Nhiều người cho rằng phần lớn sinh viên đi du học và không về nữa, hoặc nếu có về thì cũng chọn làm cho các công ty liên doanh - nước ngoài, chính là nguyên nhân khiến đất nước bị “chảy máu chất xám”. Tuy vậy, quan niệm về “chảy máu chất xám” nay đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực hơn.
Cống hiến theo cách phù hợp
Nguyễn Thùy Chi - cựu du học sinh (DHS) Học viện Phát triển Quản lý Singapore (MDIS), hiện đang làm PR cho một công ty truyền thông lớn tại TP.HCM chia sẻ: “Không chỉ riêng vấn đề về thu nhập, bản thân những DHS như chúng tôi còn cảm thấy môi trường làm việc ở nước ngoài có sức sáng tạo và phát triển hơn so với môi trường trong nước”. Cụ thể, Thùy Chi giải thích: “Làm ở công ty nước ngoài, chúng tôi thoải mái ứng dụng những gì đã được học từ nước ngoài vào công việc. Cái quan trọng ở đây là sáng tạo chứ không phải lối mòn, miễn sao hoàn thành công việc đạt hiệu quả”.
Nếu DHS tiếp tục ở lại nước bản xứ để làm việc, sinh sống thì cũng chưa chắc là “chảy máu chất xám”.
Với Ngọc Anh - cựu DHS tại Singapore, nhân viên xuất nhập khẩu một công ty nước ngoài tại KCN Tân Bình lại chia sẻ: “Điều quan trọng vẫn là có những đóng góp cho sự phát triển chung của kinh tế đất nước chứ không phải việc chọn làm cho công ty nước ngoài hay Việt Nam”. Theo Ngọc Anh: “Từ một môi trường năng động của nền kinh tế mở, nhiều DHS đã được tích lũy kiến thức, thậm chí là cả kinh nghiệm làm việc nhưng nay lại phải buộc gắn kết với một môi trường không mấy nhanh nhạy chỉ khiến nhiều DHS thêm “lụi” kiến thức, thêm chán nản với công việc. Về lâu về dài thì chẳng những không phát triển bản thân mà ngày càng trầm cảm, hiệu quả công việc sẽ ngày càng đi xuống”.
Với Ngọc Phương - cựu DHS tại Trường Stanford University (Mỹ) thì lại khá thẳng thắn: “Những gì chúng tôi được học và muốn làm hiện rất khó thực hiện ở các doanh nghiệp Việt Nam vì nhiều nguyên nhân như sự thiếu thốn các điều kiện thực hiện, những vấn đề về thủ tục hành chính, về con người… đã khiến chúng tôi dù muốn gắn kết với các doanh nghiệp Việt Nam sau khi tốt nghiệp cũng thấy rất khó. Chính vì vậy, bản thân tôi trước hết phải tìm cơ hội ở các doanh nghiệp nước ngoài, sau đó nếu có điều kiện thì sẽ tự lập nghiệp riêng vì chung quy thì dù là làm việc cho công ty nước ngoài nhưng thu nhập cũng là để lo cho bản thân và gia đình ngay tại Việt Nam”.
Nhiều phân vân ở-về
Có rất nhiều lý do được đưa ra để các DHS cân nhắc mình sẽ ở lại làm việc hay về nước lập nghiệp, chọn công ty trong nước hay cho nước ngoài như môi trường làm việc trong nước khó phát huy được hết năng lực của bản thân; thu nhập không tương xứng; muốn tìm cơ hội thăng tiến trong công việc,… Lê Tiến Đạt - sinh viên ngành kiến trúc tại Úc chia sẻ: “Tôi đang lưỡng lự suy nghĩ rằng không biết sau khi tốt nghiệp mình có nên về nước hay ở lại để tiếp tục học và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Thật sự cái quan tâm lớn nhất của tôi lúc này là một môi trường làm việc ở Việt Nam sẽ như thế nào”.
Với Phan Thế Trung - cựu DHS tại Anh, hiện đang phụ trách một công ty săn đầu người tại TP.HCM thì lại có cái nhìn rất mới về hiện tượng được đánh giá là “chảy máu chất xám” này. Anh quan niệm: “Cái quan trọng là chúng ta đừng để lãng phí chất xám, nghĩa là phải để những người trí thức được làm việc đúng với chuyên môn, sở trường của họ dù đó là ở trong nước hay nước ngoài”. Cũng theo anh Thế Trung dẫn chứng: “Hiện nay có khoảng 3 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, trong số đó có khoảng 400.000 người có bằng ĐH và trên ĐH. Mỗi năm số người này làm ra số của cải giá trị khoảng 40 tỉ USD, 10% trong số này được chuyển về Việt Nam. Số tiền này lớn hơn nhiều so với hơn 100 triệu USD mà hằng năm chúng ta chuyển ra nước ngoài cho con em đi học. Chính vì vậy không nên quá khắt khe với việc DHS chọn lập nghiệp ở nước ngoài hay làm cho công ty nước ngoài”.
Nhiều trường hợp cống hiến nổi bật Hiện có nhiều cựu DHS đã có nhiều cống hiến cho đất nước dù đang công tác tại nước ngoài. Chẳng hạn, trường hợp Ngô Đắc Tuấn (sinh viên ĐHQG Hà Nội, khóa 1997), sau khi tốt nghiệp thủ khoa Trường Polytechnique và lấy bằng tiến sĩ đã thành công rực rỡ trong việc nghiên cứu và có một địa vị trong Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp. Hay trường hợp của Ngô Đức Thành (sinh viên ĐHQG Hà Nội, khóa 1998), sau khi làm luận án tiến sĩ xuất sắc ở Pháp, Thành đã đến làm việc tại ĐH Tokyo, ngành vật lý địa cầu và đạt được nhiều kết quả tốt. Sau khi được mời ở lại Nhật thêm năm năm, Thành từ chối và quyết định về Việt Nam phục vụ đất nước. |
BÁ LÂM