Trong ngày 10-2, xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) tiếp tục leo thang.
Theo cập nhật mới nhất của cơ quan quản lý y tế Gaza, xung đột Israel-Hamas làm hơn 28.000 người tại Gaza thiệt mạng và hơn 67.600 người bị thương.
2 lãnh đạo cấp cao Hamas bị sát hại
. Ngày 10-2, phía Israel cho biết họ đã phát hiện ra một đường hầm lớn của Hamas bên dưới trụ sở Cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ở bắc Gaza, theo đài CNN.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ phát hiện ra đường hầm khi thực hiện các hoạt động quân sự tại các khu vực Shati và Tel al-Hawa ở phía bắc Gaza. Tuy nhiên, phía Israel không nói rõ thời gian họ phát hiện ra đường hầm.
Người đứng đầu UNRWA – ông Philippe Lazzarini cho biết cơ quan này không biết có gì bên dưới trụ sở ở Gaza và “chính quyền Israel chưa thông báo chính thức cho UNRWA về vụ phát hiện đường hầm”.
Theo ông Lazzarini, UNRWA kiểm tra bên trong trụ sở hàng quý. Lần cuối cùng nhân viên UNRWA kiểm tra trụ sở là vào tháng 9-2023.
. Cùng ngày, IDF cho biết máy bay quân sự Israel đã giết chết 3 thành viên Hamas ở Rafah (cực nam Gaza), trong đó có 2 thành viên quân sự cấp cao của nhóm này.
Phía Israel cho hay trong các thành viên bị giết có ông Ahmed Eliakubi. Phía Israel cho rằng ông Eliakubi “chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các lãnh đạo cấp cao của Hamas và từng là chỉ huy cấp cao ở Rafah”.
Thành viên Hamas thứ hai thiệt mạng trong cuộc tấn công là ông Iman Rantisi. Phía Israel chưa xác định được danh tính người thứ ba thiệt mạng trong vụ tấn công.
. Ngày 10-2, theo hãng thông tấn Wafa (Palestine), các cuộc không kích và pháo kích của Israel nhằm vào TP Rafah đã khiến 25 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Khi được đài CNN hỏi về các cuộc tấn công này, phát ngôn viên IDF cho biết: "Để đáp lại các cuộc tấn công man rợ của Hamas, IDF đang nỗ lực để phá hủy các khả năng hành chính và quân sự của Hamas”.
“Trái ngược hoàn toàn với các cuộc tấn công có chủ ý của Hamas nhằm vào người dân, phụ nữ và trẻ em Israel, IDF tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khả thi để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường”, theo người phát ngôn IDF.
. Trong ngày, Hamas cảnh báo về các cuộc tấn công của Israel vào TP Rafah. Hamas kêu gọi Liên đoàn Ả Rập, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Hội đồng Bảo an LHQ “thực hiện hành động khẩn cấp và nghiêm túc” để ngăn chặn các cuộc tấn công ở Rafah.
“Chúng tôi cảnh báo về nguy cơ gây ra các vụ tấn công kinh hoàng và lan rộng ở TP Rafah” – tuyên bố của Hamas cho hay. Phía Hamas cũng lưu ý rằng Rafah là nơi ở của hơn 1 triệu người Palestine sơ tán và họ phải “sống trong điều kiện tồi tàn”.
Hamas cũng cáo buộc chính phủ Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel, ngay cả khi phía Mỹ bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự của Israel tại Rafah.
Israel tấn công 3 trung tâm chỉ huy của Hezbollah
. Ngày 10-2, IDF cho biết các máy bay chiến đấu của họ đã tấn công 3 trung tâm chỉ huy quân sự của Hezbollah ở miền nam Lebanon.
Máy bay chiến đấu của Israel tấn công các địa điểm của Hezbollah ở các khu vực Ayta tro Shab, thị trấn ven biển Naqoura, Khiam, Marwahin và Boustane.
. Cùng ngày, 3 quả pháo được bắn từ Lebanon về phía Israel. Các quả pháo này đáp xuống khu vực vắng người.
Phía Israel đã pháo kích các địa điểm thực hiện vụ phóng.
. Hãng thông tấn NNA (Lebanon) ngày 10-2 đưa tin Ngoại trưởng Iran – ông Hossein Amir-Abdollahian đã gặp người đứng đầu Hezbollah – ông Hassan Nasrallah để thảo luận về "những diễn biến chính trị và an ninh mới nhất trong khu vực, đặc biệt là ở Dải Gaza, miền nam Lebanon và phần còn lại của trục kháng chiến".
Người dân Gaza không biết đi đâu khi Israel tấn công Rafah
. Ngày 9-2, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết LHQ "cực kỳ lo lắng về số phận của thường dân ở Rafah", khi Israel bắt đầu vạch ra kế hoạch sơ tán cho khoảng 1,3 triệu người Palestine sống ở TP này.
Ông Dujarric cho biết mọi người “cần được bảo vệ” và LHQ “không muốn chứng kiến người dân sơ tán hàng loạt, khi điều đó trái với ý muốn của họ”.
Cùng ngày, người đứng đầu Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của LHQ (OCHA) Martin Griffiths cũng kêu gọi bảo vệ dân thường tại Rafah.
“Người dân ở Gaza không còn nơi nào để đi. Người dân phải được bảo vệ và các nhu cầu thiết yếu của họ, bao gồm chỗ ở, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, phải được đáp ứng” – ông Griffiths nói.
Ông Griffiths lưu ý hơn 1 triệu người ở Rafah “đã phải chịu đựng những đau khổ không thể tưởng tượng nổi” và đã phải sơ tán trong nhiều tháng.
. Trả lời CNN, người dân ở Rafah nói họ không còn nơi nào để đi nếu Israel tiến vào TP này.
“Chúng tôi đang cầu nguyện rằng những gì xảy ra ở TP Gaza sẽ không xảy ra ở Rafah, bởi vì nếu điều tương tự xảy ra ở Rafah, chúng tôi sẽ không còn nơi nào để đi. Đến Ai Cập ư? Chúng tôi không biết họ có chào đón chúng tôi không” – ông Mohammad Jamal Abu Tour, một người dân ở Rafah, nói.
Ông Mahmoud Khalil Amer đã phải sơ tán khỏi trại tị nạn Al Shati ở phía bắc Gaza. Ông đang ở trong một căn lều gần nghĩa trang ở Rafah.
“Tôi đang ngủ cạnh người chết. Cảm giác như địa ngục. Tôi cảm thấy đau đớn. Chúng tôi không còn sống, người chết còn tốt hơn chúng tôi. Họ đã được yên nghỉ. Nhưng đối với chúng tôi, cuộc sống là cực hình. Chúng tôi khó có nước uống, không có tiền. Hoàn cảnh rất tồi tệ. Người dân trước đây có công việc và thu nhập ổn định, giờ đây đang phải chịu đau khổ” – ông Amer nói.