HÀNH TRÌNH ĐI TÌM MỘ CỔ - BÀI 2

Dấu vết của ‘thần cơ’ Hồ Nguyên Trừng

Một trong những lý do khiến Hồ Quý Ly tự tin sẽ chống lại được quân Minh là sở hữu được rất nhiều súng thần công do con trai Hồ Nguyên Trừng chế tạo ra. Phòng tuyến chống quân Minh do Hồ Nguyên Trừng dựng lên với rất nhiều súng thần cơ đã liên tiếp đánh bại quân Minh, nhà Hồ thua là vì không được dân chúng ủng hộ.

Người tù Đại Việt thành quan to trong triều Minh

Là một nhân tài nắm rõ cách chế tạo hỏa long pháo và thần cơ pháo, cùng các bí quyết về thuốc nổ đủ khiến nhà Minh tìm mọi cách lưu dụng ông. Chính vì vậy thay vì xử tội cả ba cha con, nhà Minh lại tha chết cho họ, một mặt giam giữ Hồ Quý Ly như con tin, một mặt ban chức tước cho Hồ Nguyên Trừng để dụ dỗ. Vừa thả ông ra, vua Minh đã ban cho chức chủ sự, hàm chính ngũ phẩm (tương đương giám đốc sở hiện nay) thuộc Binh trượng cục để lãnh việc chế tạo hỏa súng, hỏa tiễn và thuốc súng, cai quản số tù binh Đại Việt có khả năng chế tạo súng và thuốc súng mà quân Minh bắt sang. Quân Minh đã lập cả một binh đoàn sử dụng súng, sau này đánh nhau với Mông Cổ đã phát huy tác dụng rất cao. Vì vậy Minh sử cảo còn ghi lại là quân Minh khi tế súng đều tế Hồ Nguyên Trừng như là thần súng.

Các tài liệu sử cũ ghi lại Hồ Nguyên Trừng làm quan đến chức tả thị lang (tương đương thứ trưởng) nhưng gần đây các bộ Minh sử được xuất bản lại ghi đầy đủ hơn thì Hồ Nguyên Trừng đã được phong đến chức thượng thư bộ Công (tương đương bộ trưởng), ngoài chế tạo vũ khí còn chuyên chế tạo đồ ngự dụng cho nhà vua sử dụng. Khó hình dung được một người không phải người Hán, là người Đại Việt mà lại là tù binh lại được nhà Minh hậu đãi đến vậy. Điều này chứng tỏ nhà Minh rất thực dụng khi sử dụng người tài không phân biệt lý lịch nhưng cũng cho thấy tài năng kiệt xuất của Hồ Nguyên Trừng không thể bàn cãi.

Tấm bia dựng giữa chùa Tú Phong, nay đã thành khách sạn. Ảnh: Trần Quang Đức cung cấp

Tìm mộ từ một quyển sách

Cách đây 10 năm, một nhóm bốn sinh viên Việt Nam đang học tại ĐH Bắc Kinh và ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh đã lên đường để đi tìm mộ của Hồ Nguyên Trừng. Trần Quang Đức, một thành viên trong nhóm (nay đã trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa với tác phẩm Ngàn năm áo mũ viết về trang phục cổ của người Việt), cho tôi biết sở dĩ nhóm của anh biết được thông tin về Hồ Nguyên Trừng là qua tác phẩm của giáo sư Trương Tú Dân - ĐH Thanh Hoa viết về những người Việt Nam đã phục vụ cho nhà Minh (quyển Minh đại Giao Chỉ nhân tại Trung Quốc chi cống hiến xuất bản năm 1992). Dựa trên nghiên cứu các bản Minh sử đầy đủ, ông Trương Tú Dân cho biết cả Hồ Nguyên Trừng và con, cháu đều được mai táng tại thôn Nam An Hà, xã Bắc An Hà, khu Hải Điện, cách Bắc Kinh khoảng 30 km. Tài liệu nhà Minh đều đổi họ Hồ thành họ Lê sau khi bị bắt sang Trung Quốc.

Cả nhóm lên đường vào một sáng mùa đông rét buốt. Đến được thôn Nam An Hà không mấy khó khăn nhưng để dò hỏi phần mộ thì gần như bế tắc. Mấy vị bô lão trong thôn đều cho biết không nghe nói đến phần mộ cổ của người họ Lê từ thời Minh, chỉ có họ Lý thôi. Ở đây cũng không có nghĩa trang, dân ở đây bao đời toàn lên sườn núi phía Tây thấy chỗ nào đẹp thì chôn ở đó. Xin lưu ý là đơn vị hành chính ở Trung Quốc rất lớn, khác với Việt Nam, vài tỉnh của Trung Quốc đã có diện tích bằng cả nước ta.

Đi lên núi, nhìn thấy cảnh vật mênh mông, không biết phải mất bao nhiêu thời gian để đến xem các ngôi mộ chôn ở đây. Một thiếu phụ trung niên làm cỏ trên núi cho biết núi chỉ chôn người chết gần đây, nếu là mộ cổ thì có thể được chôn ở sườn phía Đông hoặc ở Cửu Vương Phần. Thất vọng, đoàn lại đi xuống núi, tìm đến ủy ban của thôn để hỏi thăm thông tin.

Vốn rất hy vọng chính quyền sở tại sẽ có các hồ sơ lưu trữ, hoặc ít ra cũng có người am hiểu về mộ danh nhân trong địa bàn của mình để cung cấp những thông tin hữu ích nhưng cả nhóm đều vô cùng bất ngờ khi các cán bộ ủy ban đều lắc đầu quầy quậy. Bất cứ câu hỏi nào họ cũng đều trả lời bằng những từ mang tiếng phủ định như “không”, “chưa” kèm với điệu bộ rất lấy làm tiếc. Tất cả dò hỏi ngoài lề để tìm thêm manh mối cũng không đem lại kết quả. Nhìn cả nhóm ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, một cán bộ ủy ban bỗng à lên một tiếng, vẻ mặt cực kỳ quan trọng cho mọi người biết là ở gần trường đua ngựa trong thôn có hai bia đá cổ, hy vọng sẽ cung cấp thông tin gì đó có ích. Cảm ơn mấy ông ủy ban tốt bụng nhưng… vô dụng, mọi người đi về trường đua ngựa.

“Khuất lấp sau những bụi cây dại héo hon, nằm trên dải đất như đã bị đào xới lên từ lâu, hai bia đá vẫn còn nguyên vẹn bên cạnh trường đua và đống đổ nát. Tôi men lên đọc được mấy chữ “chính lam kỳ” và vài dòng chữ Mãn thì chẳng còn hứng thú nữa. Thì ra đây là bia dựng từ đời Thanh, ghi chép hành trạng và sự tích của một ông thượng thư bộ Lễ. Chúng tôi quyết định đi qua Cửu Vương Phần ở vùng lân cận gần đó tìm xem có manh mối nào không” - Trần Quang Đức thuật lại.

Cửu Vương Phần thực ra là mộ của một người con thứ chín của vua Đạo Quang. Có thể trước đây cảnh trí đẹp đẽ nhưng bây giờ phong cảnh hoang vắng, tiêu điều, gỗ đã mục nát, sơn son thiếp vàng của trăm năm trước nay đã bong tróc hết ra, xung quanh chỉ toàn những vạt cỏ dại và những lùm cây xơ xác, không có thêm dấu tích của mộ chí nào nữa.

Ngôi chùa lưu giữ bằng chứng

Manh mối cuối cùng để có thể lần tìm được mộ là chùa Tú Phong. Theo tài liệu cũ, chùa gần với nơi chôn cất của gia tộc Hồ Nguyên Trừng. Chùa Tú Phong là một ngôi chùa Việt Nam tại kinh đô Trung Quốc, do nhà sư Hồ Trí Thâm từ Việt Nam sang xây dựng trong khoảng năm 1428-1442, sư tăng trong chùa đa số là người Việt Nam, chùa được vua nhà Minh ban sắc chỉ liệt vào danh thắng năm 1443, ngày 8-4 âm lịch cùng năm, đích thân Hồ Nguyên Trừng đã soạn văn bia nói về việc xây chùa này.

Khi lên xe buýt, hỏi bà soát vé trên xe, rồi cả những người trên xe, cũng không ai biết chùa Tú Phong ở đâu. Một lần nữa cả đoàn lại hết sức hoang mang bởi vì ngay cả một cái chùa to như vậy mà dân ở đây 50-60 năm còn không biết, thế thì làm sao họ biết được một ngôi mộ cổ heo hút nào đó!

Còn nước còn tát, cả nhóm đi tìm gặp những người cao tuổi gần đó thì được chỉ đường lên Tú Phong Tự. Thì ra chùa Tú Phong ngày xưa có nhiều sư tăng Việt Nam tu hành, nay đã trở thành khách sạn. Các phòng đã được đánh số cho thuê, chỉ còn vài phòng là để nguyên như cũ nhưng đã trùng tu hầu hết. Vật duy nhất còn sót lại sau 600 năm trời hình thành ngôi chùa là bia đá ghi lại chuyện dựng chùa tự thuở xa xưa, nay vẫn còn lại trong sân chùa.

Bia còn ghi rành rành những hàng chữ kể lại rõ ràng: “Quan Chính nghị Đại phu Tư trị doãn, Tả thị lang Bộ Công, người Giao Nam (Việt Nam) là Lê Trừng soạn… Cách kinh đô hơn 60 dặm về phía Tây có chùa tên Tú Phong, do ông thái giám Cao Nhượng và sư trụ trì Trí Thâm sáng lập. Sư Trí Thâm là vị sư nổi danh ở đất Giao Nam, họ Ngô, từ nhỏ xuất gia, khắc khổ cầu học…”.

Như vậy đích xác chính tay Hồ Nguyên Trừng đã viết đề bia tại ngôi chùa. Qua bao nhiêu năm vật đổi sao dời, chùa đã không còn giữ được công năng như ban đầu, sớm muộn cũng sẽ bị chìm trong cơn lốc đô thị hóa và kinh doanh của Trung Quốc nhưng dấu tích của thiên tài Hồ Nguyên Trừng vẫn còn lưu dấu tại đây. Theo nhiều nguồn tài liệu khác, trong vùng còn di chỉ của hỏa khí doanh (doanh trại nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm vũ khí ). Rất có thể đây chính là nơi mà Hồ Nguyên Trừng đã sống, làm việc cùng gia đình và được an táng tại đây. Để tìm được nấm mồ của ông, trong vùng đất mênh mông này, không thể chỉ dựa vào nhiệt huyết của một nhóm sinh viên được mà đòi hỏi cần có sự tham gia tìm hiểu của những chuyên gia sử học, khảo cổ học, làm việc trực tiếp với chính quyền và các cơ quan chức năng của Trung Quốc mới mong tìm thấy được hài cốt của ông và mang về an táng tại quê nhà.

Kỳ sau: Tìm thấy mộ của danh tướng Đỗ Thành Nhân

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…