QUẢNG NAM:

Gian nan nghề săn trầm

Tiếng bia khui rộn xóm. Tiếng bàn tán xôn xao. Cảnh nhân viên ngân hàng đưa ôtô đến chở tiền đi gửi giùm người dân… Đó là những gì chúng tôi được “mục sở thị” tại Đại Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam) sau khi chín người dân ở hai thôn Nghĩa Tây và Nghĩa Tân trúng kỳ nam.

Một đêm thức giấc thành tỉ phú

Hôm đó, nhóm săn của anh Võ Tuấn “hốt” được lộc trời cho chỉ sau một ngày chính thức bước chân vào rừng An Khê (Gia Lai). Khi đi được 30 km từ đường chính vào rừng, nhóm phát hiện một lượng lớn kỳ nam. Một gốc cây dó trụi lủi, gục đổ hiện trước mắt họ. Anh Tuấn nhớ lại: “Vừa rớt xe xuống đường chính thì anh em chúng tôi tản ra thành từng xâu lặn vào rừng. Phát hiện ra kỳ nam, tôi muốn xỉu luôn vì nghĩ đến đống tiền mình sắp có được”.

Gian nan nghề săn trầm ảnh 1

Người dân phát quang chuẩn bị làm đường nhờ tiền đóng góp của người trúng trầm. Ảnh: LÊ PHI

Theo luật của dân đi trầm, người săn phải đi thành từng nhóm, trong đó có một trưởng nhóm. Đến rừng, nhóm tách thành từng xâu (2-3 người) bạt rừng, tìm trầm. Nếu ai phát hiện được trầm thì cả nhóm chia thêm cho một suất. Thành ra, nhóm của anh Tuấn đi chín người nhưng chia thành 10 suất là vậy. Sau khi trúng đậm trầm, mọi người đã kéo nhau về Quảng Nam và liên hệ với một trùm buôn trầm ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) ra xem hàng. Sau khi thỏa thuận giá, họ nhận được 30 tỉ đồng.

Được biết, cả xã Đại Nghĩa mỗi năm có hàng ngàn người đi săn trầm. Lúc nông nhàn, có khi cả làng kéo nhau thành hàng chục nhóm với số lượng lên tới 500-700 người. Họ tạt vào các khu rừng rậm, rừng già ở các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam… để “ăn” trầm. Có người may mắn sau một lần đi cũng trúng cả vài trăm triệu đồng, chẳng mấy chốc mà đổi đời. Cũng vì dân trong xã đi trầm nhiều mà manh nha ra các thương lái có vốn vài chục tỉ đến cả trăm tỉ đồng, chuyên thu mua hàng của những nhóm săn trầm này. Những người này cũng mau chóng phất lên vì ăn tiền chênh lệch từ việc mua bán trầm.

Ông Cao Văn Nhạc, Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, cho biết: Trong tháng 8 vừa qua cả xã đi tới ba đợt. Trong đó, đợt đầu là nhóm của ông Võ Tuấn gồm chín người đã trúng kỳ nam 30 tỉ đồng. Đợt hai với 15 người đi, lại trúng tiếp 11 tỉ đồng. Đợt cuối cùng là nhóm gồm 30 người thì trúng 3 tỉ đồng. Riêng nhóm đầu, số tiền trúng bằng 1/4 thu nhập của xã trong vòng một năm.

Kẻ trúng, người vỡ nợ

Ngày trước, dân đi trầm chủ yếu lấy trầm nổi trên mặt đất. Nhưng hiện nay, họ thường săn trầm chìm. “Săn trầm chìm cho giá trị cao hơn vì chất lượng tốt hơn” - anh Tuấn nói. Theo những người đi trầm thì kỳ nam cũng là trầm nhưng đây là trầm loại một, có chất lượng tốt hơn và trị được nhiều bệnh hơn, bởi nó có thời gian tụ trầm lâu hơn, trải qua hàng trăm năm.

Gian nan nghề săn trầm ảnh 2

Anh Nguyễn Sấm (bìa trái) cùng con trai (đứng) trúng 6 tỉ đồng tiền kỳ nam. Ảnh: LÊ PHI

Khi phát hiện ra cây dó rục xuống, người săn trầm sẽ đào xuống và lân theo rễ cây dó để ăn kỳ nam. Mỗi cây dó như thế có khi rễ dài 200 m. Vì thế, việc đào lấy này cũng đòi hỏi sức và sự kiên trì, có khi tìm mãi mà không ra. Nhiều lúc, cùng một cây dó nhưng nhóm trước lấy kỳ nam không được, nhóm sau lại tìm thấy.

Dân săn trầm tin rằng mỗi lần trúng trầm thì sẽ có người phải chết thế mạng.

Không phải ai đi trầm cũng trúng. Có người nghèo lại thêm túng vì lỗ nặng do vay tiền làm vốn để đi săn trầm cả tháng trời. Anh Văn Hùng ở thôn Nghĩa Tây cho biết: “Mỗi chuyến đi ăn trầm bọn tui phải lận lưng cả chục triệu bạc. May mắn thì phát tài còn không thì vỡ nợ, cũng có người bỏ mạng chốn rừng thiêng nước độc vì trầm. Tui cả đời đi săn trầm mà chưa trúng lần nào, chỉ gánh thêm nợ”.

Anh Nguyễn Sấm kể mình đi trầm đã trên 20 năm nhưng hầu hết là thất bát và đổ nợ. Chỉ đến khi ông trời gọi tên, anh mới trúng đậm 6 tỉ đồng. Anh nói hồi đầu, mục đích săn trầm của anh là kiếm tiền chữa bệnh tim cho con gái. Đến năm 2005, con gái anh được những tấm lòng hảo tâm khắp nơi giúp đỡ và ca mổ tim thành công. Cũng vì thế mà khi trúng trầm, anh đã đến UBND xã Đại Nghĩa để góp tiền vào quỹ người nghèo, quỹ học tập và giúp đỡ những ai có con bị bệnh tim.

Trúng trầm thì đổi mạng

Người Đại Nghĩa quan niệm ăn của rừng rưng rưng nước mắt và giàu đột ngột thì khó mà bền. Thường khi trúng kỳ nam, họ đem tiền kiếm được làm nhiều chuyện tình nghĩa. Hầu như anh em họ hàng, làng xóm, người trong thôn xã đều được chia lộc.

Chẳng hiểu trùng hợp thế nào mà dường như mỗi khi trong làng có người trúng trầm thì nhất định sẽ có người chết bất đắc kỳ tử, cứ như để đổi mạng cho trầm. Như nhóm anh Tuấn trúng 30 tỉ đồng thì có tới hai người đổi mạng. Anh Sấm nhớ lại: “Trước khi bọn tui trúng thì có một nhóm 15 người đã đi săn trầm đến khu vực rừng già của An Khê (Gia Lai) trước. Khi đang chia xâu để săn trầm thì có người bị sét đánh chết trong rừng nên họ phải về”. Anh Sấm nói người chết có gia cảnh rất nghèo, đi trầm mãi mà chưa trúng nên nợ nần chồng chất. Sau khi người này chết được vài ngày, lại có một người khác chết rất kỳ lạ, đang làm việc bình thường bỗng lăn ra chết.

Gian nan nghề săn trầm ảnh 3

Bộ mặt mới ở thôn Nghĩa Tây khi nhiều người trúng đậm kỳ nam. Ảnh: LÊ PHI

Người dân Đại Nghĩa tin vào một lời nguyền nào đó, rằng khi người trong làng trúng trầm thì cũng là lúc trong thôn có vài mạng người phải ra đi. Đó là sự hoán đổi tính mạng và tiền bạc. Bởi thế, người trúng trầm thường bỏ rất nhiều tiền để làm việc nghĩa, như làm đường bê tông, cho người già tiền chúc thọ, góp vào quỹ người nghèo, giúp làng đóng ghe đua vào mùa nước lũ…

Theo luật của dân trầm, mọi người đi phải gắn kết với nhau, nhất quyết không được sinh sự, hám lợi, hại nhau. Họ tin trong rừng già thường có những lời nguyền bí hiểm khiến bạn bè cùng đi trầm tự sát hại lẫn nhau vì mờ con mắt khi trúng trầm. Rừng già sẽ bắt tội và chuyện không lành sẽ xảy ra. Vì thế, quy luật muôn đời của dân săn trầm là ai phát hiện ra trầm thì được hưởng thêm một phần. Người phát hiện ra trầm thì gọi anh em cùng đến lấy rồi chia đều nhau, không được tham ăn mà bị quả báo, chết không nhắm mắt. Một luật ngầm nữa là khi thấy kỳ nam, người thấy cũng phải lấy vừa chừng, đặng chừa phần lại cho người đi sau lấy tiếp, không được quá tham lam mà phải trả giá.

“Đi cả ngày, chia thành từng tốp để tìm kỳ nam nhưng đến tối về thì cả nhóm phải tụ tập với nhau ở một chỗ hẹn trước. Ai tách ra là nhất định sẽ có chuyện không hay. Ngoài việc sợ động vật hung dữ, anh em còn phải đề phòng giang hồ thanh trừng lẫn nhau” - anh Võ Lanh, một người trúng trầm, chia sẻ.

LÊ PHI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 160)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm