Trong bài viết kỳ trước, chúng ta được biết người Pháp ngay từ đầu đã muốn biến khu vực quận Nhất thành trung tâm TP Sài Gòn với những công sở và dinh thự đi kèm.
Đường to, nhà cao
Đặc trưng rất rõ đường phố ở đây là rộng lớn. Không phải chỉ là phố, là đường mà còn có những con đường lớn được gọi là đại lộ. Đại lộ Trần Hưng Đạo nối từ Sài Gòn vào Chợ Lớn. Đại lộ Hai Bà Trưng nối quận Nhất với Phú Nhuận. Chuỗi ba đại lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Hàm Nghi khép kín tạo thành một “tam giác vàng” với cơ man công trình cho mục đích kinh doanh mọc kín xung quanh. Những quận khác may ra có được một vài đại lộ trong khi quận Nhất có số đại lộ vượt trội hơn hẳn. Cũng do mật độ giao thông dày đặc, đường phố nhiều nên cũng là quận có số bùng binh hơn hẳn các quận khác. Phần lớn ngã tư đều có đèn giao thông hoặc cảnh sát điều tiết.
Không thể đếm xuể những dinh thự, tòa nhà to lớn nơi đây. Sau dinh Norodom (dinh Độc Lập, Hội trường Thống Nhất sau này) còn có dinh Thống đốc (dinh Gia Long, Tối cao Pháp viện, Bảo tàng Lịch sử TP sau này), một công trình thiết kế mang phong cách phục hưng - hiện đại với những hàng cột lớn. Dinh Xã Tây (Tòa Đô chính, UBND TP) với những tượng và phù điêu hoa văn trang trí cầu kỳ ở mặt tiền mất đến 25 năm tranh luận và xây dựng mới xong và một thời cũng được xem là biểu tượng của Sài Gòn. Kiến trúc sư Foulhoux, người thiết kế dinh Xã Tây đã thiết kế Tòa án Sài Gòn (Pháp đình Sài Gòn, TAND TP), một công trình rộng với nhiều tòa nhà độc lập liên kết nhau. Con đường đi qua tòa án vì vậy được đặt tên là Công Lý cho phù hợp. Phía bờ sông là tòa nhà trụ sở thuế và hải quan, Cục Hải quan TP). Từ đây đi tiếp theo bờ sông qua bến Chương Dương là “phố Wall của Sài Gòn” với những tòa nhà ngân hàng to lớn sừng sững nối tiếp nhau soi bóng xuống dòng kênh…
Một góc trung tâm quận Nhất xưa.
Trung tâm thương mại
Quận nhất là quận trung tâm, lại nằm sát bờ sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé, vốn là nơi thuyền bè chở hàng đặc trưng cho giao thông đất phương Nam. Chúng ta không ngạc nhiên khi ngay sát nơi trung tâm phồn hoa đô hội như quận Nhất lại có chợ Cầu Muối, là chợ đầu mối rau quả lớn với các hoạt động buôn bán, vận chuyển phân phối hàng nông sản rầm rập từ 3 giờ sáng đến gần như suốt cả ngày. Chỉ cách chợ Cầu Muối chưa đầy 500 m là chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn, quá nổi tiếng đến mức không cần phải nói nhiều. Chếch độ 300 m trên đường Hàm Nghi là chợ Cũ. Còn nơi này vốn do nhiều người Hoa sinh cơ lập nghiệp nên bán rất nhiều hàng hóa và món ăn người Hoa, nổi tiếng như món cơm thố. Gọi là chợ Cũ nhưng quanh đó (khu Hàm Nghi) lại bán đồ mới, đồ “xịn”, là các hàng nhu yếu phẩm nhập khẩu mắc tiền. Nguyên do đây là chợ có rất lâu ở Sài Gòn, sau khi bị cháy, chính quyền Pháp xây chợ mới (Bến Thành) gần đó nên dân gọi chợ Cũ để phân biệt.
Năm 1967, người dân Sài Gòn hoan hỉ khi siêu thị đầu tiên được xây dựng. Giới trung lưu được tiếp xúc với loại hình phục vụ kiểu mới vốn chỉ có ở nước ngoài. Cần lưu ý rằng thời điểm đó ở thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng chưa triển khai mô hình này, trong khi một TP thời chiến như Sài Gòn đã có.
Trung tâm giải trí
Tôi đã bỏ công thử liệt kê lại các rạp chiếu phim và rạp hát tại Sài Gòn, có thể còn một vài thiếu sót do thay đổi theo từng thời kỳ nhưng số liệu cơ bản là chính xác: Trước năm 1975, toàn bộ Sài Gòn có 68 rạp, chỉ riêng quận Nhất đã có tới… 41 rạp. Một tỉ lệ thật khủng khiếp.
Cái thời chưa có Internet, video, truyền hình còn chưa đa dạng, giải trí với người dân chủ yếu là phim ảnh và ca nhạc, sân khấu. Cứ mỗi khi chiều buông, không cứ gì cuối tuần, dòng người từ các quận khác sau một ngày nóng nực, lao động mệt nhọc cứ như nước chảy chỗ trũng ùn ùn đổ về trung tâm quận Nhất.
Mỗi rạp tự phân cấp ra để phục vụ riêng đối tượng, ví dụ như rạp Long Phụng chỉ chuyên chiếu phim Ấn Độ mà người bình dân thích xem. Rạp Đồn Đất của Trung tâm Văn hóa Pháp chỉ chiếu phim Pháp không phụ đề tiếng Việt, chủ yếu phục vụ Pháp kiều. Rạp Đại Nam sang trọng nhất, vé giá cao, chiếu phim mới nhất rồi sau mới đưa qua rạp khác. Rạp Lê Lợi chuyên chiếu phim cũ nhưng là những phim hay, kinh điển, chỉ chiếu mấy ngày rồi chiếu qua phim khác. Rạp Cầu Muối chuyên hát bội, rạp Lê Lai là nơi diễn chính của Đoàn cải lương Kim Chung từ Bắc di cư vào Nam nên còn có tên là Chuông vàng Thủ đô…
Cụm rạp đầu tiên được giới thiệu là Rex, bên cạnh rạp Rex chính sức chứa cả ngàn người và đưa vào sử dụng thang cuốn đầu tiên tại Việt Nam, hai cụm rạp Mini Rex sức chứa ít hơn, chỉ 150-200 người, được quảng cáo có các trang thiết bị hiện đại nhất Việt Nam lúc đó.
Ngoài ra còn có các phòng trà, một hình thức điểm ca nhạc cho giới trung lưu và thượng lưu, tuy ít khán giả nhưng tại đây nhiều giọng hát đã thành danh. Khánh Ly, Thanh Thúy… cũng làm nên tên tuổi mình ở phòng trà. Sài Gòn có năm phòng trà nổi danh nhất là Queen Bee, Tự Do, Ritz, Maxim’s, Đêm Màu Hồng với các ban nhạc tên tuổi và các giọng ca ngôi sao thì hầu hết đều đặt tại quận Nhất.
Chốn ăn chơi
Theo nhật báo Tiền tuyến tại Sài Gòn số ra ngày 11-12-1969, ở miền Nam có nửa triệu lính Mỹ. Lính Mỹ được trả lương khá cao, ngoài việc được chu cấp cuộc sống, một binh nhì mới toanh có mức lương 90 USD/tháng để tiêu vặt (tính ra khoảng 700 USD hiện nay), hạ sĩ quan và sĩ quan lương còn cao hơn nhiều. Thời chiến sống nay chết mai không biết chừng, thậm chí cái chết có thể đến ngay tại hậu phương như Sài Gòn nên lính Mỹ thường tiêu xài thoải mái số tiền này.
Một trong những loại hình dịch vụ cho lính Mỹ mà quân đội Mỹ và cả chính quyền miền Nam không thể đáp ứng được là nhu cầu tình dục. Đó là lý do các vũ trường và các snack - bar (gọi tắt là quán bar) mọc lên như nấm, nhất là quanh các cư xá Mỹ và khu vực trung tâm quận Nhất. Lính Mỹ sau những trận đánh hoặc tới hạn được nghỉ phép về Sài Gòn thư giãn, đi mua sắm, xem phim, rồi kéo nhau vào vũ trường, bar giải trí. Vũ trường, bar không phải bãi đáp mà chỉ là nơi gặp gỡ. Lính Mỹ sau khi khiêu vũ, uống vài ba ly bắt chuyện, lúc đó sẽ chọn bạn tình một đêm, rồi cả hai kéo nhau đi khách sạn hay về nhà trọ… Nhu cầu cao đến mức các quán bar mở lên kế tiếp nhau mà vẫn thường xuyên đăng bảng tuyển chiêu đãi viên.
Sau năm 1954, hàng loạt cao ốc đã thi nhau mọc lên chủ yếu ở quận Nhất để đáp ứng yêu cầu thời cuộc. Một số công trình kiểu Pháp cổ đã bị đập bỏ để xây dựng cao ốc theo phong cách hiện đại. Từ một quán cà phê ban đầu bị đập bỏ, kiến trúc sư Nguyễn Văn Hòa đã thiết kế nên khách sạn sang trọng Caravelle với 10 tầng, được xem là tòa nhà cao nhất Sài Gòn ở thời điểm năm 1957. Kỷ lục này rồi cũng lần lượt bị phá bỏ bởi các cao ốc khác như khách sạn Palace trên đường Nguyễn Huệ khai trương năm 1971 với 14 tầng, rồi đến tòa nhà số 8 Nguyễn Huệ (tòa nhà Imexco sau này) khai trương năm 1974 với 12 tầng (tuy ít tầng hơn khách sạn Palace nhưng chiều cao lại hơn). |