Cả anh Cúng, chị Thơm đều bị khuyết tật. Chị may mắn còn có đôi chân ngắn cũn và đôi tay thô kệch để đi lại bán vé số. Anh kém may mắn hơn, hai chân không đi lại được. Với cảnh đời khó khăn và nhiều nghị lực, anh chị trở thành “chuyện tình cổ tích của đôi vợ chồng lùn” trong bài viết của một số báo.
Sáng nay, tôi gặp phải tình huống vô cùng bối rối. Sau tiếng gõ cửa phòng bạn đọc của báo, nhân viên bảo vệ tòa nhà đi vào cùng một thanh niên bế anh Cúng trên tay. Chị Thơm đi phía sau, đôi chân ngắn khiến dáng vẻ chị vừa buồn vừa tội. Anh chị đến để kể về chuyện họ mới bị cưỡng chế tháo dỡ căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp ở Hóc Môn. Biết xây nhà không phép là sai, anh chị không trách móc gì mà chỉ mong báo Pháp Luật TP.HCM có hướng giúp đỡ để gia đình có chỗ ở.
Gia đình chị Thơm tìm đến báo nhờ trợ giúp(trên) và cảnh sinh hoạt trong nhà anh chị. Ảnh: NGUYỄN CHÍNH
Anh chị giãi bày trước khi xây nhà đã đi xin phép và không được đồng ý. Tuy nhiên, hàng xóm lại trấn an nên anh chị làm liều vì nhiều nhà xung quanh cũng xây không phép nhưng vẫn tồn tại lâu nay. Anh chị xây xong ở được hai tháng thì xã xuống cưỡng chế tháo dỡ. Tối đó anh chị phải che tạm một góc để ở. Gặp đúng ngày mưa, gia đình bốn người đều bị ướt.
Hoàn cảnh gia đình anh khiến ai cũng thương cảm. Anh không đi lại được nên ở nhà nấu ăn, chị đi bán vé số. Hai cậu con trai thì mỗi ngày một lớn, một bé 10 tuổi, một bé lên năm. Chẳng rõ rồi anh chị có đủ sức nuôi nấng chúng đến khi trưởng thành không.
Nhà xây không phép bị cưỡng chế là đúng nhưng nếu ngay khi mới manh nha những viên gạch đầu tiên, việc làm sai này được ngăn chặn thì đỡ biết bao. Số tiền đó lẽ ra có thể làm được nhiều việc khác chứ không phải để xây nên một căn nhà mà chắc chắn sẽ bị đập bỏ. Sự thật là bây giờ nó đã trở thành một đống xà bần.
Chúng tôi không giúp gì được cho anh chị, cũng không thể trách được ai nhưng thấy thật xót xa.