Cần trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho con trẻ

Đó là khuyến cáo của bà Đặng Thị Lan Hương, chuyên gia tâm lý giáo dục, tại buổi nói chuyện với phụ huynh về “Dạy trẻ tự bảo vệ bản thân tại trường học” do Trường Mầm non Quốc tế Maple Bear, TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.

Đối với trẻ nhỏ khi đến trường, nguy cơ bạo lực xuất phát từ con người và môi trường như giáo viên, bảo mẫu, bảo vệ, người lạ đến trường, sân chơi, lớp học… Ảnh hưởng của nó cũng có hai dạng là thân thể và tinh thần. Về bạo lực thân thể, phụ huynh dễ dàng phát hiện dựa vào các dấu hiệu trên cơ thể nhưng về tinh thần thì rất khó nhận ra. Bà Lan Hương cho rằng tâm lý trẻ nhỏ rất nhạy cảm, chỉ cần lời phê từ giáo viên, bị bạn bắt nạt, người lạ hù dọa… sẽ khiến trẻ có những biểu hiện khác thường như hung dữ, trầm cảm, sợ hãi, không thích đến trường, lo lắng, mê sảng, tè dầm,… Nếu người lớn không theo dõi, phát hiện và can thiệp sớm, những dấu hiệu nhỏ đó sẽ kéo theo hàng loạt thay đổi của trẻ, gây tổn hại về tinh thần lẫn thể chất, kìm hãm sự phát triển bình thường về sau. Vì vậy người lớn phải thường xuyên quan tâm đến cảm xúc và những thay đổi của trẻ. Nếu có bất thường phải tìm cách trò chuyện với trẻ để hiểu rõ thêm nguyên nhân để có hướng can thiệp ngay.

Theo bà Lan Hương, nhiều phụ huynh giúp con bảo vệ bản thân bằng cách cho con học nhiều môn thể thao, rèn luyện sức khỏe để bé có thể chất tốt. Đó là việc cần và là yêu cầu chung nhưng chưa đủ vì bé cần có thêm sức mạnh về tinh thần để có cách bảo vệ mình, cụ thể là khả năng ứng phó và giao tiếp của trẻ trong từng tình huống.

“Một khi đã không có kỹ năng thì trường học hay ở bất kỳ đâu cũng trở nên thiếu an toàn với trẻ, ngay cả khi chúng ngồi sát bên cha mẹ. Cách tốt nhất là ngay từ khi trẻ còn học mầm non, phụ huynh phải trau dồi và trang bị cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ, xử lý tình huống như thoát hiểm, gặp người lạ, tiếp xúc môi trường mới, đi lại… Người lớn nên thường xuyên trao đổi, đặt tình huống, khuyến cáo nguy cơ mà trẻ có thể mắc phải để trẻ hình dung và tự giải quyết. Nhà trường cũng nên lồng ghép các nội dung này vào giảng dạy để học sinh làm quen và có hướng xử lý” - bà Hương dẫn giải.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm