Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Hiền, ấp Thuận An, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh trình bày, tháng 11-2013, thông qua công ty bán đấu giá bà mua một phần đất hơn 4.000 m2 do Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Tây Ninh bán. Tài sản gồm có nhà xưởng, đất với giá gần 4 tỉ đồng.
Tháng 12-2013, bà Hiền đã nộp đủ tiền mua tài sản nhưng đến nay vẫn chưa nhận được số tài sản trên.
Tiền trao bốn năm, đất không thấy đâu
Theo bà Hiền, trong hợp đồng sau khi người mua tài sản thanh toán hết tiền sẽ nhận được tài sản, thời gian nhận chậm nhất không quá hai tháng. Thế nhưng đã bốn năm qua, bà vẫn không nhận được tài sản nên đã gửi đơn khiếu nại.
Đến tháng 2-2014, THA có ra công văn cưỡng chế giao tài sản cho bà. Tưởng rằng vụ việc được giải quyết nhưng gần đến ngày giao đất, chấp hành viên (CHV) lại ra thông báo tạm dừng cưỡng chế. Bà thắc mắc thì CHV lúc giải thích phía công an chưa bố trí được lực lượng cưỡng chế, lúc do VKS không đồng ý giao tài sản.
Giữa năm 2015, THA nói bà nhận lại tiền mua tài sản vì thủ tục bán đấu giá vi phạm, CHV trước đây mắc một số sai phạm liên quan đến việc bán đấu giá này. Bà Hiền bàn bạc với gia đình và quyết định nhận lại tiền. Tuy nhiên, sau đó phía THA lại cho biết cấp trên cho nhận tài sản và bà Hiền lại… đợi.
Bà Hiền bức xúc: “Vì có nhu cầu kinh doanh nên tôi đã vay mượn để mua tài sản làm ăn. Giờ đất thì không lấy được, lại phải ôm đống nợ vào người. Thời gian qua lâu, giá cả hiện đã thay đổi, nếu bây giờ yêu cầu nhận lại tiền tôi sẽ không chấp nhận. Tại sao tôi phải chịu hậu quả từ cái sai của người khác?”.
Bà Hiền bức xúc vì bỏ ra tiền tỉ vậy mà gần bốn năm vẫn chưa nhận được tài sản. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Thi hành án đưa hai phương án giải quyết
Trao đổi với PV, ông Thành Văn Trạc, Cục phó Cục THA dân sự tỉnh Tây Ninh, cho biết: Bà Hiền đã mua trúng bán đấu giá tài sản của ông Đ. (người phải THA). Về lý, sau khi trả đủ tiền bà sẽ được nhận số tài sản đã mua. Tuy nhiên, do quá trình bàn giao tài sản có nhiều vường mắc khiến vụ việc phải kéo dài. “Chúng tôi đang đau đầu để giải quyết hậu quả mà các cán bộ trước làm sai, rất mong bà Hiền thông cảm và chia sẻ” - ông Trạc nói.
Theo ông Trạc, trong quá trình làm thủ tục kê biên bán đấu giá tài sản trên, CHV đã mắc một số vi phạm và đang phải chịu án tù. Cụ thể, CHV chọn đơn vị thẩm định, bán đấu giá tài sản không có trụ sở và đăng ký hoạt động ở Tây Ninh… Vì những sai phạm của CHV trước, nhiều lần THA tổ chức cuộc họp giao tài sản nhưng VKS tỉnh đều không đồng ý vì cho rằng hợp đồng bán đấu giá tài sản đã vi phạm.
“Sau khi bàn bạc, THA đưa ra hai hướng án giải quyết như sau: Một là THA sẽ vận động bà Hiền nhận lại số tiền mua tài sản trước đây. CHV sẽ làm thủ tục hủy kết quả bán đấu giá trước, đồng thời tổ chức đấu giá lại theo đúng quy định. Nếu bà Hiền cho rằng có thiệt hại trong quá trình mua tài sản mà không được giao thì bà có thể nộp đơn đến THA. Sau khi xem xét chứng cứ chứng minh thiệt hại của bà, THA sẽ bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Hai là nếu bà Hiền không đồng ý nhận lại tiền thì THA khởi kiện ra tòa, yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá. Lúc đó, tòa tuyên như thế nào THA sẽ thực hiện theo” - ông Trạc đưa ra hướng giải quyết.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật THA dân sự thì trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày kê biên tài sản, CHV ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong trường hợp đương sự không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá. Trong trường hợp này, vì các đương sự không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá nên theo quy định CHV sẽ lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá. CHV chọn tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nhưng tại thời điểm ký hợp đồng, tổ chức này không có trụ sở và chưa có giấy phép hoạt động tại Tây Ninh. Vì thế đã vi phạm quy trình tổ chức thẩm định giá tài sản kê biên. Ông THÀNH VĂN TRẠC, |