Tình hình vi phạm, tội phạm trong hoạt động tư pháp ở nước ta đang có diễn biến phức tạp. Các hành vi như bức cung, dùng nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến oan sai, bao che, bỏ lọt tội phạm, “chạy án”… của cán bộ ngành tư pháp nói chung và ngành công an nói riêng có dấu hiệu gia tăng. Thông tin này được đưa ra tại hội thảo Tăng cường liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong hoạt động của ngành hành pháp. Hội thảo do Bộ Công an phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 26-8.
Các hành vi tham nhũng phổ biến
Số liệu thống kê cho thấy từ năm 2010 đến nay, cơ quan tư pháp đã tiếp nhận, khởi tố, điều tra, xét xử 141 vụ (với 162 bị can), trong đó tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp chiếm 48,9%, tội xâm phạm hoạt động tư pháp 38,3%.
Ông Nguyễn Kim Sáu, Phó Chánh Thanh tra VKSND Tối cao, cho rằng tham nhũng trong hoạt động điều tra hình sự là rất khó bị phát hiện. Bởi lẽ những người có hành vi tham nhũng trong hoạt động này là những người hiểu biết pháp luật, liên quan đến thiết lập chứng cứ nên họ có kinh nghiệm trong việc che giấu hành vi tham nhũng. “Họ là những người có thẩm quyền tố tụng trong việc điều tra nên dễ dàng hợp thức hóa hành vi tham nhũng bằng các quyết định tố tụng sau khi đã nhận hoặc đã có sự thỏa thuận về lợi ích vật chất” - ông Sáu nói.
Các đại biểu đang trao đổi bên lề hội thảo Tăng cường liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong hoạt động của ngành hành pháp. Ảnh: TẤN TÀI
Ông Sáu cũng chỉ ra một số hành vi tham nhũng phổ biến thường xảy ra trong hoạt động điều tra hình sự như: quyết định không khởi tố vụ án hình sự mặc dù tài liệu thẩm tra, xác minh có đầy đủ căn cứ để khởi tố (xảy ra ở tội như thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ, đường sắt…). Hay như hối lộ cho điều tra viên và lãnh đạo cơ quan điều tra để họ ra quyết định khởi tố bị can và tiến hành điều tra vụ án; xử lý hành chính mà không xử lý hình sự đối với hành vi đáng ra phải bị xử lý hình sự (kinh doanh trái phép, làm hàng giả…); hối lộ để được thay đổi biện pháp ngăn chặn khi bị tạm giữ, tạm giam…; thay đổi tội danh theo hướng định tội nhẹ hơn hoặc bỏ bớt tội danh đối với bị can phạm nhiều tội; phải hối lộ cho điều tra viên để nhận lại tài sản là vật chứng vụ án…
Nhiều hành vi lạm quyền trong điều tra
Về vấn đề lạm quyền trong điều tra hình sự, ông Sáu cũng đưa ra một số hành vi lạm quyền phổ biến hiện nay như bắt người trong trường hợp khẩn cấp nhưng không đủ căn cứ để khởi tố hình sự; lạm dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, coi tạm giam như là biện pháp điều tra để tiến hành các hoạt động điều tra một cách dễ dàng; không tuân thủ các quy định của pháp luật về định tội danh, chuyển những hành vi vi phạm lẽ ra phải xử lý hành chính sang việc khởi tố hình sự (hình sự hóa quan hệ hành chính)…
Ngoài ra, ông Sáu cũng chỉ ra việc lạm dụng Điều 25 BLHS (miễn trách nhiệm hình sự) để đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can. “Trong thực tế có nhiều trường hợp lẽ ra phải đình chỉ do bị can không phạm tội nhưng cơ quan điều tra vẫn đề nghị truy tố dẫn đến bị oan sai. Hoặc áp dụng Điều 25 để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự nhằm né tránh trách nhiệm và việc bồi thường oan sai. Nhiều trường hợp lẽ ra phải bị xử lý hình sự nhưng cơ quan điều tra lại áp dụng Điều 25 để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự dẫn đến để lọt tội phạm” - ông Sáu phân tích.
Gia đình anh Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa xét xử 5 công an Phú Yên dùng nhục hình đánh chết anh Kiều - nghi can trong một vụ án.
Ngoài ra, cơ quan điều tra có những hành vi cản trở, gây khó khăn đối với luật sư bào chữa bằng việc tạo ra các lý do khác nhau, không cấp giấy bào chữa cho luật sư. Thực hiện các hành vi như dùng nhục hình, bức cung, ép cung, mớm cung...; thiết lập hồ sơ một cách cẩu thả, sơ sài, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Tại hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng thực tế việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, lạm quyền trong hoạt động tư pháp, nhất là trong hoạt động điều tra hình sự còn rất ít.
TẤN TÀI
Ngăn ngừa tiêu cực của điều tra viên Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Trần Đăng Yến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm kiêm Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, cho rằng: “Trong quá trình khởi tố điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, để phòng ngừa tiêu cực, đảm bảo liêm chính, minh bạch của điều tra viên, cơ quan điều tra phải thực hiện tốt các yêu cầu như phải có kế hoạch điều tra vụ án, phối hợp với các lực lượng khác để tránh những sai lầm, lệch lạc… Điều tra viên phải luôn có quan điểm làm rõ sự thật khách quan, toàn diện và đầy đủ của vụ án và phải dũng cảm bảo vệ quan điểm”. Bên cạnh đó, theo ông Yến, điều tra viên phải thực hiện trách nhiệm giám sát, bảo vệ đồng chí, đồng đội của mình trước những cám dỗ, mua chuộc, tấn công nhiều phía của tội phạm. “Khi phát hiện những biểu hiện không tôn trọng sự thật khách quan, toàn diện, trung thực, làm sai lệch sự thật… phải có biện pháp giải quyết kịp thời để tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra…” - ông Yến nói. Tiêu cực còn nhiều, có những vụ nghiêm trọng Nhiều sai phạm của cán bộ, chiến sĩ công an trong hoạt động tư pháp được phát hiện, xử lý nghiêm, có tác dụng tích cực đối với công tác phòng ngừa. Đã phát hiện, xử lý kỷ luật hàng trăm cán bộ, chiến sĩ có tiêu cực hoặc liên quan đến tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Qua đó có thể thấy tình hình tiêu cực trong hoạt động tư pháp của lực lượng công an còn xảy ra nhiều, trong đó có những vụ, việc nghiêm trọng. Thiếu tướng MA VĂN KỲ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an |