Xoắn tinh hoàn có đáng sợ?

Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn?

Gọi là xoắn tinh hoàn nhưng thực ra hai hòn bi khó có thể xoắn được. Hiện tượng xoắn chỉ xảy ra ở cuống tinh hoàn, tức là xoắn thừng tinh.

Khi mới hình thành trong bào thai, tinh hoàn của bé trai nằm cạnh hai quả thận. Lúc thai được ba tháng trong khi thận nhích lên một tí, thì hai hòn bi lại chui dần ra khỏi bụng.

Khi bé trai ra đời, mỗi bi dính với bụng bằng một cuống mạch máu dài gọi là thừng tinh. Hòn bi với dây thừng tinh giống như quả bóng treo trên dây nó có thể lắc lư, xoay qua xoay lại, và nếu xoay quá đà thì xoắn luôn.

Khi thừng tinh bị xoắn, mạch máu nuôi tinh hoàn nằm trong thừng tinh sẽ bị xoắn lại và tắc. Máu không thể lưu thông để nuôi tinh hoàn bị đói. Và nếu tình trạng đói bụng này kéo dài quá sáu giờ thì các tế bào của tinh hoàn sẽ chết.

xoắn tinh hoàn

Triệu chứng của bệnh

Lúc mới bị xoắn tinh hoàn, bệnh nhân sẽ bị đau dữ dội, kèm theo tình trạng nôn hoặc cảm giác buồn nôn nhưng hoàn toàn không sốt.

Khi khám bệnh bác sĩ sẽ thấy tinh hoàn không nằm xuôi dọc mà nằm ngang có thể sờ thấy nút xoắn. Nhiều lúc cơn đau kéo dài 5 – 10 phút rồi tự hết do thừng tinh bị xoắn rồi tự tháo ra. Có thể bệnh nhân bị 1-2 cơn đau/ năm do xoắn – tháo xoắn nhưng rồi một hôm nào đó tinh hoàn xoắn luôn, không chịu tự tháo ra nữa. Giải pháp là nhập viện gấp.

Thông thường bác sĩ sẽ mổ luôn mà ít cho làm xét nghiệm, siêu âm vì các thao tác này sẽ chỉ làm chậm thời gian cứu tinh hoàn mà thôi.

Điều trị xoắn tinh hoàn thế nào?

Xoắn tinh hoàn là bệnh không quá hiếm gặp có thể cứu chữa kịp thời nếu bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 4 – 6 giờ mà không để lại di chứng. Nếu tinh hoàn không hề hấn gì bác sĩ sẽ tháo xoắn thừng tinh, cố định tinh hoàn để nó không xoắn nữa. Ngay cả cái hòn bên kia dù không bị sao cũng được bác sĩ khâu cố định với mục đích phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Nhưng nếu mổ trễ quá sáu giờ sau khi có triệu chứng rất nhiều khả năng tinh hoàn sẽ bị đen, chết, chỉ còn một cách là cắt bỏ. Tuy nhiên bệnh nhân không nên lo lắng mặc cảm vì dù lẻ loi nhưng hòn bi còn lại vẫn phát triển bình thường và vẫn đáp ứng được nhiệm vụ duy trì nòi giống.

BS Như Thành

(Theo plo.vn)




Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm