Và có vẻ như các quan chức xây nhà không phép được thì tại sao người dân lại không?! Thế là một người xây nhà không phép được thì 10 người cũng xây nhà không phép được. Hiệu ứng domino cứ thế lan ra mãi.
Tại sao pháp luật của chúng ta ngày càng nhiều mà kỷ cương của chúng ta lại ngày càng lỏng lẻo? Có lẽ thiếu một nghiên cứu công phu và khoa học, chúng ta không thể trả lời chính xác câu hỏi này. Tuy nhiên, một hệ thống pháp luật sẽ rất khó được thực thi nếu chất lượng của các quy phạm thấp, hoặc là chúng ta quy định những điều nằm ngoài khả năng tuân thủ của người dân, hoặc là chúng ta quy định những điều nằm ngoài khả năng áp đặt việc tuân thủ của chính quyền.
mọi sự lạm dụng điều chỉnh đều gây ra lạm phát về các quy phạm pháp luật. Sự lạm phát này đến lượt mình lại làm cho chi phí tuân thủ và chi phí áp đặt việc tuân thủ bị đẩy lên cao. Hậu quả là cả người dân lẫn chính quyền đều không có đủ các nguồn lực để thực thi pháp luật. Mà như vậy thì kỷ cương rất khó có thể được xác lập và duy trì.
Như vậy muốn có kỷ cương, trước hết chúng ta cần cải cách hoạt động lập pháp. Và nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là: “Cải cách thể chế, cải cách thể chế và cải cách thể chế!”. Mỗi thể chế là một loại khuôn mẫu cho các hành vi được pháp luật điều chỉnh. Các khuôn mẫu hành vi này có thể tạo ra sự hợp lý và hiệu quả nhưng cũng có thể gây ra sự rối loạn và ách tắc. Vấn đề là các nhà lập pháp phải hiểu được điều này và phải có đủ năng lực để sáng tạo ra các quy phạm pháp luật vừa bảo đảm hiệu quả, vừa bảo đảm sự hài hòa và công lý.
Tuy nhiên, xây dựng được một hệ thống các quy phạm pháp luật tốt mới chỉ là một nửa vấn đề, một nửa còn lại chính là khả năng thực thi các quy phạm đó.
Thực thi pháp luật quả thực là khâu yếu trong nền quản trị của chúng ta. Đây là một khâu yếu kép: Yếu cả trong việc tuân thủ và yếu cả trong việc áp đặt sự tuân thủ. Cho dù pháp luật cấm vượt đèn vàng nhưng nếu không có CSGT bên cạnh thì không chỉ đèn vàng mà đèn đỏ cũng sẽ bị vượt. Điều này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người còn rất hạn chế. Mà thiếu ý thức pháp luật thì gần như không thể xác lập được kỷ cương. Suy cho cùng thì chúng ta không thể nào có đủ nhân lực và tài lực để bố trí thanh tra, cảnh sát trong mọi lúc, mọi nơi.
Như vậy, giáo dục ý thức pháp luật phải là một nội dung quan trọng của việc bảo đảm kỷ cương. Đây phải là công việc thường xuyên của gia đình, nhà trường, các cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội. Ngoài ra, để giáo dục ý thức pháp luật thì sự nêu gương của các cơ quan công quyền là rất quan trọng. Các quan chức phải chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh nhất trước khi đòi hỏi người dân phải làm như vậy. Nếu các quan chức cứ ngang nhiên xây nhà không phép thì họ giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho con cháu mình còn chưa nổi chứ đừng nói gì cho người dân.
Ngoài ra, xây dựng năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật cũng rất quan trọng. Các cơ quan này phải có đủ cả năng lực tuân thủ (những quy phạm mà pháp luật áp đặt cho các cơ quan nhà nước) và năng lực áp đặt sự tuân thủ. Một kế hoạch bài bản để xây dựng và nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật là rất cần thiết cho việc bảo đảm kỷ cương.