Rau cải, rau dềnh,... nhiễm độc bởi phun thuốc trừ sâu, thể hiện bằng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, rau muống tưới nhớt thải bị nhiễm chì, giá đỗ lớn nhanh như thổi nhờ ủ bằng hóa chất Trung Quốc,.. Đó là những thông tin khiến người dùng ghê sợ trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian qua.
Theo kết quả kiểm nghiệm của Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) từ tháng 7-10/2016, cho thấy tỷ lệ mẫu rau, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức giới hạn cho phép là 3,15.
Ảnh minh họa.
Ung thư rình rập đằng sau những bó rau “tươi xanh”!
Theo các chuyên gia, nguy cơ ung thư khi ăn phải các loại rau tưới bằng nhớt là rất cao bởi dầu nhớt đã qua sử dụng vô cùng độc hại do có chứa chì, kẽm và các kim loại nặng khác. Khi dùng nhớt thải tưới trực tiếp lên rau thì những chất độc hại ngấm vào rau và đi vào cơ thể con người thông qua các bữa ăn.
Tuy nhiên, theo như một nông dân trồng rau muống tiết lộ số lượng rau muống trồng theo phương thức “thần kì” này chỉ để bán, chứ bản thân họ thì không sử dụng.
Tưởng đâu những người nông dân này “né” được tác hại nhưng lại trở thành người hứng chịu trực tiếp nhất. Chính những người nông dân là những người đầu tiên chịu tác hại khi trực tiếp tiếp xúc với hóa chất qua da, qua đường hô hấp và qua tiêu hóa.
Vì vậy, mặc dù họ không ăn rau nhiễm bẩn nhưng khả năng bị ung thư vẫn rất cao.
Khi được hỏi về tác hại của nhớt đến sức khỏe con người BS.Trần Ngọc Lưu Phương-Phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM trả lời trên báo chí nói: “Nhớt sản xuất từ dầu hỏa là những chất hydrocarbon. Trong nhớt có chứa những chất phụ gia dùng trong công nghiệp và nhiều kim loại nặng rất có hại. Nhớt bình thường chưa qua sử dụng đã là chất độc đối với cơ thể người. Nhớt đã qua sử dụng còn chứa nhiều chất có độc tính cao hơn”.
“Cơ thể con người khi đã hấp thu những chất độc này thì không có cách gì thải ra được. Mỗi ngày chúng ta nhiễm một ít, chất độc sẽ tích tụ trong gan, trong thận hay thậm chí trong não và cơ quan sinh dục, gây suy gan, suy thận, mất trí nhớ, động kinh hay thậm chí là vô sinh, xảy thai, sinh non và ung thư”- BS Lưu Phương chỉ ra tác hại vô cùng nghiêm trọng của nhớt thải.
Chế tài xử lý
Luật sư Nguyễn Thế Tân, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh cho biết: Tại Điều 5 của Luật An toàn thực phẩm có quy định 13 hành vi bị cấm không được thực hiện. Trong đó có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép. Như vậy, những hành vi này đã phạm vào điều cấm nêu trên.
Với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng để sản xuất rau, có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.
Ngoài ra theo quy định tại Điều 7 khoản 2 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, người nông dân còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 4 tháng đến 6 tháng nếu tưới nhớt thải trực tiếp lên rau.