Bởi có rất nhiều cá nhân, tổ chức thắng kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan công quyền.
Tuy nhiên, sự việc của BS Truyện gây chú ý đặc biệt trong công luận vì nó không bình thường như các quyết định, hành vi hành chính thông thường khác. Nó là kiểu hành xử mang tính phục tùng cấp trên một cách máy móc.
Để ý kỹ, chúng ta thấy các quyết định của Thừa Thiên-Huế là toàn làm theo lệnh của cấp trên. Đầu tiên là công văn yêu cầu “kiểm tra, xử lý theo quy định” của Bộ Y tế mà khi nhận được, các cơ quan liên quan của địa phương này quyết liệt vào cuộc và BS Truyện xóa ngay nội dung trên Facebook. Nếu chỉ dừng ở đây rồi báo cáo thì đã không có chuyện nhưng Thừa Thiên-Huế đã “xử nghiêm” khi thấy… có vẻ vi phạm.
Có thể đổ thừa việc hành xử như vậy là do cơ quan chức năng nhận thức pháp luật chưa tới, hành xử vội vàng… nhưng ẩn sau đó là sự phục tùng máy móc, nếu không muốn nói là cố xử cho nặng để “cho vừa lòng” trên.
Nền hành chính của chúng ta luôn chịu sự chi phối của quan hệ mang tính mệnh lệnh, thứ bậc và nó được phân cấp, phân quyền rất rõ ràng bằng luật pháp, quy định… Vì vậy, nếu Thừa Thiên-Huế xem văn bản “kiểm tra, xử lý” của Bộ Y tế là mệnh lệnh hành chính thì sự vào cuộc ngay lập tức của địa phương là kịp thời, đúng đắn.
Vấn đề ở đây là khi xử lý, anh phải độc lập dựa trên luật pháp chứ không phải cố xử lý để chiều ý cấp trên mà sự “chiều” này cũng không đúng ý. Bởi bộ trưởng Bộ Y tế chỉ yêu cầu xử lý theo quy định chứ có yêu cầu xử theo cách “hiểu” của Thừa Thiên-Huế đâu!
Sau khi báo chí lên tiếng, Thừa Thiên-Huế vẫn tiếp tục bảo lưu các quyết định xử phạt, kỷ luật bác sĩ cho đến khi bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo xin lỗi người bị phạt. Đến lúc này, địa phương lại khẩn trương thực hiện chỉ đạo đúng pháp luật, hợp lòng dân của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
Công cụ để thực hiện công vụ là luật pháp. Đó là điểm tựa quan trọng bậc nhất để hành xử chứ không phải máy móc phục tùng sai quy định.