Thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp (DN) chiếm dụng tiền BHXH (trong đó gồm cả tiền BHYT, BHTN) khiến quyền lợi của người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy việc các cơ quan chức năng ̃ kiến nghị phải xử lý hình sự hành vi này được nhiều bạn đọc rất đồng tình.
Công nhân thiệt đủ đường
Khoảng 100 công nhân một công ty chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc ở quận 6 (TP.HCM) đã nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng vì bị công ty nợ lương, bảo hiểm, không thanh toán chế độ thai sản. Nhiều người đi khám bệnh không được thanh toán vì không có thẻ BHYT.
Chị Mai Thị Hằng (nhân viên công ty) kể lại: Chúng tôi đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống, hằng tháng công ty đều đặn trích tiền lương nhưng lại không đóng BHXH. Khi chúng tôi đòi quyền lợi thì công ty không giải quyết. Giờ chúng tôi không biết làm sao...
Phía cơ quan bảo hiểm quận 6 cho biết công ty trên nợ BHXH khoảng 500 triệu đồng, đã bị BHXH quận khởi kiện. Trước đó, nhiều NLĐ bấm bụng “hy sinh” quyền lợi trong ba tháng không được công ty đóng bảo hiểm để được chốt sổ bảo hiểm nhưng cơ quan bảo hiểm không xử lý được.
Nhiều công nhân một công ty ở quận 6 (TP.HCM) bức xúc vì bị doanh nghiệp thu tiền nhưng không chịu đóng BHXH cho họ. Ảnh: PĐ
Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH cho biết hiện nợ đóng BHXH là 5.578 tỉ đồng. Trong đó, DN ngoài quốc doanh nợ gần 2.000 tỉ đồng và DN nhà nước nợ 873 tỉ đồng...
Tính đến cuối tháng 3-2015, trên địa bàn TP.HCM có gần 2.000 DN nợ tiền BHXH với số tiền hơn 2.000 tỉ đồng khiến hàng chục ngàn lao động bị thiệt thòi các quyền lợi về BHTN, BHYT, thai sản... Thời gian qua BHXH TP.HCM đã khởi kiện hơn 1.700 DN nợ đóng BHXH kéo dài. Kết quả đã đòi được gần 130 tỉ đồng để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Thêm hình thức răn đe
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết để tăng mức độ răn đe thì phải xử lý hình sự, làm vậy cũng nhằm bảo đảm lợi ích của NLĐ. Cũng có ý kiến băn khoăn làm sao xử lý được pháp nhân, lần này đã nói rất rõ xử lý người đứng đầu DN, đơn vị, tổ chức…
Ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, cũng nhìn nhận các chế tài trong lĩnh vực BHXH suy cho cùng là bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Nếu chế tài không mạnh, mức phạt thấp sẽ khiến các đơn vị lợi dụng trốn đóng BHXH. Theo đó, nếu tăng thêm chế tài xử lý hình sự mức răn đe sẽ cao hơn.
“Tôi cho rằng dù chưa hy vọng sẽ xử lý triệt để nhưng việc xử lý hình sự tăng thêm hình thức răn đe, hạn chế hành vi trốn đóng BHXH của các đơn vị…” - ông Phong nói.
Trốn đóng BHXH như trốn đóng thuế Vừa qua các cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm của DN ở nhiều dạng khác nhau trong thực hiện BHXH. Đặc biệt, nhiều DN hằng tháng đều trích tiền đóng BHXH từ tiền lương, tiền công của NLĐ nhưng không đóng vào quỹ BHXH. Nhiều DN chỉ ký hợp đồng lao động thời vụ hoặc hợp đồng học nghề để tránh tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hưởng BHXH của NLĐ. Các DN nợ BHXH quá lớn, việc xử phạt hành chính thì ít và không đủ sức răn đe. Cơ quan BHXH khởi kiện DN ra tòa án cũng gặp nhiều khó khăn và việc thu hồi nợ cũng không đạt hiệu quả. Chúng tôi cho rằng việc đóng BHXH cũng giống như đóng thuế. Trong khi đó tội trốn thuế thì được đưa vào BLHS còn tội trốn đóng BHXH thì chưa. Vậy nên cần phải xem xét quy định trong BLHS. Tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết để tránh các DN trốn và chây ỳ đóng BHXH. Ông MAI ĐỨC CHÍNH, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Xử lý mạnh là cần thiết Việc đưa vào dự án BLHS tội trốn đóng BHXH, BHYT là cần thiết, phù hợp trong tình hình mới như hiện nay. Vài năm trở lại đây, các DN trốn đóng tiền BHXH, BHYT có lúc lên đến hàng trăm tỉ đồng khiến quyền và lợi ích hợp pháp NLĐ bị thiệt thòi. Do vậy, không có lý do gì không xử lý nghiêm các DN cố tình trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. NGUYỄN ĐƯỚC, 136/1 Trần Phú, quận 5, TP.HCM Hành vi có thể bị xử lý hình sự Khi thu tiền của NLĐ, đơn vị sử dụng lao động phải nộp cho BHXH để sau này NLĐ được hưởng các chính sách mà Nhà nước quy định. Khi đơn vị chiếm dụng thì hành vi này được xem là sử dụng tài sản trái phép, theo quy định của pháp luật thì có thể xử lý hình sự. Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM |