HÀNH TRÌNH ĐI TÌM MỘ CỔ - BÀI 1

Chuyện tìm mộ vua Hồ Quý Ly bên Trung Quốc

Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lập nên nhà Hồ. Đến năm 1406, quân Minh do Trương Phụ, Mộc Thạnh chỉ huy lấy danh nghĩa “phò Trần diệt Hồ” kéo sang xâm lược. Đến năm 1407 quân Minh đã diệt nhà Hồ, bắt Hồ Quý Ly và các con Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương cùng nhiều quần thần và thợ giỏi, sư sãi… đưa về phương Bắc. Sau này Lê Lợi khởi nghĩa thành công, lập nên nhà Hậu Lê, số phận của những người bị quân Minh bắt vẫn rất mờ mịt, hầu như không có thông tin gì. Con cháu nhà Hồ còn sống sót ở Việt Nam những năm sau này đều mong mỏi biết về số phận và mồ mả tổ tiên nhưng bặt vô âm tín. Cho đến đầu những năm 2000, họ biết được có một nhà khảo cổ người Việt đã nhiều năm nghiên cứu và có ý định đi tìm ngôi mộ của Hồ Quý Ly, đó là ông Đỗ Đình Truật.

Một người khao khát tìm mộ vua Hồ

Ông Đỗ Đình Truật sinh năm 1931, mất năm 2013, là người đã có hơn 50 năm làm việc trong ngành khảo cổ. Ông đã được ghi nhận là người khai quật mộ cổ nhiều nhất Việt Nam với hơn 100 ngôi mộ. Từ nhỏ ông đã rất hâm mộ Hồ Quý Ly cùng những cải cách của nhà Hồ. Năm 1955, ông được cử sang Trung Quốc làm chủ nhiệm một số lớp ở khu học xá Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tại đây, ông may mắn gặp được học giả Trần Văn Giáp, từng du học Pháp và làm việc ở Viện Viễn Đông Bác cổ. Ông Giáp được nhiều học giả Trung Quốc khâm phục, thậm chí gọi ông là “Quách Mạt Nhược thứ hai” (nhà văn nổi tiếng Trung Quốc với những nghiên cứu về văn tự cổ).

Thật bất ngờ khi ông Giáp cũng rất quan tâm đến Hồ Quý Ly và cung cấp cho ông Truật nhiều thông tin về các tài liệu quý giá liên quan đến nhà Hồ ở các thư viện Trung Quốc. Trong quá trình ở Quảng Tây tìm mộ Hồ Quý Ly thì ông Truật lại tình cờ phát hiện ra mộ của chí sĩ Nguyễn Thiện Thuật, người anh hùng của khởi nghĩa Bãi Sậy. Do điều kiện công việc lúc bấy giờ, ông Truật không có cơ hội để tiếp tục đi tìm mộ, sau này khi cách mạng văn hóa nổ ra, ông Truật phải về nước. Từ đó ông chỉ đi tìm dấu tích về nhà Hồ ở trong nước, nhất là sau khi xảy ra chiến tranh biên giới, ông càng không hy vọng có cơ hội sang Trung Quốc tìm mộ vua Hồ.

Hơn 70 tuổi, sức khỏe giảm sút, ông Truật rất vui mừng khi con cháu họ Hồ đã tài trợ chi phí để ông sang Trung Quốc tìm mộ. Xác định đây là chuyến đi lớn cuối đời, ông nghiên cứu tư liệu, chuẩn bị cho hành trình. Năm 2004, tôi may mắn được gặp ông Đỗ Đình Truật sau khi ông đi Trung Quốc về, được ông kể cho nghe nhiều chuyện thú vị. Gần đây lại gặp được người học trò cùng đi với ông nên có thể bổ sung khá đầy đủ về hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly nơi xứ người.

Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật (trái) và ông Nguyễn Thiện Đức trong chuyến đi tìm mộ Hồ Quý Ly. Ảnh do gia đình cung cấp

Tung tích của Hồ Quý Ly trên đất Minh

Các cuốn sử của Việt Nam chỉ ghi nhận việc cha con Hồ Quý Ly bị giải về Trung Quốc là hết. Phần còn lại được ghi chép khá rõ ở các cuốn Minh sử, Minh cảo sử, Minh thực lục, Minh thông giám, Quốc triều hiến chính… của nhà Minh. Sau khi bị giải đến kinh đô, ba cha con Hồ Quý Ly chỉ bị xử rất nhẹ; Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương được phong quan làm việc cho nhà Minh. Riêng Hồ Quý Ly, một số tài liệu cho rằng bị đày làm lính thú ở Quảng Tây, rồi bị giết bí mật. Tuy nhiên, ông Truật không tin vào thuyết này vì khi quân Minh đưa quân qua xâm lược nước ta đã vu cho Hồ Quý Ly hơn 20 tội, toàn tội đại nghịch như tiếm ngôi, giết vua, chém sứ, lấn đất thiên triều… nên nếu muốn giết thì có thể chém ngay giữa điện Phụng Thiên luôn để ra uy, không cần phải dùng cách tiểu nhân. Bản thân Hồ Quý Ly khi bị bắt đã hơn 70 tuổi, già yếu, khó có khả năng trốn thoát về đất Việt và cũng không còn lực lượng, nhất là bị dân chúng căm ghét, cho là cướp ngôi nhà Trần.

Ngoài ra, do Hồ Nguyên Trừng được trọng dụng để chế vũ khí nên nhà Minh cũng muốn giữ mạng Hồ Quý Ly để các con yên tâm phụng sự, có thể đó là lý do tại sao nhiều pho sử nhà Minh ghi lại rằng sau khi bị hài tội thì Hồ Quý Ly chỉ bị giam vào ngục chờ phán quyết, mà sau đó cũng không thấy có phán quyết gì với ông, tức là ông đã bị giam hoặc giam lỏng đến khi chết.

Một tài liệu khác thời Minh ghi chép lại trò chuyện với con cháu Hồ Quý Ly cho biết Hồ Quý Ly chết khi hơn 80 tuổi, chôn ở kinh đô. Sau đó con cháu cải táng, chôn ở núi Chung Sơn cách đó hơn chục dặm. Ông Truật tin là tài liệu này đúng hơn cả. Và ông cho rằng nơi chôn cất Hồ Quý Ly ở núi Chung Sơn là núi Lão Tử hiện tại, thuộc TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.

Sử sách đều ghi ba cha con Hồ Quý Ly bị dẫn giải về Kim Lăng. Kim Lăng (Nam Kinh) chính là kinh đô của nhà Minh trước khi dời về Bắc Kinh. Núi Lão Tử thuộc thôn Kim Lăng, cách Nam Kinh gần 20 km vốn là nơi chôn người chết bao đời, trên núi có vô số ngôi mộ. Ngay cả hai vị vua đầu tiên của nhà Minh cũng được đặt lăng mộ ở Lão Tử Sơn, sau này dời đô mới mang về Bắc Kinh, đặt trong Thập tam lăng như hiện nay. Vấn đề còn lại là làm sao tìm được mộ Hồ Quý Ly giữa muôn vàn nấm mộ ở nơi này.

Những chuyện ngẫu nhiên trên Lão Tử Sơn

Xuống sân bay Bắc Kinh, nhóm ông Truật được một cô gái tên Thu Vân ra đón. Cô là người gốc Việt, qua người quen, biết ông Truật đi tìm mộ Hồ Quý Ly nên tình nguyện làm người dẫn đường. Một chuyện khá ngẫu nhiên là khi trên chuyến tàu đi Nam Kinh, tình cờ một thanh niên ngồi gần đó nghe được câu chuyện của nhóm đã tới làm quen. Anh giới thiệu là công nhân mỏ, họ Hồ, sống ở Giang Tô, biết rõ địa thế vùng này. Anh đã vẽ bản đồ chỉ dẫn cách đi đến thôn Kim Lăng trên Lão Tử Sơn.

Khi đến Kim Lăng, đoàn đã đến đồn cảnh sát địa phương để trình báo sự việc và hỏi thăm, được cảnh sát cho biết trên Lão Tử Sơn có rất đông người họ Hồ, có cả một khu mộ nghe nói của dòng họ người Việt ở đó từ rất lâu rồi. Họ còn nhiệt tình cử một sĩ quan cảnh sát lấy ô tô dẫn đoàn đến đó. Những sự kiện ngẫu nhiên nối tiếp khiến ông Truật tin rằng ông đã gần đến đích.

Ông Nguyễn Thiện Đức, năm nay 68 tuổi, vốn là một sĩ quan quân đội nhưng rất đam mê khảo cổ nên đã theo làm học trò ông Truật hơn 16 năm. Ông kể lại: “LãoTử Sơn là vùng rừng núi rất mênh mông rộng lớn, ít người, mộ chí rất nhiều. Chúng tôi đi tìm từ sáng tới trưa chưa thấy dấu tích mộ dòng họ Hồ, cả đoàn ai cũng hết sức mệt mỏi. Khi đang đi, bỗng nhiên tôi bị một cành gai quấn vào gấu quần kéo lại. Tôi cúi xuống gỡ cây gai và nhân tiện cột lại dây giày thì thấy có một con đường mòn nhỏ bên cạnh. Linh tính mách tôi thử tách đoàn đi theo con đường mòn nhỏ một đoạn xa thì phát hiện ra một ngôi mộ ghi tên Hồ Văn Hải, chết đã rất lâu rồi. Tôi gọi cả đoàn lại, ai cũng mừng rỡ. Cụ Truật gieo thử một quẻ Kinh dịch, hỏi xem có phải nhà vua không thì được biết chỉ là mộ một người hậu thế. Tuy nhiên, đây là cơ sở để chúng tôi vững tâm, bắt đầu đi tìm các gia đình có người họ Hồ gần đó để dò hỏi thêm”...

Một cụ già cho biết bà cũng nghe kể lại dòng họ Hồ của bà có gốc Việt Nam rất lâu trước đây. Xưa kia trên đỉnh Lão Tử Sơn còn có ngôi mộ của tổ dòng họ Hồ ở đây. Trên đó còn có cả nhà giam cũ từ xưa. Trong khi mọi người đang mừng rỡ thì bà cụ khiến không khí chùng lại khi nói rằng theo các bô lão trong thôn, hồi Thế chiến thứ II, quân Nhật kéo đến chiếm Nam Kinh, chúng đã chọn đỉnh Lão Tử Sơn làm nơi đặt trận địa pháo. Nhà giam cùng nhiều ngôi mộ cổ trên đó, trong đó có lăng mộ tổ họ Hồ đều đã bị san ủi.

Đứng trên đỉnh núi nay chỉ còn là bãi đất hoang cây cỏ mọc đầy, ông Truật thắp hương gieo quẻ Kinh dịch, hỏi di hài nhà vua còn ở đây không thì quẻ trả lời còn nhưng không tìm được nữa. Ông Truật bốc lấy hai nắm đất trên đỉnh, gói lại vào tấm vải mang về. Khi tới Bắc Kinh mở ra, thật kỳ lạ khi nắm đất nhìn giống như hình đầu người. Hai nắm đất đó sau này đã được đưa về đặt trên bàn thờ của dòng họ Hồ ở Việt Nam.

______________________

Kỳ sau: Đi tìm dấu tích của 'Thần cơ' Hồ Nguyên Trừng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm