Xung đột Israel-Hamas 5-11: Israel thề tiêu diệt thủ lĩnh Hamas; ông Erdogan đòi đưa Israel ra ICC

(PLO)- Xung đột Israel-Hamas tiếp tục leo thang nguy hiểm khi Israel quyết tâm loại Hamas khỏi Gaza; Chuyến ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Blinken đến Ả Rập đã bộc lộ sự chia rẽ giữa Mỹ và các đối tác xoay quanh cuộc xung đột.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) ngày qua tiếp tục leo thang. Theo số liệu mới nhất từ cơ quan y tế tại Dải Gaza, tính từ ngày 7-10 xung đột đã khiến 9.425 người ở Gaza thiệt mạng và 24.000 người bị thương.

Israel thề tiêu diệt thủ lĩnh Hamas

Ngày 4-11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói rằng cuộc chiến của Israel đang "tiến triển tốt" và thề sẽ buộc lãnh đạo Hamas phải chịu trách nhiệm vì đã phát động cuộc tấn công vào Israel, theo tờ The Times of Israel.

“Cuộc chiến đang tiến triển tốt, từng bước một. Nhiều phần tử khủng bố (ý chỉ chiến binh Hamas - NV) đang bị tiêu diệt. Chúng tôi đang chia cắt hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác của Hamas” - ông Gallant nói, đồng thời cho biết thêm rằng Israel đã loại bỏ 12 chỉ huy tiểu đoàn Hamas kể từ khi xung đột bùng phát.

hamas-israel.jpg
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào Gaza ngày 3-11. Ảnh: ANNADOLU AGENCY

Bộ trưởng Gallant cũng tuyên bố lực lượng Israel sẽ “đến chỗ lãnh đạo Hamas ở Gaza - ông Yahya Sinwar và loại bỏ ông ta”.

“Khi chiến tranh kết thúc, sẽ không còn Hamas ở Gaza nữa. Sẽ không còn mối đe dọa an ninh từ Gaza đối với Israel và Israel sẽ có quyền tự do tuyệt đối để thực hiện bất kỳ hành động an ninh nào chống lại bất kỳ ai đe dọa Israel ở Gaza” - ông Gallant nhấn mạnh.

Đề cập nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon), ông Gallant nói rằng Israel “không quan tâm cuộc chiến với Hezbollah”. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu Hezbollah “phạm sai lầm” và quyết định tham chiến, Israel có đủ lực lượng để đối phó.

Trong ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel cáo buộc Hamas tấn công lực lượng Israel đang làm nhiệm vụ mở hành lang nhân đạo cho người Palestine sơ tán từ phía bắc về phía nam Dải Gaza.

Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, Hamas đã lợi dụng tình hình và phóng súng cối và tên lửa chống tăng dẫn đường vào lực lượng quân đội đang mở đường.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết không có binh sĩ nào bị thương trong vụ tấn công.

. Kênh Al Jazeera dẫn lời ông Abu Obaida - người phát ngôn của Lữ đoàn Al Qassam (cánh vũ trang của Hamas) ngày 4-11 nói rằng các máy bay chiến đấu của Hamas vẫn đang đối phó lực lượng Israel ở nhiều khu vực khác nhau của Gaza.

“Các chiến binh Hamas đang chiến đấu với lòng dũng cảm. Họ tiếp tục đối đầu và phá hủy các phương tiện của kẻ thù” - ông nói, cho biết Hamas đã phá hủy 24 phương tiện quân sự của Israel trong 48 giờ qua.

Hamas cũng tuyên bố đã phóng một rocket tầm xa Ayyash 250 (tầm bắn lên tới 250 km) vào TP Eilat (miền nam Israel).

Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn với các đợt không kích của Israel vào Gaza và các đợt bắn rocket của Hamas vào lãnh thổ Israel.

Hamas ngày qua cho biết hơn 60 con tin mà nhóm này bắt giữ đã mất tích vì các cuộc không kích của Israel vào Gaza, trong đó 23 con tin người Israel được cho là đã thiệt mạng.

Vẫn còn chia rẽ giữa Mỹ và các nước Ả Rập về xung đột Israel-Hamas

Ngày 4-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Jordan, hội đàm với ngoại trưởng các nước Ả Rập (Jordan, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Qatar) và một quan chức Palestine liên quan xung đột Israel-Hamas.

