Cuộc sống “tự cấp, tự túc” ngoài khơi

Sống xa đất liền hàng trăm hải lý, không chợ búa, không có các dịch vụ khác phục vụ đời sống như trong đất liền, các chiến sĩ nhà giàn DK1 và trên tàu HQ luôn tự thân vận động để đảm bảo cuộc sống của mình đầy đủ hơn và có được hơi ấm của quê nhà.

Mỗi năm các chiến sĩ nhà giàn được tiếp tế hai lần lương thực, thực phẩm, mỗi lần cách nhau chừng vài tháng. Cho nên thực phẩm tươi từ đất liền đưa ra chỉ có thể lên bữa ăn của anh em trong vòng một tuần. Để khắc phục điều này, các chiến sĩ đã dành dụm từng nhúm đất để trồng rau xanh, tận dụng từng mét vuông nhỏ nhoi trên nhà giàn và trên tàu để nuôi con gà, con vịt. Cùng đó, anh em cũng tự tạo hàng chục loại cần câu khác nhau để kiếm cá tươi. “Chúng tôi toàn là những tay câu thiện xạ không đấy. Mùa sóng êm, có tháng chúng tôi câu hơn tấn cá chứ chả chơi” - Đại úy Lê Quang Ninh, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/9, nói vui nhưng… không đùa tí nào.

Cuộc sống “tự cấp, tự túc” ngoài khơi ảnh 1

Ảnh 1:Từ rất nhiều loại câu khác nhau, các chiến sĩ nhà giàn chỉ trong ít phút đã có thể kiếm được cả chục ký cá. Trong ảnh: Chiến sĩ nhà giàn DK1/11 dùng câu giật kiếm ngay một con cá liềm kiềm tươi rói.

Cuộc sống “tự cấp, tự túc” ngoài khơi ảnh 2

Ảnh 2:Cá tươi ăn không hết các chiến sĩ làm mắm.

Cuộc sống “tự cấp, tự túc” ngoài khơi ảnh 3

Ảnh 3:Thi thoảng các chiến sĩ nhà tàu còn câu được cá mập. Trong ảnh: Một chú cá mập dính câu khiến anh em trên tàu HQ 935 rất phấn khởi trước bữa tiệc cá mập nhúng dấm ngon lành.

Cuộc sống “tự cấp, tự túc” ngoài khơi ảnh 4

Ảnh 4:Những chú vịt được nhà tàu nuôi phía khoang sau từ khi còn rất bé.

Cuộc sống “tự cấp, tự túc” ngoài khơi ảnh 5

Ảnh 5:Bữa ăn thân tình giữa anh em nhà giàn và nhà tàu ngon hơn nhờ các món ăn tươi “tự cấp, tự túc”.

Cuộc sống “tự cấp, tự túc” ngoài khơi ảnh 6

Ảnh 6:Chế biến ra đậu hủ tươi từ đậu nành khô.

Cuộc sống “tự cấp, tự túc” ngoài khơi ảnh 7

Ảnh 7: “Ai đẹp hơn ai?”. Trong ảnh: PV báo Pháp Luật TP.HCM (trái) “so găng” cùng hai chiến sĩ nhà giàn DK1/11 sau khi được “bác phó cạo” Lê Quang Huy, Thiếu tá, chính trị viên (thứ hai từ trái qua), trổ tài hớt tóc.

Có thể nói giàn câu của nhà giàn phong phú không kém gì một thuyền câu hiện đại: từ câu đáy, câu giật đến câu nổi… Chứng kiến một buổi câu của các chiến sĩ ở đây, chúng tôi chỉ biết trầm trồ thán phục trước các “xạ thủ” săn cá. Từ cá liềm kiềm, cá hồng đến cá thu đều có trong bữa ăn của nhà giàn. Hôm nào câu được cá mập (có khi hơn 1 tạ), bữa đó anh em được hưởng bữa đại tiệc. Cá tươi không ăn hết thì anh em phơi khô hoặc làm mắm. Gần như nhà giàn nào, tàu nào cũng đều trữ đến chục thùng mắm lớn với đủ loài cá khác nhau. Ở đây, anh em nhà giàn ăn mắm có độ đạm cao gấp nhiều lần mắm ngon của các hãng nổi tiếng quanh năm mà không cần tiếp tế từ đất liền. Ngoài ra, anh em chiến sĩ còn tự ươm giá, ươm cải mầm để cải thiện bữa ăn. Thỉnh thoảng anh em còn tự ngâm đậu nành xay ra để làm đậu hủ, vừa bổ sung nguồn đạm thực vật, vừa thay đổi khẩu vị cho mình. Đó là chưa nói đến việc cắt tóc, may đồ, các chiến sĩ ngoài này đều có tay nghề để săn sóc lẫn nhau.

Không chỉ có anh em nhà giàn mới ở lâu ngoài khơi xa mà các anh em nhà tàu làm công tác canh giữ chủ quyền của thềm lục địa cũng phải lênh đênh trên đất biển hàng tháng trời. Nhà tàu nào trước khi ra khơi làm nhiệm vụ cũng phải trồng một vườn rau nho nhỏ phía sau tàu. Ở phần khoang sau, nhà tàu còn tranh thủ thả vài con heo và đàn vịt, gà để nuôi lớn theo những chuyến hải trình. “Có khi đi một chuyến trực về, chú heo từ 20 kg đã nặng đến 60 kg đấy” - Thiếu úy Quốc Hội, “chuyên viên” hậu cần của tàu HQ 624, nói.

Hơn nửa tháng trời cùng ăn, cùng sống với anh em chiến sĩ, ấn tượng nhất của chúng tôi có lẽ là tiếng gà gáy cất lên khi ban mai vừa ló dạng. “Cứ mỗi lần nghe gà gáy sáng, anh em chúng tôi như nghe được hơi thở của đất liền, của sự sống bình yên ở bất cứ miền quê nào trên mảnh đất thân yêu hình chữ S này” - Đại úy Hồ Văn Thư, thuyền trưởng tàu HQ 935, nói.

T.BÌNH - M.CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm