguy hiểm nên truy tố Hiền theo khoản 2. TAND huyện không đồng tình nên chỉ phạt Hiền chín tháng tù treo theo khoản 1.

Tháng 11-2006, Lê Tuấn Anh ngụ TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã chụp một cái ly thủy tinh lớn dùng uống bia ném thẳng vào một người gây thương tật 4%. Cho rằng Anh dùng hung khí nguy hiểm, Công an TP Tuy Hòa đã khởi tố vụ án, đồng thời đề nghị VKS TP này phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Anh về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, VKS từ chối phê chuẩn với lý do cái ly này không phải là hung khí nguy hiểm…

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm