Nghề dựng tiếng nói của người chết

"Nghề giám định pháp y hình sự chúng tôi có lẽ ít người yêu thích, thậm chí nhiều người xa lánh vì ngại những phức tạp, độc hại "dính" vào người trong quá trình làm nhiệm vụ" - Thiếu tá Nguyễn Đăng Hòa, Đội trưởng Đội Giám định pháp y, Công an Nghệ An trải lòng.

Trong một báo cáo tại hội nghị điển hình do Công an Nghệ An tháng 9/2009, anh chia sẻ: Như tỉnh Nghệ An, mỗi năm xảy ra khoảng 2.000 vụ hình sự thì có khoảng 250 vụ có người chết chưa rõ nguyên nhân, trong đó số vụ giết người do nguyên nhân xã hội khoảng 40-50 vụ. Nhiều vụ đối tượng gây án sau khi giết chết nạn nhân đã tìm cách thủ tiêu hoặc tạo hiện trường giả, xóa dấu vết hòng đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Giám định pháp y là một việc quan trọng trong điều tra hình sự, thường tiến hành ngay sau khi phát hiện vụ án, phát hiện tử thi, kết hợp với khám nghiệm hiện trường để tìm ra dấu vết, chứng cứ khoa học.

Trong nhiều vụ án, cán bộ giám định đứng trước tình huống khó khăn trước khi đưa ra kết luận bởi kết luận giám định giữ vai trò quan trọng góp phần xác lập chứng cứ, mở hướng điều tra, làm cơ sở xử lý sau này, không thể kết luận khi thiếu căn cứ.

Vụ án xảy ra tại xã Quỳnh Trang, Quỳnh Lưu, Nghệ An là ví dụ, nạn nhân chết nằm giữa vùng rừng núi rậm rạp, ít người lại qua nên rất khó để xác định di biến động của nạn nhân trước khi chết. Khi vụ án được phát hiện, hiện trường đã bị xáo trộn nên rất khó để xác định đâu là hiện trường chính, đâu là hiện trường phụ, số đối tượng gây án, hung khí gây án.

Việc giám định pháp y được tiến hành ngay tại hiện trường, tại nơi xảy ra án mạng. Quá trình giám định, các giám định viên khai thác tối đa thông tin từ dấu vết để lại trên tử thi như các vết va đập ở vùng đầu, ngực. Những dấu vết để lại này cho thấy, nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân là do xương hộp sọ, màng cứng và tổ chức não. Hung khí gây ra cái chết là vật sắc, nạn nhân bị chết sau bữa ăn cuối cùng khoảng 3-4 giờ. Nơi phát hiện ra tử thi chính là hiện trường gây án. Hung thủ gây án thuận tay phải và chỉ có một đối tượng gây án, không có đồng phạm.

Nghề dựng tiếng nói của người chết ảnh 1

Gian nan nghề giám định pháp y

Với những cơ sở như vậy, cơ quan điều tra nhanh chóng khoanh vùng và ít ngày sau đã xác định hung thủ gây án, đối tượng khai nhận toàn bộ hành vi, phù hợp đánh giá kết luận của giám định pháp y.

Có vụ, chính kết quả giám định là tiếng nói khách quan đánh bật sự gian dối trong khai báo nhận tội của bị can. Hung thủ gây án giết người nhưng khi triệu tập lên cơ quan điều tra lại vòng vo, cho rằng nạn nhân chết do tai nạn vì cả hai không may bị ngã. Vụ việc diễn ra trong đêm hay nơi vắng người, không có ai chứng kiến nên không thể thu thập thêm lời khai của người biết việc nào.

Vụ án xảy ra tại Nam Đàn, Nghệ An là ví dụ: sau khi dự đám cưới về, anh Nguyễn Kim Nam, sinh năm 1956, trú tại Nam Đàn vào nhà Nguyễn Kim Thiều uống rượu. Đến 12 giờ cùng ngày, Nguyễn Kim Thiều hốt hoảng chở Nguyễn Kim Nam tới bệnh xá cấp cứu. Theo trình bày của Thiều thì do khi dự đám cưới, anh Nam uống quá nhiều rượu nên bị say và ngã đập đầu vào cửa, thấy bạn bị vậy nên Thiều chở đi cấp cứu. Sơ cứu tại bệnh xá không có tiến triển, anh Nam được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Các bác sỹ xác định bị chấn thương sọ não và một thời gian sau, anh Nam tử vong. Quá trình này, Nguyễn Kim Thiều một mực khai Nam chấn thương sọ não do uống rượu say, tự ngã, nhiều người thân trong gia đình anh Nam cũng có suy nghĩ tương tự.

Tuy nhiên, Công an huyện Nam Đàn qua kiểm tra các dấu vết, cho rằng có tính chất một vụ án mạng. Quyết định trưng cầu giám định pháp y được thực hiện. Đội Giám định pháp y Công an tỉnh kiểm tra, giám định các dấu vết tử thi, xác định nguyên nhân dẫn tới cái chết của anh Nam là do chấn thương gây vỡ hộp sọ và xuất huyết não. Việc vỡ hộp sọ là do một vật tày tác động mạnh chứ không phải do tự ngã, không phù hợp với sự va đập do say rượu tự ngã.

Từ kết luận giám định, cơ quan điều tra tiếp tục đấu tranh với Nguyễn Kim Thiều, cuối cùng Thiều phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đã gây ra cái chết của anh Nam. Trong quá trình dự đám cưới, hai bên uống rượu và xảy ra mâu thuẫn, quá trình xô xát, Thiều đã tấn công, xô Nguyễn Kim Nam đập mạnh đầu vào cửa, sau đó đi cấp cứu thì tử vong.

Trong kỹ thuật giám định pháp y thì việc giám định gen là hình thức giám định hiện đại và cần thiết trong các trường hợp không thể xác định danh tính nạn nhân do thi thể bị biến dạng, hoặc để xác định bộ phận cơ thể với phần còn lại có đúng là của một người, giám định để xác định huyết thống… Trong nhiều trường hợp, kết luận giám định gen không có nhiều ý nghĩa trong khám phá vụ án, nhưng nó vẫn rất quan trọng giúp cơ quan điều tra hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt giúp gia đình nạn nhân tìm được đủ các bộ phận thi thể sau khi nạn nhân bị sát hại.

Trong vụ án "xác chết không đầu" ở Nam Trung Yên, Hà Nội, hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa đã vứt phần đầu của nạn nhân tại sông Cấm, Quảng Ninh. Mặc dù trong trường hợp không tìm thấy phần thi thể này cũng không ảnh hưởng đến tiến độ và sự chính xác trong điều tra vụ án, nhưng cơ quan điều tra vẫn coi việc truy tìm phần còn lại để củng cố lời khai bị can và là trách nhiệm của mình với gia đình nạn nhân.

Sáng ngày 7/6, một người đi bắt cáy đã phát hiện túi nilon bên trong có chứa một hộp sọ người cùng váy áo tại cánh đồng xã Hưng Đạo (huyện Đông Triều, Quảng Ninh), nghi là của nạn nhân Nguyễn Phương Linh trong vụ án tại G4 Trung Yên. Lập tức, phần thi thể này được đưa đi giám định nhằm có kết luận khoa học: có đúng là phần thi thể của nạn nhân Nguyễn Phương Linh. Bằng kết quả giám định gen, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã gửi kết quả giám định đến cơ quan điều tra và  nạn nhân, khẳng định hộp sọ được tìm thấy sáng 7/6/2010 đúng là của Nguyễn Phương Linh. Việc có kết quả giám định cũng củng cố lời khai của bị can về việc phi tang phần cơ thể nạn nhân như đã khai trước đó tại cơ quan điều tra.

Theo Đăng Trường (ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm