Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý - Bài 1: Trăm năm một bến phà

LTS: Phà Cần Thơ - con phà cuối cùng trên quốc lộ 1A sẽ chấm dứt sứ mệnh lịch sử gần 100 năm của mình vào ngày 24-4 khi cầu Cần Thơ chính thức thông xe.

Một thế kỷ qua, phà Cần Thơ đã trở thành một phần không thể thiếu trong tiềm thức đồng bằng, trong ký ức của những người dân miền Tây. Nhiều cơ hội mới sẽ mở ra khi giao thông phát triển. Nhưng chia tay con phà cũ kỹ, ai cũng bâng khuâng, bởi cpn phà ấy đã gắn liền với lịch sử một vùng đất, với kỷ niệm một đời người.

Những ngày cuối cùng trong sứ mạng của mình, phà Cần Thơ vẫn nghẹn mãi những dòng xe. Dẫu bao thăng trầm, đổi thay, song những chiếc phà ấy dường như đã ở lại trong ký ức đồng bằng.

Những chuyến phà xưa

Ấy là lúc mà toàn quyền Đông Dương ra nghị định cho mở lộ đá từ Sài Gòn đi Cần Thơ, Rạch Giá vào năm 1915. Năm tháng cùng với đà phát triển xã hội, nhiều nơi gần như đã xóa nhòa dấu vết con đường mở mang của thực dân Pháp.

Con đường về miền Tây cũng chính là thời điểm hệ thống giao thông đường bộ ở Nam kỳ được mở rộng cho ý đồ khai thác thuộc địa. Cùng với quá trình hình thành con đường thuộc địa số 14, vào khoảng năm 1918 bến bắc Cần Thơ bắt đầu hình thành. Ngày ấy chiếc phà đầu tiên vượt sông mở đường về vùng đất nam sông Hậu chỉ đơn sơ, nhỏ bé bên dòng sông mênh mông. Theo thời gian chiếc phà đó cũng lớn dần, hiện đại dần… với sự vận hành, phát triển của cả vùng đồng bằng này.

Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý - Bài 1: Trăm năm một bến phà ảnh 1

Phà Cần Thơ (xưa) đưa các quan chức Pháp qua sông trong một buổi lễ. Ảnh: NGUYÊN VẸN chụp lại

Ở đó, tên đất, tên người như đã gắn liền với vòng qua lại của những chuyến phà trên vùng sông nước đỏ quạch phù sa. Không biết từ lúc nào, cái tên “bến bắc” đi vào tiềm thức dân bên bờ Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long). Họ cứ một đi bến bắc, hai đi bến bắc để qua Cần Thơ, chứ ít ai gọi đi bến phà. “Hồi đó đâu ai biết cái tên của tướng Hòa Hảo Trần Văn Soái mà chỉ quen gọi Năm Lửa, vì ông ấy làm việc dưới phà, chuyên chụm lửa cho phà chạy. Chụm lửa bằng những cây tràm to cỡ cườm chân. Sau mới chuyển dần qua đốt bằng than”. Ông Tư Kính (Nguyễn Văn Kính, 87 tuổi) vẫn không quên câu chuyện đó mỗi khi nhắc tới chiếc bắc ngày xưa đốt lửa chạy bằng hơi nước.

Dường như chuyện cổ tích thời ấy vẫn theo mãi lão nông quắc thước, tóc bạc phơ búi củ tỏi phía sau, giọng cười khà khà đặc quánh Nam Bộ ấy đến bây giờ, kể từ khi ông rời vùng quê Bình Minh lên An Giang (huyện Châu Phú) sống, sau ngày Nhật đảo chánh Pháp năm 1945. Ông hỏi: “Chừng nào khánh thành cầu Cần Thơ? Tới ngày đó chắc tui kêu mấy đứa nhỏ chở về đi thử qua cầu, ngắm lại bến bắc hồi xưa một lần”. Từng con phà, chiếc cầu, cây rơm, khói bếp lam chiều… luôn thấm đẫm trong tình đất, tình người của người miền Tây mãi với thời gian.

Nỗi niềm bên lở bên bồi

Giờ ngồi lại chuyện vãn, bất chợt người ta giật mình chuyện bến phà phía Cần Thơ di chuyển ra hướng sông gần cả cây số theo quy luật bên lở bên bồi muôn thuở của dòng sông. Ngày trước nó nằm sâu tận bờ sông thuộc rạch Khai Luông (nay gần cầu Ninh Kiều) xa lắc xa lơ bến bờ bây giờ. Ngược lại, phía Cái Vồn thuộc Bình Minh thì cứ lùi sâu vào đất liền hàng trăm mét. “Có năm nó lở bứt cả cầu dẫn phía thượng nguồn cùng cả cái dãy nhà tập thể của công nhân bến phà”, một công nhân lái phà lâu năm vẫn chưa quên. Cứ thế mà một bên bến tiến ra sông sâu, bên lùi dần vào đất liền.

Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý - Bài 1: Trăm năm một bến phà ảnh 2

Những chiếc phà hiện đại ngày nay vẫn không theo kịp sự phát triển ồ ạt của dòng xe cộ. Ảnh: NGUYÊN VẸN

Nhìn những chuyến phà hiện đại vượt sông bây giờ, có lẽ ít ai biết chuyện nhọc nhằn của mấy con phà cọc cạch ngày trước mà công nhân phải xoay vòng chữ thập bên trên ponton mỗi lần xe chạy xuống để cho nó đúng vào chiếc phà đang neo đậu bến. Thời đó, người coi lái phà ngồi trên mui cao, còn thợ máy thì làm việc dưới hầm tối để theo dõi việc vận hành của máy. Mỗi lần nghe tiếng kẻng hiệu lệnh của tài công, người thợ máy vội nắm cây cần điều khiển giảm tốc độ cho phà từ từ tiến vào bờ. Cứ mỗi lần vượt sông mất cả giờ đồng hồ.

Mãi đến những năm đầu thập niên 1960 mới có phà hai (25 tấn), rồi phà ba (30 tấn) ghé được hai đầu. Cuối thập niên 1960 Mỹ trang bị thêm bảy chiếc phà 100 tấn. Song phà vẫn xoay trở nặng nề bởi bánh lái truyền động bằng dây xích. Từ những chiếc phà lái bằng bánh lái truyền động bởi dây xích, đến lái thủy lực, rồi chuyển sang lái bằng chân vịt vào năm 1998 là cả một thời gian dài. Chân vịt có thể xoay vòng 360 độ thay cho bánh lái ngày xưa. Kỳ tích đổi thay đó chỉ với hai chiếc phà 200 tấn đầu tiên (năm 1998, một ở Mỹ Thuận, một cho Cần Thơ) mà chính phủ Đan Mạch tài trợ mang cái tên phà Việt-Đan. Và đến giai đoạn II năm 2002 đóng mới tiếp sáu phà Việt-Đan 100 tấn cũng lái bằng chân vịt.

Cấp cứu phải bắn súng gọi phà

Vào những năm 1946 đến 1950, tại bến phà Cần Thơ chỉ có vài chiếc nhỏ, mui trần, mỗi chiếc chở được hai xe đò loại nhỏ. “Tôi lớn lên ở đây từ nhỏ, theo tôi biết thì bến phà chưa lần nào ngưng trệ lâu ngày nghe. Còn nhớ khoảng năm 1963, phe mình đánh đồn nằm ngay bến phà nhưng phà vẫn đưa khách qua sông bình thường. Mãi tới trận Mậu Thân năm 1968, phà dừng đưa hai, ba ngày nhưng sau đó lại tiếp tục hoạt động trở lại. Chỉ có chợ Cái Vồn ngừng nhóm nửa tháng trời” - thầy Lê Hùng Phi, một giáo viên về hưu khu vực bến phà phía Cái Vồn chưa quên mốc đổi thay nhỏ đó.

Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý - Bài 1: Trăm năm một bến phà ảnh 3

Xe phát thư Cần Thơ - Sài Gòn thời Pháp thuộc. Ảnh: TƯ LIỆU

Và cái lần đổi thay lớn vận mệnh đất nước, giải phóng miền Nam vào 30-4-1975, phà vẫn chỉ dừng đúng một buổi. Câu chuyện ngày cuối của thời khắc chuyển giao đó như vẫn còn in sâu trong ký ức anh Thạch Son, người lái phà năm xưa. Anh tài công gần 30 năm gắn bó với con phà ấy khề khà: “Hồi ba mươi tháng 4 năm 1975, sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, phà chỉ dừng đưa có một buổi thôi, đến chiều nó lại bắt đầu hoạt động trở lại. Chiều hôm ấy, bên Cần Thơ, anh em tù binh từ ty cảnh sát ngụy gần bến phà đổ ra đường phố đông nghẹt. Anh em vui mừng quăng tứ tung đồ đạc, quần áo… vung vãi khắp đường phố. Bên kia sông, bến Cái Vồn lính cũng đổ về đông nghẹt để về quê. Phà hoạt động liên tục, chỉ chở toàn người là người…”.

Dẫu lịch sử có thăng trầm, phà vẫn nối nhịp cho dòng chảy mưu sinh xuôi ngược nối miền Tây với đô thị Sài Gòn. “Thời đó làm gì có điện thoại, hễ mỗi lần cấp cứu, phía bên bờ Cái Vồn là chỉ cần bắn ba phát súng đùng đùng là phà từ bến Cần Thơ vượt sông chạy sang. Nhưng mà cấp cứu với người không nguy hiểm lắm, chứ nếu thập tử nhất sinh thì vượt sông cả tiếng đồng hồ đó cũng… tiêu mất rồi!” - thuyền trưởng Nguyễn Phú Hào cười hiền bảo vậy. 

Mai này hình ảnh“em đi mau kẻo trễ chuyến đò ngang trên bến bắc Cần Thơ…” sẽ trôi vào dĩ vãng và chỉ còn trong ký ức.

NGUYÊN VẸN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm