Theo Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp (và Thông tư số 15/2015 cũng như Thông tư số 08.a/2010 cũng của bộ này), giấy xác nhận độc thân dùng vào mục đích kết hôn phải ghi rõ họ tên của người dự định kết hôn. Quy định này không mới nhưng dư luận cũng có nhiều phản ứng trái chiều…
1.Khi đi làm (hay xin đổi, cấp lại) thẻ căn cước công dân (CCCD), mỗi người phải khai đến 22 thông tin về nhân thân của mình. Trong tờ khai (được ban hành theo Thông tư 66/2015 của Bộ Công an), ngoài những thông tin của chính người đi làm CCCD (như tên, tuổi, quê quán, quốc tịch…) thì còn có năm thông tin về cha, mẹ, vợ/chồng, người đại diện hợp pháp, chủ hộ gia đình của họ.
Điều đáng nói là trong năm thông tin đó, cùng với tên, quốc tịch thì còn có số CCCD/chứng minh nhân dân của từng người mà đa số người đi làm CCCD không thể nhớ hoặc không thể biết để khai. Chẳng rõ có phải vậy không hay lớn hơn là vì thấy không cần thiết mà dưới tờ khai có ghi chú “không bắt buộc công dân phải khai”.
Nếu đúng là không thật cần thiết nên mới không bắt buộc khai, vì sao tờ khai CCCD còn để nội dung đó vào làm gì cho rối và có thể làm khó người khai nếu lỡ không đọc trước phần ghi chú đó?
Nhiều người dân lo ngại việc sử dụng các giấy tờ liên quan đến số CMND cũ sẽ gặp khó khăn khi chuyển sang CCCD. Ảnh: VÕ PHẠM
2. Không chỉ có ở tờ khai CCCD như đã nêu trên, chi tiết không cần thiết dường như còn có ở giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nói gọn là giấy xác nhận độc thân) để phục vụ việc kết hôn. Theo thông tư mới của Bộ Tư pháp, giấy xác nhận độc thân dùng vào mục đích kết hôn phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn. Dù thực ra đã được áp dụng từ lâu nhưng đến khi được đề cập ở thông tư mới thì trong dư luận có người chịu, người không.
Ắt là có lý do của mình nhưng vì Bộ Tư pháp không giải thích trên báo, đài nên nhiều người đã tự suy dựa trên những chuyện không hay từng xảy ra trên thực tế. Ấy là việc đòi hỏi quá chi tiết như thế nhằm giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt công tác đăng ký kết hôn, tránh việc lợi dụng để một người kết hôn với nhiều người.
Song phải thấy đòi hỏi đó dẫn đến việc nếu đi làm CCCD chỉ phải khai một lần thì khi đi đăng ký kết hôn, người dân phải khai đến hai lần đối với chừng ấy thông tin về người muốn kết hôn. Lần một là khi đi làm giấy xác nhận độc thân để kết hôn, lần hai là trong tờ khai đăng ký kết hôn để làm thủ tục được cấp giấy chứng nhận kết hôn. Trong trường hợp người dự định cũng là người được kết hôn thì là vậy, nếu có sự thay đổi thì việc khai báo còn nhiều hơn.
Cần lưu ý là với các quy định và cách quản trị ngày càng chặt chẽ thì việc một người cố ý khai thác các kẽ hở pháp lý để được cấp nhiều giấy chứng nhận kết hôn khác nhau nếu có sẽ không nhiều.
Đơn cử, theo các thông tư của Bộ Tư pháp, giấy xác nhận độc thân phải ghi rõ mục đích sử dụng. Nếu để làm thủ tục kết hôn thì giấy ghi “để kết hôn”, nếu để mua, bán nhà thì giấy ghi “để làm thủ tục mua, bán nhà”, nếu để xin việc thì giấy ghi “để bổ túc hồ sơ xin việc”…
Đối với giấy xác nhận độc thân để kết hôn, cá nhân chỉ được cấp khi đáp ứng được các điều kiện kết hôn theo luật định. Một người chỉ được UBND cấp xã nơi thường trú (hoặc là nơi tạm trú nếu không có nơi thường trú) cấp một giấy (một bản) xác nhận đó. Giấy này có giá trị đến thời điểm thay đổi tình trạng hôn nhân hoặc sáu tháng kể từ ngày cấp, tùy theo thời điểm nào đến trước. Nếu muốn được cấp lại, người yêu cầu phải nộp lại giấy đã được cấp trước đây…
Như vậy, có nên tiếp tục để người dân phải khai đi khai lại như đã nêu ở trên gây mất công, mất thời giờ hay không? Để đơn giản, phù hợp hơn, nên chăng mọi người chỉ cần khai về người mà họ muốn được chính thức là vợ chồng (trừ khi việc kết hôn được thực hiện ở nước ngoài vì cơ quan quản lý chưa thể nắm bắt hết).
3. Theo Luật CCCD 2014, tình trạng hôn nhân là một trong nhiều thông tin về công dân được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thu thập, cập nhật. Cơ sở dữ liệu này là căn cứ để các cơ quan kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân. Khi công dân đã sử dụng thẻ CCCD của mình, các cơ quan không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu.
Xem ra, việc mỗi cơ quan mỗi đòi giấy xác nhận độc thân hay người dân cứ phải nhọc nhằn khai đi khai lại các thông tin cá nhân cũng là do dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện chưa hoàn thành, vận hành. Thôi thì phải chờ cơ sở dữ liệu này nhưng trước mắt những yêu cầu thừa mà người dân phải kê khai khi làm các thủ tục hành chính cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền loại bỏ.