Yêu cầu xác nhận cư trú gây phiền hà cho công dân

(PLO)- Việc yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho công dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến việc một số địa phương khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn yêu cầu người dân chứng minh nơi cư trú bằng cách phải xin giấy xác nhận nơi cư trú,Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Phạm Ngọc Hiển, cán bộ Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), để làm rõ hơn những vướng mắc, khó khăn trong vấn đề giải quyết các thủ tục hành chính hiện nay.

Khi dữ liệu dân cư quốc gia được liên thông, các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện nhanh gọn hơn. Ảnh: MINH HOÀNG

Khi dữ liệu dân cư quốc gia được liên thông, các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện nhanh gọn hơn. Ảnh: MINH HOÀNG

Dữ liệu dân cư đã được chia sẻ đến 60/63 tỉnh, thành

Thiếu tá Phạm Ngọc Hiển cho biết thời gian qua Bộ Công an đã tổ chức kiểm tra, khảo sát trực tiếp và ghi nhận phản ánh về việc thực hiện quy định của Nghị định 104/CP tại bộ phận một cửa tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các địa phương.

Qua kiểm tra cho thấy phần lớn các đơn vị có thẩm quyền, chức năng tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG) nhưng không thực hiện, vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú (CT07) khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch.

Việc này gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho công dân, bức xúc trong dư luận xã hội, vi phạm quy định pháp luật và gây mất niềm tin của người dân đối với công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Hiện Bộ Công an đã đưa vào xây dựng, vận hành hệ thống CSDLQG, đã tiến hành kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin công dân đến 60/63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Mục đích để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công theo quy định.

Thiếu tá Hiển khẳng định Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an đã thực hiện đúng quy định của Luật Cư trú năm 2020 về cung cấp 18 trường thông tin trong CSDLQG cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ cũng có hướng dẫn cụ thể để hướng dẫn kết nối, tích hợp, chia sẻ CSDLQG về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Hướng dẫn cụ thể đến cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về phương thức khai thác, sử dụng thông tin về nơi cư trú của công dân để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Những khó khăn, phiền hà cho công dân trong thời gian vừa qua là do trách nhiệm của cán bộ công chức không thực hiện theo đúng quy định.

Cán bộ công chức chưa thực hiện đúng quy định

Cũng theo Thiếu tá Hiển, hiện nay nhiều bộ, ngành chưa ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính có yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về nơi cư trú. Từ đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện giải quyết thủ tục hành chính vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Việc chưa ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin không nằm trong CSDLQG, dẫn đến triển khai thực hiện chưa thống nhất theo quy định của pháp luật.

Thiếu tá Hiển cho biết những địa phương hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư xuất phát từ một số nguyên nhân. Đó là các bộ, ngành chưa cắt giảm thủ tục hành chính theo ngành dọc của mình, dẫn đến cán bộ tiếp nhận hồ sơ sợ sai sót, kỷ luật. Từ đó không thực hiện khai thác thông tin trong CSDLQG, vẫn yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ xác nhận thông tin về nơi cư trú.

“Những khó khăn, phiền hà cho công dân trong thời gian vừa qua là do trách nhiệm của cán bộ công chức không thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn đã ban hành” - Thiếu tá Hiển nói.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thiếu tá Hiển cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về nơi cư trú.

Ban hành quyết định công bố những thủ tục hành chính có yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về nơi cư trú theo quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật để kết nối khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng chỉ đạo tổ chức, cá nhân thuộc ngành dọc của mình thực hiện nghiêm túc quy định về việc sử dụng thông tin công dân trong CSDLQG, không yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận thông tin nơi cư trú.

“Theo chức năng của Bộ Công an, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, Thủ tướng cũng chỉ đạo hết sức quyết liệt. Vì vậy, rất mong các bộ, ngành cùng vào cuộc để tạo sự đồng bộ mới có thể giải quyết các vướng mắc tồn đọng như hiện nay” - Thiếu tá Hiển khẳng định.•

Thủ tướng chỉ đạo không được yêu cầu người dân xuất trình
sổ hộ khẩu

Ngày 28-2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký công điện của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành kết nối và thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện quy trình nội bộ để khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong khi đã có dữ liệu về dân cư được kết nối, chia sẻ với CSDLQG…

Việc này cần hoàn thành trong quý I-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm