Bình Định đòi lại thương hiệu rượu Bàu Đá

Những gia đình sản xuất rượu Bàu Đá truyền thống ở làng Bàu Đá, thôn Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn (Bình Định) đang tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng can thiệp để lấy lại thương hiệu rượu Bàu Đá do Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh sở hữu gần 10 năm nay. Công ty này có trụ sở tại Đà Nẵng và có cơ sở sản xuất tại Bình Định.

“Loạn” nhãn hiệu

Hiện nay, đi dọc quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Định, hầu như nơi nào cũng trưng bán rượu Bàu Đá. Tại tỉnh Bình Định còn có đến hàng trăm cơ sở kinh doanh rượu, họ vô tư đóng chai, dán nhãn hiệu Bàu Đá.

Ông Lê Hồng Thanh, chủ của một trong những gia đình nấu rượu Bàu Đá lâu đời nhất ở Cù Lâm Bắc, nói: “Hiện nay ở Cù Lâm Bắc còn 32 hộ nấu rượu Bàu Đá. Gia đình tôi là một trong những hộ nấu nhiều nhất nhưng mỗi ngày cao nhất cũng chỉ nấu được 30 lít rượu theo đúng công thức truyền thống, còn lại trung bình mỗi hộ chỉ 20 lít. Thế nhưng không biết họ lấy đâu ra mà chỗ nào cũng có rượu Bàu Đá”.

Nhiều người ở làng Bàu Đá cho biết phần lớn cơ sở bán rượu Bàu Đá ở Bình Định hiện nay không lấy rượu tại làng này mà chủ yếu họ mua các loại rượu gạo bình thường, giá chỉ bằng một nửa so với rượu Bàu Đá rồi đóng chai, dán nhãn, tung ra thị trường. Hiện nay rượu Bàu Đá tại thôn Cù Lâm Bắc bán tại chỗ với giá 13.000-15.000 đồng/lít. Trong khi đó, các loại rượu trôi nổi chỉ 6.000-8.000 đồng/lít. Do đó, người ta đua nhau mua các loại rượu trôi nổi này rồi dán nhãn Bàu Đá, bán với giá còn cao hơn cả rượu do người dân Bàu Đá chưng cất.

Bình Định đòi lại thương hiệu rượu Bàu Đá ảnh 1

Dọc quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Định có đến hàng trăm cơ sở bán rượu dán nhãn Bàu Đá. Ảnh: UYÊN THU

Vợ ông Thanh cho biết thêm: “Do thị trường có nhu cầu lớn, nhiều người chạy theo lợi nhuận đã sử dụng men bột Trung Quốc để nấu được nhiều rượu hơn men truyền thống. Tuy nhiên, họ vẫn cứ vô tư dán nhãn Bàu Đá rồi bán đi khắp nơi. Không chỉ khách phương xa mà ngay cả nhiều người dân Bình Định cũng rất khó phân biệt rượu thật và giả”.

Chưa có hướng giải quyết

Cuộc chiến đòi lại thương hiệu của người dân thôn Cù Lâm Bắc với sự trợ giúp của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định diễn ra dai dẳng hơn chín năm nay và càng ngày càng rối.

Sau nhiều năm đòi lại thương hiệu Bàu Đá từ Công ty Minh Anh không có kết quả, năm 2007 tỉnh Bình Định đã thành lập Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh rượu Bàu Đá để đơn vị này làm đại diện pháp nhân đứng ra đăng ký nhãn hiệu tập thể cho rượu Bàu Đá.

Bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Định, cho biết để hỗ trợ hiệp hội này, UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần có công văn đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa rượu Bàu Đá của Công ty Minh Anh. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ xác lập bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho thương hiệu rượu Bàu Đá. Tại nhiều buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Bình Định và Bộ Khoa học Công nghệ, lãnh đạo bộ này đã hứa hỗ trợ việc đăng ký nhãn hiệu tập thể và giao Cục Sở hữu trí tuệ giải quyết dứt điểm vụ việc. Tuy nhiên, đến nay Cục Sở hữu trí tuệ vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.

Theo ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh rượu Bàu Đá, cuối năm 2007 Hiệp hội và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Định đã gửi hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Bàu Đá và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ.

Cũng theo ông Tâm, Cục Sở hữu trí tuệ đã đề nghị Công ty Minh Anh gia nhập Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh rượu Bàu Đá nhưng công ty này đã từ chối. Trước tình hình này, Cục Sở hữu trí tuệ có công văn nêu rõ: “Công ty Minh Anh có trách nhiệm tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu rượu Bàu Đá theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 6137493 cho Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh rượu Bàu Đá tỉnh Bình Định để làm thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể”.

Tuy nhiên, công ty này vẫn không chấp nhận chuyển giao. Tại buổi làm việc lần cuối cùng giữa các bên để quyết định giải quyết việc tranh chấp thương hiệu rượu Bàu Đá do Cục Sở hữu trí tuệ (Văn phòng 3 tại Đà Nẵng) tổ chức mới đây, lãnh đạo Công ty Minh Anh kiên quyết không ký vào biên bản.

Không thương lượng đươc thì phải thêm dấu hiệu phân biệt

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Hùng cho biết trước đây Công ty Minh Anh (Đà Nẵng) được tỉnh Bình Định chấp thuận cho mở xưởng sản xuất tại khu vực Bàu Đá và kết hợp với một số cơ sở sản xuất tại địa phương để phát triển nhãn hiệu rượu này. Trên cơ sở đó mà công ty này đã đăng ký nhãn hiệu rượu “Bàu Đá Minh Anh”. Cục cũng đã xem xét giải quyết hồ sơ này theo đúng quy định.

Sau đó, Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định ra đời và đăng ký nhãn hiệu tập thể rượu Bàu Đá. Đây cũng là quyền lợi chính đáng của hiệp hội.

Tuy nhiên do Công ty Minh Anh đã đăng ký trước nên có lấn cấn pháp lý phát sinh cho việc đăng ký của hiệp hội. Cục không thể yêu cầu Công ty Minh Anh từ bỏ nhãn hiệu vì quy trình đăng ký trước đây của họ là hoàn toàn phù hợp pháp luật. Do đó, muốn giải quyết vấn đề này thì hiệp hội và Công ty Minh Anh cần ngồi lại thỏa thuận với nhau.

Hai bên chưa thỏa thuận được nên đến nay vẫn chưa thể giải quyết xong vụ việc này. Mới đây, Cục cũng gợi ý một phương án giải quyết là hiệp hội nên đưa thêm dấu hiệu phân biệt vào nhãn hiệu tập thể của mình để phân biệt với Bàu Đá Minh Anh. Đây cũng là cách thường được áp dụng trong giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu.

Nếu địa danh đã được một doanh nghiệp nhanh chân đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu riêng của mình và doanh nghiệp đã sử dụng rộng rãi nhãn hiệu này thì việc bảo hộ dưới hình thức khác (nhãn hiệu tập thể/chỉ dẫn địa lý) chỉ có thể thực hiện được nếu doanh nghiệp đó đồng ý. Người dân địa phương và chính quyền địa phương có thể thỏa thuận với doanh nghiệp để doanh nghiệp chuyển giao nhãn hiệu cho cộng đồng.

QUỲNH NHƯ

TẤN LỘC - UYÊN THU
Chia sẻ lên LinkHay.com Email In [+]Cỡ chữ[-]
Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn có nên cho phép đặt cược đua ngựa, đua chó, bóng đá?
  • Nên cho
  • Không nên cho
  • Chỉ nên cho đặt cược đua ngựa, đua chó
Bình Định đòi lại thương hiệu rượu Bàu Đá ảnh 4 Bình Định đòi lại thương hiệu rượu Bàu Đá ảnh 5

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm