Hình dung diện mạo mới của xưởng Ba Son khiến người Sài Gòn và bất kỳ ai yêu quý di sản này cũng lo ngại về tình trạng các công trình kiến trúc xưa ít ỏi còn sót lại cũng phải nhường chỗ cho những cao ốc và trung tâm mua sắm vô hồn. Một du khách phương Tây cảm thán về số phận xưởng Ba Son: “Một trong số ít giọt cuối cùng của một Sài Gòn quyến rũ sẽ tan biến mất vào dòng sông”.
Thủy xưởng thời chúa Nguyễn Ánh
Tiền thân của xưởng Ba Son là thủy xưởng. Thủy xưởng được lập ra từ năm 1790, dưới thời Nguyễn Ánh, trên mảnh đất là khu vực Ba Son ngày nay. Thủy xưởng ra đời lúc bấy giờ không phải vì mục tiêu thương mại mà vì nơi đây có vị trí chiến lược, là nơi Nguyễn Ánh có thể ra sức củng cố về quân sự và chính trị, gây thực lực, lấy Gia Định làm bàn đạp tiến quân trở ra Bắc đánh Tây Sơn. Khung cảnh vùng này, theo hồi tưởng của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa: “Cuối đường Tự Do, tại bến đò qua chợ Thủ Thiêm thì có Thủy các và Lương tạ là nhà tắm của vua, cất trên bè tre. Chỗ này đời xưa gọi là Bến ngự. Gần bên nhau có con đò chèo tay đưa rước bộ hành qua lại Thủ Thiêm. Nay bến vẫn còn, duy cô lái đò ngây thơ đẹp đẽ đã thay bằng động cơ ráp trên một chiếc phà chậm chạp, xục xịch tối ngày trên dòng sông bạc. Ngang Thủ Thiêm, bên này bờ sông là cơ xưởng thủy quân, trước kia quen gọi với danh từ ngoại lai “Ba Son””.
Xưởng tàu đầu tiên tiếp cận văn minh công nghiệp phương Tây
Công việc sản xuất của thủy xưởng về sau không phải tập trung vào chiến thuyền như dưới thời Nguyễn Ánh trước đó, mà đóng và sửa chữa cả thuyền buôn ở Sài Gòn, thu hút nhiều thợ từ các thôn xóm, thợ trong nghề thủ công đóng và sửa chữa thuyền.
Một năm sau khi chiếm thành Gia Định (17-2-1859), Pháp khôi phục thủy trại của nhà Nguyễn thành trạm sửa chữa tàu bè để phục vụ cho các cuộc hành quân xâm chiếm và bình định. Dần dần họ mở rộng quy mô của trạm thành một công xưởng có khả năng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền.
Xưởng Ba Son là nơi đóng tàu lâu đời nhất Sài Gòn và là công trường thủ công lớn nhất của Sài Gòn xưa. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ngày 28-4-1863, thực dân Pháp ra quyết định thành lập xưởng đóng tàu Sài Gòn tại thủy xưởng Ba Son, gọi là Arsenal de Saigon, mà trong dân gian thường gọi là Ba Son. Là chi nhánh của thủy xưởng đóng tàu Toulon bên Pháp trực thuộc Bộ Hải quân Pháp, xưởng Ba Son tiếp nhận kỹ thuật châu Âu, được trang bị thiết bị tương đối hiện đại và quản lý theo cung cách công nghiệp phương Tây. Có lẽ Ba Son là cơ sở công nghiệp đầu tiên ở nước ta áp dụng chế độ làm việc tám giờ mỗi ngày. Đội ngũ thợ đóng thuyền không còn theo tập quán truyền thống, tức đóng thuyền theo kiểu thủ công mà bắt đầu làm quen và sử dụng họa đồ, phương pháp kỹ thuật - công nghệ mới, có chuyên gia phương Tây hướng dẫn.
Như vậy ở Việt Nam, chính xưởng Ba Son đã mở đầu việc tiếp cận văn minh công nghiệp, tiếp thu thành tựu văn hóa, khoa học kỹ thuật thế giới trong buổi đầu phát triển nghề đóng tàu thuyền trên đất Sài Gòn. Theo các tài liệu ghi lại, bến tàu nổi được hạ thủy vào tháng Giêng năm 1866. Năm 1884, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu phát triển thêm một bước bằng việc chính phủ Pháp cho xây dựng thêm một ụ tàu lớn để làm căn cứ sửa chữa tàu cho các hạm đội quân Pháp ở vùng Viễn Đông, đến năm 1888 thì hoàn thành. Cũng nhằm mục đích phục vụ hoạt động quân sự, thực dân Pháp đầu tư nhiều thêm tại Ba Son, mở rộng quy mô xây dựng, tạo lập hệ thống các công trình, xưởng, trại cùng trang thiết bị, máy móc mới, đồng bộ, kể cả máy công cụ lớn, cơ khí nặng, đáp ứng những đòi hỏi trong sửa chữa, đóng tàu quân sự lẫn tàu biển hoàn chỉnh.
Khu cao tầng 5 tỉ USD
Mấy năm gần đây, một số chuyên gia du lịch nước ngoài đã bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai các di sản kiến trúc của khu xưởng Ba Son sẽ được phục hồi thành một khu giải trí và di sản giống Trung tâm cảng biển South Street Seaport của New York. Họ cho rằng Sài Gòn vốn thiếu khu vực giải trí đặc biệt và xưởng Ba Son là một chỗ hoàn hảo với các công trình có kiến trúc thuộc địa lý tưởng để chuyển đổi thành nhà hàng, cửa hàng, quán rượu và quán cà phê với vị trí trung tâm TP và ven sông. Nơi đây cũng là một khu vực lý tưởng dành riêng cho người đi bộ và các triển lãm về lịch sử của TP.
Còn trong thực tế, dự án tại khu cảng Ba Son đang được Tập đoàn EUNSAN và OUE của Hàn Quốc đề nghị đầu tư với tổng vốn dự kiến là 5 tỉ USD. Theo UBND TP, dự án tại khu đất của xưởng Ba Son là một dự án trọng điểm trên địa bàn, góp phần chỉnh trang đô thị theo quy hoạch khu trung tâm TP đã được duyệt, đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trong khu vực như cầu Thủ Thiêm 2, tuyến metro số 1, trong đó có đoạn đi ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son.
Theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/500 đã được UBND TP phê duyệt, khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, nằm trọn trong khu vực nhà máy Ba Son, được giới hạn bởi sông Sài Gòn, đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh. Toàn diện tích quy hoạch khoảng 24 ha, trong đó 40% dành cho khu trung tâm tài chính văn phòng, 20% khu ở, còn lại kinh doanh thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp. Định hướng chức năng của khu đô thị này ngoài mục đích trở thành trung tâm phức hợp còn là công trình cao tầng tập trung, đồng bộ về tiện ích xã hội kỹ thuật, phát triển thương mại.
KTS Nguyễn Thanh Việt: Lấy lịch sử làm chất liệu trung tâm để thiết kế Tốt nghiệp thạc sĩ quy hoạch và thiết kế đô thị tại Anh, từng có thời gian làm việc ở nước này trong vai trò tư vấn thiết kế đô thị, KTS Nguyễn Thanh Việt nêu quan điểm về bảo tồn và quy hoạch khu xưởng Ba Son: “Việc ngành du lịch Việt Nam suy giảm liên tục trong 6-7 tháng đầu năm, tôi cho rằng không chỉ có vấn đề visa hay chất lượng dịch vụ mà một phần còn do việc tàn phá không gian ký ức của TP. Về ý tưởng quy hoạch cho khu xưởng Ba Son, tôi nhận thấy có sự gần gũi về tình huống với quy hoạch của khu đóng tàu Titanic Quater ở Belfast, Bắc Ireland. Ở Belfast, người ta không giữ gìn và tôn tạo các ụ tàu, bãi đóng tàu hay xây Bảo tàng Titanic chỉ để ngắm nghía đồ cổ cho vui. Các công trình này thực ra được dùng làm hạt nhân tạo động lực tái thiết cho khu cảng rộng 75 ha vốn bị bỏ hoang sau khi ngành công nghiệp đóng tàu ở đây xuống dốc. Giữ gìn di sản lịch sử là một lẽ nhưng ý nghĩa thực tế của nó còn nằm ở tương lai, khi phần nhiều diện tích dành cho nhà ở, văn phòng và thương mại sẽ được phát triển. Các đường cong, góc nhọn của những tòa nhà mới và cả layout đường sá chịu ảnh hưởng nhiều từ hình dáng các con tàu. Titanic Quater là một trong những dự án tái thiết đô thị có quy mô lớn nhất châu Âu, thế nên nếu còn băn khoăn về lợi ích “giữa bảo tồn và phát triển”, xin hãy xem đây là một ví dụ tham khảo. Tôi cho rằng làm sao để sinh lợi từ việc phát triển nhà ở hay văn phòng là một nhu cầu chính đáng của chủ đầu tư, dù ở Việt Nam hay nước ngoài. Tuy nhiên, điều khác biệt khôn ngoan của các nhà phát triển khu cảng Titanic là họ biết lấy lịch sử làm chất liệu trung tâm để thiết kế cũng như xây dựng chiến lược quảng bá, từ đó thu lợi lâu dài. Tôi nghĩ chúng ta nên ngừng loay hoay với khái niệm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển thương mại bởi trên thế giới đã có quá nhiều ví dụ thành công sẵn có như khu cảng Liverpool, khu Canary Wharf ở London. Còn về diện mạo lý tưởng trong tương lai của Ba Son, theo tôi sẽ là: Giữ lại ụ tàu và xưởng đóng tàu, cải tạo thành không gian công cộng và các chức năng văn hóa giải trí như nhà hàng, cửa hàng, bảo tàng, gallery...; tận dụng các yếu tố liên quan đến lịch sử và kỹ nghệ đóng tàu Ba Son để thiết kế kiến trúc, thiết kế cảnh quan, thậm chí là đặt tên các tiểu khu, các tòa nhà; tận dụng lợi thế ba mặt sông nước; quy mô phát triển phải nằm trong giới hạn hạ tầng thoát nước và giao thông khu vực; cung cấp đầy đủ chỗ đậu xe; lưu ý đến cơ hội kết nối với những không gian công cộng xung quanh, cần tập trung vào khả năng tiếp cận của người đi bộ và xe đạp cho liên tục và an toàn”. |