Xuất khẩu lao động: Nín thở chờ hết dịch

Các doanh nghiệp lĩnh lực xuất khẩu lao động cho hay thông thường sau tết Nguyên đán, lượng người đăng ký học tiếng để xuất ngoại làm việc nhộn nhịp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng người đăng ký giảm mạnh.

Sẵn sàng chuẩn bị chờ qua dịch

Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho thấy trong vòng ba năm gần đây, từ năm 2017 đến 2019, bình quân mỗi năm có hơn 120.000 lao động Việt Nam (VN) sang Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Nhật Bản, Rumani, Hong Kong và một số thị trường khác làm việc. Trong đó, hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm khoảng 80% số lao động sang làm việc.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho hay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đơn hàng tuyển dụng, đợt xuất cảnh lao động bị tạm dừng. Đại diện một công ty xuất khẩu lao động tại TP.HCM cho hay nếu bình thường thì đầu quý I-2020 công ty đã tăng tốc tuyển nguồn lao động để đào tạo tiếng Nhật, định hướng kỹ năng làm việc cho ứng viên thì nay chỉ tập trung bồi dưỡng cho các ứng viên đã phỏng vấn trúng tuyển, chuẩn bị xuất cảnh.

“Nói chung tiến độ và kế hoạch xuất khẩu lao động đều bị đảo lộn do dịch diễn biến phức tạp. Lúc này chúng tôi tập trung ổn định cho đội ngũ ứng viên đã đăng ký trước tết, đồng thời cập nhật tình hình từ Bộ Y tế để có phương án đưa lao động sang các nước làm việc an toàn” - vị này nói. 

Đại diện một số công ty khác cũng cho biết do dịch bệnh nên các đơn hàng sụt giảm mạnh. Chưa kể các công ty tuyển dụng nước ngoài do lo ngại dịch bệnh, hạn chế đi lại nên việc ký kết hợp đồng bị gián đoạn. Điều này khiến hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc cũng bị ngưng trệ. Chính vì vậy, các công ty xuất khẩu lao động đều phải “nín thở” mong dịch bệnh sớm qua, thị trường sớm hồi phục.

Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn (SAI GON Inserco), chia sẻ dịch kéo dài nên các chuyến công tác qua lại giữa các doanh nghiệp VN và Nhật phải hủy hoặc dời. Tuy vậy, khi xảy ra dịch, công ty đã chủ động các phương án phòng ngừa lây lan đối với ứng viên đến đăng ký học tiếng Nhật và phỏng vấn. Chẳng hạn phun khử trùng ký túc xá, đeo khẩu trang, kiểm tra thường xuyên khu bếp ăn để đảm bảo an toàn cho ứng viên lẫn người lao động yên tâm học tập và làm việc. 

Theo bà Cúc, nhờ làm tốt khâu phòng ngừa và cập nhật diễn biến tình hình dịch các nước nên học viên vẫn đến tìm hiểu thông tin và đăng ký học tiếng. “Chúng tôi đang chuẩn bị tốt nguồn ứng viên để khi hết dịch sẽ triển khai sâu rộng đến các thị trường, trong đó chủ lực là đưa lao động sang Nhật làm việc” - bà Cúc cho hay. 

Một công ty Nhật Bản phỏng vấn ứng viên trực tuyến để đưa sang Nhật làm việc. Ảnh: P.ĐIỀN

Phỏng vấn trực tuyến lên ngôi

Công ty Esuhai có trụ sở tại TP.HCM nằm trong tốp đầu đưa thực tập sinh sang Nhật làm việc với bình quân 1.000 lao động mỗi năm. Học viên trước khi xuất cảnh đều được đào tạo tiếng bài bản, nhưng trước tình hình dịch kéo dài vẫn chưa hạ nhiệt nên việc đưa thực tập sinh sang Nhật không còn nhộn nhịp như trước.

Theo tổng giám đốc công ty, ông Lê Long Sơn, việc ký kết các hợp đồng triển khai bị gián đoạn, thay vì các nghiệp đoàn và chủ sử dụng lao động về VN phỏng vấn ứng viên trực tiếp thì nay họ chuyển sang phỏng vấn trực tuyến để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

“Nhìn chung các công ty của Nhật vẫn chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất, tuy nhiên một số ngành nghề bị ảnh hưởng do đơn hàng không dồi dào như trước nên nhu cầu tuyển dụng cũng giảm theo” - ông Sơn nói.

Trước bối cảnh trên, không chỉ Công ty Esuhai mà nhiều công ty xuất khẩu lao động đã triển khai nhiều phương án để ứng phó. Ví dụ, tăng cường phỏng vấn trực tuyến một cách linh hoạt ứng viên để hạn chế tiếp xúc trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng nhiều quốc gia; mời cơ quan y tế kiểm tra thân nhiệt, các triệu chứng lâm sàng, nếu phát hiện người lao động bị sốt, ho, khó thở thì tiến hành cách ly y tế…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH, cho hay để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trước mắt cục khuyến cáo các doanh nghiệp không đưa lao động VN đi làm việc ở nước ngoài tại các vùng dịch bệnh.

“Chúng tôi cũng thiết lập đầu mối liên lạc với người lao động do doanh nghiệp đưa đi, thường xuyên trao đổi, nắm bắt, giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của người lao động để xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường liên quan đến dịch bệnh COVID-19; khuyến cáo người lao động chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước, vùng lãnh thổ” - ông Dũng cho hay.

650.000 lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 quốc gia

Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho hay đã khuyến cáo: Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh và hướng dẫn của chính quyền sở tại, người lao động VN ở nước ngoài, nhất là tại các khu vực có dịch hạn chế đi lại; không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Cả nước hiện có hơn 420 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động ra nước ngoài làm việc; có khoảng 650.000 lao động VN đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ sức khỏe người lao động

Từ TP Nagoya (Nhật Bản), anh Nguyễn Hoàng, thực tập sinh làm việc trong lĩnh vực cơ khí, chia sẻ từ khi xảy ra dịch, chủ sử dụng lao động thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo sức khỏe cho thực tập sinh. Đơn cử như yêu cầu thực tập sinh mang khẩu trang, ăn ở vệ sinh, không tập trung nơi đông người, thường xuyên rửa tay.

Cũng theo anh Hoàng, lâu nay công ty nơi anh làm việc luôn kín lịch làm việc cả năm và thường xuyên tăng ca nên thu nhập khá ổn định. Song do có dịch nên hai tuần gần đây công ty ít đơn hàng, cắt giảm thời gian làm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới