Xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) tiếp tục leo thang trong ngày qua.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Y tế Gaza, xung đột Israel-Hamas khiến hơn 28.300 người ở Gaza thiệt mạng và 67.900 người bị thương.
Israel không kích mạnh Rafah, giải cứu 2 con tin
. Ngày 12-2, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel – ông Daniel Hagari cho biết nhiều lực lượng Israel đã phối hợp thực hiện chiến dịch trên bộ và trên không nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở TP Rafah (cực nam Gaza), để giải cứu các con tin, theo đài CNN.
“Vào lúc 1 giờ 50, lực lượng không quân và Bộ chỉ huy miền Nam bắt đầu không kích nhằm tấn công những thành viên Hamas trong khu vực” – ông Hagari nói.
. Ngày 12-2, tuyên bố chung của Lực lượng Phòng vệ Israel, Cơ quan An ninh israel Shin Bet và cảnh sát Israel cho biết họ đã giải cứu thành công 2 con tin bị Hamas bắt. Những con tin này bị giữ tại Rafah.
Hai con tin được giải cứu là ông Fernando Simon Marman (60 tuổi) và ông Louis Har (70 tuổi). Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết hai người này vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt và đã được chuyển đến Trung tâm Y tế Sheba ở Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel – ông Yoav Gallant cho biết đây là "chiến dịch giải cứu ấn tượng" của Lực lượng Phòng vệ Israel.
. Trong ngày, Cơ quan Y tế Gaza cho biết cuộc tấn công của Israel nhằm giải cứu con tin đã khiến ít nhất 94 thường dân ở Rafah thiệt mạng. Cơ quan này đang trong quá trình tìm kiếm và nhận dạng các thi thể. Do đó, số người chết dự kiến tăng lên.
Trong khi đó, Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết số người chết trong các cuộc không kích của Israel vào Rafah là hơn 100 người.
. Cùng ngày, phía Hamas lên án cuộc tấn công của Israel vào Rafah và gọi đây là "vụ thảm sát kinh hoàng".
Trong tuyên bố, Hamas cũng cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông phải chịu "hoàn toàn trách nhiệm" về thương vong của dân thường.
Nhiều bên quan ngại hoạt động của Israel tại Rafah
. Ngày 12-2, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết EU “cực kỳ quan ngại” về tình hình ở Rafah.
. Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết nước này quan ngại về hoạt động quân sự của Israel tại Rafah.
“Chúng tôi rất lo ngại về những gì đang xảy ra ở Rafah” – ông Cameron nói, lưu ý rằng nhiều người dân ở Rafah “đã sơ tán 4, 5, thậm chí 6 lần trước khi đến TP này”.
"Và thực sự, chúng tôi không thể hình dung được làm thế nào có thể tiến hành một cuộc chiến khi người dân còn ở Rafah. Họ không có nơi nào để đi. Họ không thể đi vào Ai Cập. Họ không thể đi về phía bắc và trở về nhà vì nhiều nơi đã bị phá hủy" - Ngoại trưởng Anh nói.
Ông Cameron cũng kêu gọi các bên ngừng bắn.
"Chúng tôi muốn Israel dừng lại và suy nghĩ thật nghiêm túc trước khi thực hiện thêm bất kỳ hành động nào. Nhưng trên hết, điều chúng tôi muốn là tạm dừng ngay lập tức cuộc chiến và ngừng bắn – một lệnh ngừng bắn bền vững và không đảo ngược” – ông Cameron nói.
. CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ rằng chính quyền Tổng thống Biden quan ngại sâu sắc về hoạt động giải cứu con tin của Israel tại Rafah khi hoạt động này khiến khoảng 100 người thiệt mạng.
Vị quan chức này cho biết phía Mỹ vẫn đang thu thập thông tin chi tiết về hoạt động giải cứu, bao gồm hoạt động diễn ra thế nào và có bao nhiêu thường dân đã thiệt mạng.
Tuy nhiên, theo vị theo quan chức này, tỉ lệ người dân thiệt mạng cao như vậy sẽ là điều vô cùng đáng lo ngại, đặc biệt khi Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ đã cảnh báo Israel về việc tấn công vào Rafah.
Israel tiếp tục không kích Hezbollah
. Ngày 12-2, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết các máy bay chiến đấu đã tấn công vào cơ sở hạ tầng, xe quân sự, 2 tòa nhà và một số địa điểm khác của lực lượng vũ trang Hezbollah ở miền nam Lebanon, theo từ The Times of Israel.
. Nhóm Hezbollah cho biết lãnh đạo của họ – ông Hassan Nasrallah đã gặp tổng thư ký của phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine – ông Ziad al-Nakhaleh.
Theo thông báo của Hezbollah, hai người đã thảo luận về “những diễn biến mới nhất” và dự báo “những diễn biến” trên các chiến trường.
Tổng thống Mỹ và Quốc vương Jordan thảo luận về tình hình xung đột Israel-Hamas
Ngày 12-2, tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã thảo luận với Quốc vương Jordan Abdullah II về thỏa thuận con tin giữa Israel và Hamas, trong đó bao gồm việc tạm dừng giao tranh trong 6 tuần.
"Các yếu tố chính của thỏa thuận đã được thảo luận. Tuy nhiên, những lỗ hổng vẫn tồn tại, nhưng tôi đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Israel tiếp tục cố gắng để đạt được thỏa thuận. Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể để biến điều đó thành hiện thực" – ông Biden nói.
Ông Biden cho biết trong nhiều tháng qua, ông đã tham gia đàm phán với Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu và các nhà lãnh đạo Qatar, Ai Cập.
Tổng thống Mỹ cho biết ông đang làm việc “cả ngày lẫn đêm” cùng với Quốc vương Abdullah II để đưa các con tin về nhà và đảm bảo việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza.
Ông Biden cũng cảm ơn Quốc vương Jordan vì đã viện trợ vật tư y tế cho khu vực.
Về phần mình, Quốc vương Abdullah II kêu gọi “ngừng bắn lâu dài” ở Gaza để chấm dứt cuộc giao tranh hiện tại. Ông cũng cho rằng các bên nên tiếp tục viện trợ cho Cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA).