Thời gian qua, lực lượng CSGT ghi nhận nhiều trường hợp học sinh (HS) vi phạm Luật Giao thông đường bộ như chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều. Điều này khiến bạn đọc lo ngại và thắc mắc về việc quản lý của nhà trường, trách nhiệm của phụ huynh.
Nỗi bất an vì HS vi phạm
Tại giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh, các tổ công tác thuộc Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn (Phòng PC08) Công an TP.HCM đã tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông.
Cụ thể, sáng 27-12-2023, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng nhiều xe để kiểm tra. Đồng thời lập biên bản và tạm giữ xe của hai HS vì các lỗi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, không có giấy đăng ký xe theo quy định.
Sáng 28-12, tổ công tác tiếp tục kiểm tra nhiều xe, ghi nhận một HS khác điều khiển xe phân khối lớn, không có giấy đăng ký xe, không xuất trình CCCD khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền. Sau đó, học sinh vi phạm an toàn giao thông đã bị xử lý theo quy định.
Trình bày với cán bộ CSGT, hầu hết HS cho biết lý do điều khiển xe phân khối lớn là do phụ huynh bận đi làm nên không thể đưa rước, nhà xa trường, đi học trễ...
Theo thống kê của Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn, trong ba tháng gần đây, đơn vị đã tổng kiểm soát 212 trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông. Tất cả đều không đủ tuổi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên. Ngoài ra có chín trường hợp không đội nón bảo hiểm, 18 trường hợp đi ngược chiều.
Nói về tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông, chị Đinh Mai Hương chia sẻ: “Từ phương diện của một phụ huynh, tôi rất lo lắng khi bắt gặp hình ảnh HS chạy xe phân khối lớn lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... Con trẻ sai một thì phụ huynh sai 10, không thể giao xe phân khối lớn cho con chạy tùy tiện như thế được. Quan trọng nhất là khâu quản lý, tuyên truyền từ nhà trường, phụ huynh”.
Em ĐLT, HS một trường THPT tại quận 1, cho biết hằng ngày em đều đi xe buýt hoặc xe công nghệ đến trường. Vì nếu vi phạm, CSGT sẽ gửi thông báo về trường, HS có thể bị hạ hạnh kiểm, dẫn đến ảnh hưởng đến kết quả học tập và xét học bạ trong kỳ thi THPT quốc gia nên rất sợ.
CSGT phối hợp chặt chẽ với nhà trường
Phòng CSGT TP.HCM (PC08) Công an TP.HCM cho biết HS thường mắc lỗi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, điều khiển xe không có giấy đăng ký xe... khi tham gia giao thông.
Sau khi lực lượng CSGT nói riêng và Công an TP.HCM nói chung tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các cơ sở giáo dục, trường học đã góp phần giảm thiểu số HS vi phạm trên địa bàn.
Trình bày với cán bộ CSGT, hầu hết học sinh cho biết lý do điều khiển xe phân khối lớn là do phụ huynh bận đi làm nên không thể đưa rước, nhà xa trường, đi học trễ...
Ngoài ra, Phòng PC08 đã thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT giữa Bộ Công an với Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể, sau khi các đơn vị tuần tra, kiểm soát lập biên bản, Phòng PC08 sẽ tập hợp danh sách HS vi phạm gửi về Sở GD&ĐT TP.HCM để chuyển thông báo về các trường học. Phòng PC08 cũng như công an các đơn vị, địa phương thường xuyên phối hợp cùng các trường thực hiện tuyên truyền trực tiếp hoặc qua mạng xã hội, chương trình học, ngoại khóa...
Đồng thời, Phòng PC08 đã chỉ đạo các đơn vị phụ trách địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực trường học để kiểm tra, xử lý HS sử dụng mô tô, xe máy điện, xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và vận động ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Đại diện Trường THPT Trưng Vương cho biết nhà trường chú trọng quan tâm thực hiện quy chế phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông giữa Công an TP.HCM và Sở GD&ĐT TP.HCM.
Ngoài ra, khu vực xung quanh trường thường xuyên được Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn, Đội CSGT quận 1... tuần tra, kiểm soát để xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đó, gửi thông báo về nhà trường giúp kịp thời điều chỉnh, giáo dục HS.
Về phía nhà trường, sau khi nhận thông tin HS có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, ban giám hiệu sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giám thị phối hợp với phụ huynh giáo dục HS và đề ra giải pháp khắc phục. Đồng thời xem xét việc đánh giá hạnh kiểm.•
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng
Phụ huynh đóng vai trò lớn trong việc giáo dục con mình tham gia giao thông an toàn. Do đó, đề nghị các bậc phụ huynh phối hợp chặt chẽ với nhà trường, lực lượng chức năng trong việc theo dõi, quản lý HS. Đồng thời nhắc nhở, làm gương cho các em trong việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Phòng CSGT TP.HCM (PC08) Công an TP.HCM