Ra khơi săn tôm hùm

Gió mạnh, sóng lớn giữa biển đêm chính là thời điểm tôm hùm con dạt vào càng nhiều.

Mỗi đêm thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng

Ngày trước, từ trung tâm TP Qui Nhơn phải mất hơn cả tiếng đi ghe mới đến được thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải. Nhưng nay người dân quanh vùng có thể điều khiển xe máy trên một con đường băng núi rất dễ dàng. Cũng như người dân đảo Nhơn Lý, người dân bán đảo Phương Mai vẫn cứ ngỡ như mơ kể từ khi cây cầu bắc ngang qua biển, nối liền khu kinh tế Nhơn Hội được khánh thành.

Ra khơi săn tôm hùm ảnh 1

Theo chân bác xe ôm, chúng tôi thẳng tiến đến làng chài xã Nhơn Hải trên con đường dọc theo quả núi. Từ trên cao có thể ngắm toàn cảnh thành phố rất đẹp dưới khí trời dìu dịu. Đến nơi, chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi một màu xanh trong vắt. Biển xanh, rừng xanh, chỉ có làng chài lọt thỏm chính giữa. Trước mắt chúng tôi là một làng chài khá khang trang, bề thế.

Nghề chính thống của người dân Nhơn Hải là nghề mành đèn (mành lưới đèn) để đánh bắt hải sản gần bờ. Vì thu nhập không cao nên cuộc sống của ngư dân chỉ đủ ăn. Năm 1993, cả làng phát hiện ra tôm hùm giống. Lần đầu bắt được giống tôm với hình thù hơi lạ, ngư dân chưa biết nó là giống tôm quí nên bán chỉ 5.000 -10.000 đồng/con. Năm 1999, nghề nuôi tôm hùm lồng thương phẩm phát triển mạnh ở Phú Yên, Khánh Hòa nên nhu cầu tìm con giống (tôm hùm con) rất cao. Đầu nậu lùng sục khắp nơi để mua tôm hùm giống. Đến lúc này, ngư dân Nhơn Hải mới biết được giá trị thật của những “chú tôm lạ”. Cả làng đổ xô đi săn bắt ở các bãi rạn, bãi san hô dọc bờ biển. Từ đó, “làn sóng” khai thác tôm giống hình thành.

Theo những người đi biển, mùa khai thác tôm hùm giống tự nhiên bắt đầu vào tháng 11, kéo dài đến khoảng tháng 2 năm sau (tập trung nhiều vào tháng 11). Ngư dân khai thác tôm bằng mành đèn và thả chà. Nghề săn bắt tôm hùm giống cũng là thử thách với ngư dân. Tôm hùm chỉ xuất hiện vào mùa sóng gió lớn. Để đến nơi khai thác tôm hùm phải mất khoảng một tiếng đồng hồ đi ghe, và phải bắt vào ban đêm, nên hành trình nhổ neo của ngư dân bắt đầu từ 1 giờ chiều. Đêm đến, hàng chục, thậm chí hàng trăm ghe giăng lưới, giăng đèn sáng cả bãi rạn. Tôm đẻ ngoài rạn khơi, mùa sóng lớn tôm con trôi dạt theo bọt nước, bám sát vào các gành đá, hoặc các rạn san hô. Ngư dân chong mành, bật đèn bình rọi sáng, tôm theo đèn bám vào mành.

Nhưng công việc không chỉ đơn giản vậy. Sau khi buông neo, thả mành và chong đèn, ngư dân phải thức để canh chừng. Cứ khoảng vài tiếng phải kéo mành lên để kiểm tra, đêm nào cũng phải kéo vài lần. Phần lớn ngư dân gắn bó với nghề khai thác tôm hùm phải quen với việc lấy đêm làm ngày, nếu không có sức khỏe, không quen việc thì khó bề bám trụ với nghề vì mùa tôm kéo dài nhiều tháng liền.

Hiện nay giá tôm hùm giống từ 180.000 - 200.000 đồng/con. Mỗi chuyến đi, có người bắt được khoảng 400-500 con, thu lợi từ 5 - 10 triệu đồng/chuyến.

Từ ngày phần lớn ngư dân trong làng chuyển nghề khai thác tôm mặt cọp, diện mạo làng chài đã thay đổi. Nhà cửa được xây cất khang trang. 100% con em làng chài được đến trường, học hành đến nơi đến chốn. Trước đó, cuộc sống khó khăn, trẻ em thường chỉ được học đến cấp 2. Tuy nhiên, thanh niên trai tráng trong làng cũng chỉ học đến lớp 9 thì theo cha chú đi biển.

Đối mặt với hiểm nguy

Theo vợ chồng anh Trần Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (cả gia đình đều khai thác tôm hùm) thì đây là một nghề rất nguy hiểm và lắm công phu. Tôm hùm thường tập trung ở các vỉa, rạn ven biển nhưng đặc biệt chỉ xuất hiện nhiều vào mùa đông. Thời điểm thiên nhiên càng khắc nghiệt cũng chính là lúc ngư dân lại dong thuyền ra khơi. Mưa càng to, trời trổ gió càng lớn, sóng giật càng mạnh thì tôm dạt vào càng nhiều. Nếu không cẩn trọng, ghe thuyền bắt tôm dễ bị sóng đánh va vào đá hoặc bị ghìm xuống dòng nước lạnh giữa biển đêm. Không riêng gì ở đây, mà ở nhiều nơi gắn bó nghề khai thác tôm hùm, đã có nhiều chiếc ghe mất tích, không tìm thấy xác.

Ra khơi săn tôm hùm ảnh 2

Tôm  hùm mang lại lợi nhuận cao

Những gia đình nào khó khăn thì chỉ đi khai thác bán ngay cho mối lái. Tuy nhiên, hiện nhiều người dân trong làng bắt đầu làm làng bè ương nuôi tôm hùm giống. Sau khi bắt được, đem về bỏ bè nuôi. Mỗi bè có chừng 20 - 30 lồng nhỏ. Mỗi lồng nuôi khoảng 50 -100 con. Bè nuôi tập trung thành từng cụm và chỉ nuôi trong khoảng từ nửa năm, khoảng 3 - 5 lần tôm lột xác là bán cho các trại nuôi chuyên nghiệp, bởi để nuôi thành phẩm thì rất lâu và tốn kém. Hơn nữa, muốn nuôi đến thành phẩm phải có vốn rất lớn để làm bè, làm lồng, cho ăn bằng thực phẩm sống, nhiều khi nước bị ô nhiễm, dịch bệnh không biết cách chăm sóc thì tôm chết, chịu lỗ nặng.

Những người khai thác và nuôi tôm đã bị hai đầu nậu cũng là dân cùng xã Nhơn Hải quỵt nợ số tiền lên đến 2,5 tỉ đồng. Họ thu gom tôm giống của ngư dân, sau đó không trả tiền, với lý do tôm chết khi chưa kịp bán cho các trại nuôi thương phẩm. Có nhiều gia đình lao đao, mất hết cả vốn liếng vì hai đầu nậu này. Được biết, đến nay các ngư dân vẫn chưa nhận được tiền hay phản hồi nào của họ dù đã làm đơn khiếu nại gởi các cơ quan chức năng.

Gác lại những nỗi bức xúc đó, vì cuộc sống, các ngư dân lại tiếp tục ra khơi để khai thác tôm hùm. Chiếc thuyền quá nhỏ bé, chông chênh của họ sẽ phải đối mặt với những cơn sóng biển “dữ dằn ”của đại dương mênh mông. Họ sẽ lại vui mừng khi những con tôm mặt cọp bé xíu bám vào mành lưới. Đâu đó, có nỗi lo về nguy cơ cạn kiệt nguồn tôm hùm giống.

Theo Mỹ Thanh (báo Công An TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm