Những người làm nên huyền thoại - Bài 2: Phút giây bất tử

Người tạc nên khúc tráng ca bi hùng và huyền thoại ấy chính là anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu, chính trị viên trên con tàu Không Số mang bí số 645.

Trong cái chết cận kề

“Đã hơn 40 năm trôi qua, hình ảnh người chính trị viên thân thương vẫn in đậm trong tim tôi”. Trong nước mắt, ông Lê Hà, thuyền trưởng tàu 645, người có mặt trên con tàu huyền thoại năm ấy, bắt đầu câu chuyện về cuộc đời anh hùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu.

Ngày 23-4-1972, con tàu mang mật danh 645 chở 70 tấn đạn cối cá nhân và một tấn thuốc nổ TNT cùng hàng hóa khác, hải trình từ Bắc tới vùng biển Phú Quốc. Do địch phòng bố kiểm soát liên tục nên tàu phải chuyển hướng đi về phía đảo Cô Công (Campuchia), cách Phú Quốc chừng 60 hải lý, chờ khi trời tối sẽ cập bến. Lúc 2 giờ chiều, tàu nhận được điện của sở chỉ huy báo về: “Đêm nay sẽ có thuyền đón ở mũi Cà Mau”. Nhưng đến 5 giờ, tàu lại nhận điện “Bến động”, buộc tàu quay ra hải phận quốc tế vòng tránh và giả vờ làm ngư dân đánh cá.

7 giờ tối 23-4, khi các thủy thủ đang chờ mệnh lệnh từ sở chỉ huy và sẵn sàng cập bến thì bỗng xuất hiện một tàu khu trục từ vịnh Thái Lan lao tới. Tàu khu trục rọi đèn pha sáng rực, đánh tín hiệu hỏi: “Tàu từ đâu đến và đi đâu?”. Tàu 645 trả lời: “Tàu từ Trung Quốc xuống, bị lạc”. Địch phát tín hiệu dừng tàu. Tàu 645 lập tức tăng tốc chạy ra hướng biển Đông để thoát khỏi tầm truy đuổi của kẻ thù. Ngay lập tức địch gọi máy bay bắn pháo sáng. Trong ánh pháo sáng chói lòa, tàu 645 đã nhìn rõ phía trước có ba tàu địch. Tàu 645 vẫn giữ tốc độ tiến nhanh ra vùng biển quốc tế. Chiếc khu trục 04 của đối phương vẫn bám sát, tăng tốc tối đa với ý đồ bắt sống tàu 645.

Những người làm nên huyền thoại - Bài 2: Phút giây bất tử ảnh 1

Cận cảnh một con tàu Không Số. Ảnh: TƯ LIỆU

Tình thế vô cùng gay cấn, quyết không để rơi vào tay địch, thuyền trưởng Lê Hà và chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu bình tĩnh chỉ huy các thủy thủ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nếu cần thì hủy tàu và hy sinh.

Giữa biển khơi, hai con tàu vờn nhau đến 5 giờ sáng 24-4. Khi trời sáng rõ, địch đã xác định được tàu 645 là tàu “Bắc Việt giả dạng”, chúng lập tức dùng loa dụ hàng.

Các chiến sĩ trên tàu lờ đi.

Thấy gọi hàng không kết quả, địch nổ súng uy hiếp. Từng loạt đạn như mưa xối xả rơi trước mũi tàu 645.

Vẫn không ép được tàu 645 dừng lại, địch bắt đầu bắn nhiều loạt đạn liên thanh 14 ly 5 thẳng vào tàu ta, gây thương vong cho một số thủy thủ. Tàu 645 vẫn kiên cường tăng tốc, dù một số quả đạn pháo lớn của địch bắn giữa thân tàu, làm thủng lỗ chỗ.

Trước tình thế đó, chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu quyết định nổ súng chống trả quyết liệt. Các loại súng B40, B41, 12 ly 8 của ta hướng nòng về phía tàu địch đồng loạt nhả đạn. Lúc này địch tập trung hỏa lực đánh trả rất ác liệt. Bốn thủy thủ San, Lân, Giang, Thẻ lần lượt trúng đạn và hy sinh. Một số anh em khác bị thương. 9 giờ sáng 24-4, tàu ta vừa cơ động ra xa, vừa đánh trả quyết liệt.

“Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”!

Khoảng 11 giờ, một quả đạn lớn trúng vào xích lái, tàu ta không còn điều khiển được nữa phải chạy vòng tròn. Khi biết tàu hỏng lái không thể cơ động được nữa, Nguyễn Văn Hiệu đề nghị thuyền trưởng Lê Hà và ra lệnh cho anh em khoác áo phao nhảy xuống biển bơi vào bờ nhằm bảo toàn lực lượng. Còn anh xin ở lại điểm hỏa bộc phá hủy tàu phi tang vũ khí hàng hóa.

Những người làm nên huyền thoại - Bài 2: Phút giây bất tử ảnh 2

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Ảnh: TƯ LIỆU

Chiến sĩ hàng hải Thẩm Hồng Lăng cũng xung phong ở lại cùng chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu. Khi các thủy thủ đã xuống nước, anh Hiệu và anh Lăng nán lại thu tập tài liệu để hủy. Khi hai anh đã khoác áo phao định xuống cùng đồng đội thì phát hiện một tình huống vô cùng nguy hiểm, tất cả 15 thủy thủ đều bị thương, mọi người đang cố sức cụm lại một khối dìu nhau mà bơi.

Chiếc tàu mất lái cứ chạy vòng tròn, có lúc tiến đến gần anh em thủy thủ đang bơi, lúc dạt ra xa. Trong giây phút hiểm nghèo, anh Hiệu nghĩ: Nếu hủy tàu gần vị trí các thủy thủ đang bơi thì vô cùng nguy hiểm, có thể tất cả sẽ hy sinh. Phải cho tàu cách xa anh em ở khoảng cách an toàn. Mình sẵn sàng hy sinh, còn anh em phải sống…

Nghĩ vậy, chính trị viên Hiệu cố gắng lái tàu xa dần vị trí các thủy thủ. Lúc này trên tàu chỉ còn Hiệu và chiến sĩ hàng hải Thẩm Hồng Lăng. Ánh mắt người chính trị viên vốn bình thường đầy nghiêm khắc, lúc này bỗng dịu dàng thân thương đến lạ kỳ. Anh nói với Lăng, nửa như ra lệnh, nửa như khẩn khoản: “Em còn trẻ, còn cống hiến được lâu, được nhiều hơn anh. Anh đã có vợ con, em thì chưa kịp có người yêu, thôi Lăng nhảy xuống biển bơi cùng anh em đi...”.

Ứa nước mắt thương người đồng đội, người chính trị viên của mình nhưng Lăng vẫn quyết không rời tàu, bởi anh không muốn để anh Hiệu một mình hy sinh. Lăng vờ như không nghe thấy, cứ lúi húi ngồi đốt hủy tài liệu trên boong tàu.

Những người làm nên huyền thoại - Bài 2: Phút giây bất tử ảnh 3

Viếng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu trong một chuyến công tác. Ảnh: TƯ LIỆU

Nói nhỏ không được, Hiệu quát to: “Đồng chí về báo cáo với đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và cho tôi gửi tới anh em lời chào chiến thắng”, rồi bất ngờ anh lao tới đẩy Lăng xuống biển. Chới với giây lát, từ dưới biển nhìn lên, Lăng vẫn thấy rõ anh Hiệu đang quay lưng lại, chậm rãi bước về phía cột cờ, nơi cao nhất của con tàu, nơi để đoạn dây điện nối với kíp điểm hỏa bộc phá.

Khi Lăng đã nhập được vào gần tốp anh em bơi trên biển, khi vị trí con tàu ở xa đồng đội nhất, Nguyễn Văn Hiệu giật dây kíp nổ tàu.

Một ánh chớp lóe lên kèm tiếng nổ long trời lở đất. Một cột lửa đỏ cùng với cột sóng cao hàng chục mét dựng đứng giữa biển xanh. Những mảnh vỡ của con tàu văng tung tóe sang cả chiếc khu trục của địch đang hằm hè gần đó làm bọn địch trên tàu kinh hồn bạt vía.

Tàu 645 thân yêu cùng người Trung úy chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã hy sinh kiên cường như thế. Lúc đó là 11 giờ 30 ngày 24-4-1972.

15 thủy thủ sau khi nhảy xuống biển bơi được một đoạn dài đã bị địch dùng trực thăng và tàu quây bắt. Chúng đem các anh về Sài Gòn nhốt tại khám Chí Hòa, người thì bị giam tại nhà tù Phú Quốc.

Năm 1973, sau Hiệp định Paris, 15 chiến sĩ được trao trả.

Vòng tay cuối cùng

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu người xã Thăng Phương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Năm 1951, ông rời gia đình vào vệ quốc quân rồi tập kết ra Bắc đi học và công tác tại xí nghiệp đánh cá Hạ Long. Đầu năm 1962, ông Hiệu xin trở lại quân ngũ và được điều về Đoàn 125 Hải quân chiến đấu. Suốt 10 năm chiến đấu trên Đoàn tàu Không Số, ông Hiệu từng chỉ huy con tàu vượt biển 13 lần thành công, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí vào Nam.

Tháng 3-1972, trước ngày vượt biển, ông xin đơn vị về thăm vợ con ba ngày. Đứa con trai cả của ông lúc ấy 14 tuổi cứ nhìn bố trân trân. Dù thời gian giành cho vợ con ngắn ngủi nhưng ông vẫn ra chợ mua giấy dầu lợp lại mái nhà đã dột và xin sẵn cho vợ con can dầu ma-dút để nấu cơm. Ông bảo vợ: “Lần này bố đi xa, không biết ngày nào mới về. Em ở nhà chăm sóc con nhé”. Ôm vợ và bốn con trong vòng tay, nước mắt ông lăn dài. Quay sang cậu con trai cả, giọng ông nghèn nghẹn: “Con là anh lớn, ở nhà phải chăm sóc các em và đỡ đần cho mẹ”… Rồi ông bước xuống tàu 645.

Hơn một tháng sau, ngày 24-4-1972, ông đã làm nên huyền thoại bằng cái chết oai hùng.

MAI TUẤN CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm