Trước đó, tháng 6-2015, tòa đã mở phiên xử nhưng tạm hoãn, trả hồ sơ để giám định lại ở cấp cao nhất nhằm xác định ngân hàng có bị thiệt hại hay không. Tháng 7-2015, VKSND Tối cao có văn bản trả lời là yêu cầu của tòa không có cơ sở. Viện giữ nguyên quan điểm như trong cáo trạng đã truy tố.
Theo cáo trạng, năm 2011, ông Nguyễn Ngọc Khải, Quyền Giám đốc Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu, đã ký, ban hành thông báo, công văn có nội dung chi hoa hồng môi giới, chi phí dịch vụ, mức chênh lệch tối thiểu giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động sai so với quy định. Ông Khải bị truy tố về tội cố ý làm trái...
Từ việc làm sai của ông Khải, nhiều cán bộ, nhân viên của Agribank trong tỉnh bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trong phần xét hỏi và tranh luận, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank Việt Nam, Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu đều khẳng định trong vụ án này Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn toàn không bị thiệt hại. Còn các bị cáo khác cũng cho rằng họ không lạm quyền và chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Họ có sai khi đã ký thay người thân giấy xác nhận, hợp đồng mà chưa có giấy ủy quyền nhưng việc họ làm là chỉ nhằm hưởng chênh lệch lãi suất theo sản phẩm mới của ngân hàng...
Các luật sư và ngay cả chủ tọa cũng nêu thắc mắc vì sao tại phiên tòa trước viện đã thay đổi tội danh truy tố nhóm 11 bị cáo từ Điều 280 BLHS - lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản sang Điều 281 BLHS - lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Thế nhưng ở phiên tòa này, viện lại không thay đổi...