Cuộc gặp bộc lộ những chia rẽ về quan điểm của Mỹ với các nước trong khu vực về cuộc chiến, theo đài CNN.

israel-hamas.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) hội đàm với quan chức các nước Ả Rập tại thủ đô Amman (Jordan) ngày 4-11. Ảnh: REUTERS

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Ả Rập đã bày tỏ quan ngại về cái chết của hàng nghìn dân thường Palestine và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói: “Hình phạt tập thể của Israel nhắm vào người dân vô tội và các cơ sở, cơ sở y tế, nhân viên y tế, cố gắng buộc người Palestine phải rời khỏi vùng đất của họ hoàn toàn không phải là một hành động tự vệ hợp pháp”.

Trong khi đó, về phía Mỹ, ông Blinken lập luận rằng Washington không ủng hộ lệnh ngừng bắn vì điều này sẽ cho Hamas thời gian để tập hợp lực lượng và tiến hành một cuộc tấn công khác vào Israel.

“Quan điểm của chúng tôi hiện nay là lệnh ngừng bắn sẽ chỉ giúp Hamas củng cố vị trí, có thể tập hợp lại và lặp lại những gì họ đã làm” - ông Blinken nói.

Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại ý tưởng về lệnh “tạm dừng nhân đạo” để đảm bảo thả con tin và cho phép phân phối viện trợ vào Dải Gaza - điều đã bị Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ một ngày trước đó.

Ngoài ra, các quan chức Ả Rập cho biết còn quá sớm để thảo luận về tương lai của Gaza sau chiến tranh - một trong những mục trong chương trình nghị sự chính của ông Blinken.

Tuy nhiên, các bên cũng đạt đồng thuận trong một số vấn đề, bao gồm tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Gaza, sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn việc bùng phát một mặt trận mới trong cuộc xung đột.

“Hôm nay chúng ta đến đây cùng nhau để chia sẻ cùng một lợi ích và mục tiêu cơ bản: Chấm dứt cuộc xung đột này theo cách đảm bảo hòa bình và an ninh lâu dài trong khu vực. Chúng ta có thể có quan điểm và lập trường khác nhau về các bước cần thiết để đạt được mục tiêu, nhưng chúng ta đã tái khẳng định cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu đó” - ông Blinken chia sẻ trước khi hội nghị kết thúc.

Thổ Nhĩ Kỳ rút đại sứ tại Israel về nước, ông Erdogan đòi đưa Israel ra ICC

Ngày 4-11, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Israel - ông Sakir Ozkan Torunlar về nước để “tham vấn” về “thảm kịch nhân đạo đang diễn ra ở Gaza” cũng như các đợt không kích của Israel, theo CNN.

Sau động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat đã chỉ trích quyết định này là “một bước đi nữa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đứng về phía tổ chức khủng bố Hamas”.

“Hamas phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, và là kẻ thù thực sự của người dân Palestine” - ông Haiat viết trên X (tên gọi mới của Twitter).

Cùng ngày, ông Erdogan nói rằng ông sẽ nỗ lực đưa Israel ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì các hành động của Israel ở Gaza.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng giờ đây không thể nói chuyện với Thủ tướng Israel Netanyahu về cuộc xung đột.

“Ông Netanyahu không còn là người mà chúng tôi có thể nói chuyện cùng nữa. Chúng tôi đã loại bỏ ông ta” - hãng thông tấn Anadolo Agency dẫn lời ông Erdogan tuyên bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích các hành động của Israel ở Gaza, cáo buộc Israel vượt quá quyền tự vệ, thực hiện hành vi “áp bức, tàn bạo” và “thảm sát” ở Gaza.

Ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ “các sáng kiến ​​đưa các hành vi vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh của Israel ra ICC”.

“Các cơ quan hữu quan của chúng tôi, đặc biệt là Bộ Ngoại giao sẽ thực hiện công việc này” - ông Erdogan nói thêm.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Erdogan dự kiến sẽ ​​tiếp Ngoại trưởng Mỹ Blinken khi ông Blinken có chuyến thăm 2 ngày đến Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 5 và 6-11) để thảo luận về cuộc xung đột đang tiếp diễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm