Áp lực hội nhập mới và ba nguyên tắc công bằng

 

Một loạt các hiệp định tự do thương mại FTA đang đàm phán như Quan hệ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam-EU và đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều khả năng được ký kết trong năm 2014 đang mở đường cho một khoảnh khắc hội nhập mới.

“Khoảnh khắc hội nhập đòi hỏi cuộc đánh đổi với nhiều cải cách nội tại và cả dũng khí chấp nhận sự hy sinh.

Ai phải hy sinh?

Sự hy sinh không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa biểu tượng. Trên hết, đó là nhu cầu thực tế của Việt Nam khi đề cập đến hai chữ cải cách. Cụ thể hơn, Việt Nam đang cần một tầm nhìn được đặt theo hướng chấp nhận sự “hủy diệt sáng tạo”.

Về cơ bản, “hủy diệt sáng tạo” đồng nghĩa với việc để cho những lĩnh vực, chủ thể kém hiệu quả, nôm na là những ngân hàng, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh “zombie” (thây ma biết đi) được khai tử, dành nguồn lực phát triển cho những đối tượng khác có đủ sức cạnh tranh, phù hợp với xu thế. Chung quy, nói đến quá trình này cũng là muốn nói đến ý chí cho việc cải tổ. Làm sao nói về cải tổ mà không dám hy sinh? Vì vậy, đây có thể hiểu đơn giản là cái giá của cải tổ.

Bao giờ cũng vậy, luôn có một khoảng cách nhất định giữa ý chí và cách nó được thể nghiệm trong thực tế. “Những chủ thể kém hiệu quả” có thể là gì? Ai được đưa làm vật hy sinh? Hãy dành chút thời gian ngược dòng lịch sử.

Năm 2006, trước những kỳ vọng về việc gia nhập WTO của Việt Nam, trong thị trường bất động sản xuất hiện hiện tượng “hồ hởi sảng”. Đối với trường hợp của Việt Nam, hiện tượng này đã tạo ra bong bóng bất động sản. Khi bong bóng này vỡ trước sức ép của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, rất nhiều nguồn lực đã được sử dụng để giải cứu thị trường bất động sản.

Nguồn lực đó, vốn có phần đóng góp không nhỏ từ phía người dân, hoàn toàn có thể được sử dụng để lo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của chính họ. Tuy nhiên, chính những đại gia bất động sản lại là đối tượng được giải cứu. Vô hình chung, đối tượng hy sinh từ năm 2007 đến nay lại không phải là những “zombie” mà lại là quần chúng nhân dân. Đây chính là sự bất công giữa các chủ thể.

Cơ hội dựa  công bằng

Trước tiên và cụ thể nhất đó là sự công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các thành phần khác. Hiện nay, để cùng nộp được cùng một đồng thuế, khu vực DNNN rõ ràng đang được hưởng quá nhiều đặc lợi so với khu vực tư nhân và vốn nước ngoài. Các DNNN lớn được hưởng thế độc quyền trong các lĩnh vực then chốt, thiết yếu (khoáng sản, nhiên liệu, cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng…) và thế thống lĩnh trong bất cứ thị trường nào mà chúng tham gia.

DNNN còn được hưởng lợi từ góc độ pháp lý, chính sách (đất đai, vốn, tín dụng, hợp đồng mua sắm công), tạo nên một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng giữa họ và khu vực tư nhân mà đáng nói nhất là dân doanh nội địa. Khu vực tư nhân vì thế bị DNNN lấn át về cả cơ hội lẫn nguồn lực khiến họ không thể phát triển hết tiềm năng vốn có.

Nếu sự mất cân đối về tiếp cận chính sách này còn được duy trì, nhóm chủ thể hoạt động kém hiệu quả sẽ càng phung phí các nguồn lực, trong khi nhóm chủ thể có năng lực lại bị bóp nghẹt tiềm năng phát triển. Theo hướng đó, nền kinh tế nói chung sẽ không có lối thoát.

Sự công bằng thứ hai phải đạt được có thể được gọi nôm na là sự công bằng giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp, mà cụ thể là đối với các mặt hàng thiết yếu phần lớn thuộc về các doanh nghiệp độc quyền nhà nước.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, hiện tại giá năng lượng (xăng, dầu, điện, than) nằm trong bốn loại giá quan trọng mà không ai dám đụng đến. Câu chuyện thị trường hóa nhóm giá này đã bắt đầu từ lâu nhưng đến nay chưa có nhiều tiến triển. Luận điểm được sử dụng thường xuyên nhất vẫn là theo đuổi giá thị trường sẽ lập tức đồng nghĩa với tăng giá - để hù dọa xã hội. Bao nhiêu phần trăm của lập luận này là chính xác?

Không khó để nhận ra rằng có thị trường hóa giá hay không thì giá các mặt hàng nói trên cũng đã và sẽ tăng liên tục trong vài năm qua. Giá tăng nhưng chất lượng không phải lúc nào cũng đi đôi với giá. Vấn đề là ở chỗ Việt Nam hiện nay thị trường hóa giá cả không được thực hiện dựa trên nền tảng của tự do hóa thị trường, tức là việc có được một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa. Nói cách khác, theo đuổi cơ chế thị trường phải được tiến hành ở cả cơ chế giá lẫn cấu trúc thị trường. Có như vậy, người tiêu dùng mới nhận được chất lượng hàng hóa, dịch vụ tương xứng với số tiền họ bỏ ra.

Cuối cùng, đó là sự công bằng về thể chế, hay đơn giản hơn là sự công bằng trong khả năng tác động đến chính sách giữa các nhóm chủ thể trước một vấn đề nảy sinh. Ví dụ cho luận điểm này có thể kể đến sự việc nhà máy Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải. Trong câu chuyện này có hai nhóm chủ thể: Bản thân Công ty Vedan và cộng đồng người dân chịu ô nhiễm đã tiến hành tố cáo.

Điều đó có nghĩa là dù bị phát hiện xử phạt nhiều lần, Vedan vẫn không có dấu hiệu chùn chân. Người dân, dù được bồi thường bằng tiền nhưng những hậu quả về môi trường là rất khó khắc phục. Việc này xuất phát từ một vấn đề là nỗ lực thu hút FDI tại Việt Nam đôi khi đi quá xa, cho họ khả năng tác động chính sách. Trong khi đó khả năng tương tự của người dân còn hạn chế. Thực tế này cần phải thay đổi.

Thông tin về khả năng xuất hiện của luật biểu tình, luật lập hội, luật trưng cầu dân ý, luật tiếp cận thông tin, luật bảo vệ dữ liệu cá nhân… cùng với vụ xử đại án Dương Chí Dũng được truyền thông đưa tin cụ thể trong thời gian gần đây là những dấu hiệu lạc quan đầu tiên của lộ trình thiết lập lại những nguyên tắc công bằng.

Nếu cho rằng năm 2014 sẽ là một khoảnh khắc hội nhập tiếp theo, nối dài cột mốc WTO 2006 thì áp lực hội nhập như một sức ép có thể mở đường cho cải tổ. Cái gốc chính vẫn là đòi hỏi từ việc thay đổi các thiết chế tạo khung hành lang pháp lý và chính sách phù hợp. Và quan trọng hơn cả là chúng ta có thể làm gì để một quá trình như vậy thực sự diễn ra một cách trật tự, bình ổn, công bằng và ít tốn kém nhất cho xã hội.

TRƯƠNG MINH - NHẬT ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm