TP.HCM: Bỏ quên tiềm năng đường thủy

“TP.HCM có một mạng lưới giao thông thủy thuận tiện nhưng lại có đến 208/236 cây cầu có tĩnh không thấp hơn 3 m, không đảm bảo cho giao thông thủy. Không chỉ cầu cũ, nhiều cầu mới xây ở khu vực Nhà Bè, quận 7 như cầu Tư Dinh, Rạch Dơi, Rạch Tôm… cũng có độ tĩnh không quá thấp, gây cản trở giao thông thủy”.

Đó là nhận định của ông Trần Văn Giàu, Trưởng Ban quản lý dự án Khu đường sông.

Cầu thấp, kênh cạn

Có mặt trên sông Vàm Thuật vào một buổi sáng cuối năm, chúng tôi chứng kiến một chiếc tàu từ quận 12 xuôi về sông Sài Gòn bị khựng ngay cầu An Hạ do tĩnh không của cầu quá thấp. Một người trên thuyền liền thả ống, nổ máy bơm và bắt đầu bơm nước vào… thuyền nhằm tăng tải trọng. Loay hoay gần hai giờ đồng hồ, chiếc thuyền mới “đủ thấp” để chui lọt qua cầu.

Tương tự, cầu Hàng Bàng bắc ngang một con kênh nối thẳng tuyến đường từ cầu kênh Tẻ đến đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng ngáng chân tàu thuyền lưu thông qua lại. Nhiều phương tiện thủy chở vật liệu xây dựng khi đến cầu này phải xuống hàng rồi trung chuyển bằng phương tiện khác.

TP.HCM: Bỏ quên tiềm năng đường thủy ảnh 1

Loay hoay tìm cách đưa tàu chui qua cầu An Hạ. Ảnh: M.PHONG

Ông An Sơn Lâm là người đã đưa chiếc thuyền buồm Đông Dương 27 vào khai thác du lịch rừng ngập mặn Cần Giờ phàn nàn: “Các cây cầu Vàm Sát, Lôi Giang, Dần Xây quá thấp nên lúc thủy triều cao thì thuyền buồm Đông Dương bị mắc kẹt”.

Theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Nam, TP.HCM có nhiều tuyến sông, kênh nội thành có thể khai thác vận tải như tuyến kênh Tẻ, kênh Đôi, rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, rạch Xóm Củi, rạch Tân Hóa - Lò Gốm, rạch Thị Nghè... Tuy nhiên, do tĩnh không của nhiều cây cầu quá thấp nên hệ thống giao thông thủy liên hoàn này vô tình bị chia cắt.

Kênh Tẻ là một trong ba tuyến vận tải thủy chính của TP và cũng là nơi khởi đầu tuyến đường thủy quốc gia nối TP.HCM với đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng ông Nguyễn Văn Mai, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cảng Tôn Thất Thuyết, cho biết: “Từ khi cảng Tôn Thất Thuyết (nằm trên bờ kênh Tẻ - PV) hoạt động đến nay đã gần 20 năm nhưng tuyến Tẻ chưa hề được nạo vét”.

Ngoài ra, một trở ngại nữa cho giao thông thủy ở TP.HCM là có tới 3/4 tuyến kênh chính bị vướng các cống thủy lợi.

Cảng nhiều nhưng manh mún

Ông Tạ Vĩnh Ảnh, Giám đốc Cảng vụ TP.HCM, cho biết ở một số nơi, đường thủy là phương thức duy nhất có thể đảm nhận việc chuyên chở khối lượng lớn vật liệu xây dựng, Nhưng trong số hơn 300 cảng, bến ở TP.HCM thì chỉ có một số ít cảng chuyên với các loại hàng hóa là xi măng, klinker, xăng dầu… hoạt động thường xuyên, số còn lại đều hoạt động theo kiểu thời vụ.

“Hiện TP có khoảng 320 cảng, bến thủy nội địa. Tuy nhiên, gọi là cảng cho sang chứ hầu hết chỉ là cầu tàu tạm thời, mặt bằng cảng bến nhỏ hẹp, không có hệ thống kho bãi, dịch vụ và hoạt động mang tính phân tán, phát triển tự phát” - ông Tạ Vĩnh Ảnh nói.

Do lợi thế tự nhiên, TP.HCM nối kết được trực tiếp với hai khu vực hàng hải lớn nhất phía Nam là khu cảng biển TP và cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Ngoài ra, thống kê cho thấy mật độ giao thông đường thủy mà phương tiện từ 20 tấn trở lên lưu thông được ở TP.HCM nhiều gấp 11 lần cả nước và gấp 2,65 lần mức bình quân ở đồng bằng sông Cửu Long.

“Lợi thế này cần được suy nghĩ một cách có chiến lược trong việc điều chỉnh cơ cấu vận tải giữa đường bộ và đường thủy. Nếu đường thủy được quan tâm đầu tư đúng mức sẽ chia lửa rất lớn cho giao thông bộ. Khi đó, vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường và giao thông sẽ giảm đáng kể” - ông Ảnh phân tích.

MINH PHONG

Du lịch đường sông ì ạch

UBND TP từng yêu cầu các sở ngành liên quan nghiên cứu tổ chức khai thác du lịch trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuy nhiên, yêu cầu này bị “vướng” cả chục cây cầu dọc tuyến kênh. Sở GTVT cho biết: Xà lan của dự án cải tạo kênh còn lưu thông rất vất vả thì tàu du lịch làm sao chui lọt.

Tiết kiệm chi phí

Theo một chủ tàu, cước phí vận chuyển từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây Nam bộ khoảng 100.000 đồng/tấn hàng. Như vậy, chở 300 tấn hàng bằng đường thủy chỉ tốn 30 triệu đồng. Trong khi nếu vận chuyển bằng đường bộ, riêng tiền xăng dầu đã mất 40 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm