Đóng cửa sạp 5 tỉ đồng vì... sai quy hoạch

Bán ế cũng phải bán!

Bà Ngọc Dung là chủ sạp KA2 chợ Tân Bình (TP.HCM) nằm ở mặt tiền đường Lê Minh Xuân sầm uất nhất khu chợ này. Sạp của bà còn có thêm hai mặt tiền nhờ nằm ở ngã tư lối đi trong chợ.

Với lợi thế đó, đây là một trong những sạp có giá trị lớn bậc nhất chợ Tân Bình. Giá thị trường sang nhượng một sạp như của bà Dung có thể lên đến 5 tỉ đồng nếu kinh doanh quần áo thời trang.

Bà Dung đã kinh doanh ngành hàng đồ bảo hộ lao động hàng chục năm qua. Nhưng vài năm trở lại đây, mặt hàng bảo hộ lao động ế ẩm, ít người mua.

“Rất nhiều sạp gần tôi đã chuyển từ bán hàng bảo hộ lao động sang bán quần áo may sẵn. Cả con đường Lê Minh Xuân, phía bên này là sạp chợ, bên kia là nhà dân hầu hết đều bán các loại quần áo may sẵn trẻ em, áo thun, đồ bộ, đồ lót… rất tấp nập” - bà Dung kể.

Chính vì thế, cách đây hai năm bà Dung đã làm đơn xin chuyển từ bán hàng bảo hộ lao động sang hàng quần áo nhưng không được chấp thuận. Đến cuối năm 2016, bà Dung quyết định thành lập công ty TNHH, đặt trụ sở tại sạp, đăng ký kinh doanh ngành quần áo may sẵn.

Nhưng khi bà bày bán quần áo thì bị Ban quản lý chợ Tân Bình lập biên bản, niêm phong tạm cửa sạp và mời đến làm việc. Lý do là bà kinh doanh mặt hàng không đúng với hàng bảo hộ lao động.

“Quay lại bán đồ bảo hộ thì sợ lỗ, tôi đành đóng cửa sạp hàng trị giá gần 5 tỉ đồng của mình” - bà Dung than thở.

Thị trường luôn có sự chuyển động, người kinh doanh cũng luôn phải thay đổi theo cho phù hợp. Trong ảnh: Sạp của bà Dung (bên phải ảnh) đóng cửa.  Ảnh: QN

Phải bán theo... quy hoạch

Ông Huỳnh Phương Vũ, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Tân Bình, cho biết việc giải quyết chuyển đổi ngành nghề kinh doanh cho hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của Phòng Kinh tế UBND quận Tân Bình. Ban quản lý chợ chỉ quản lý hộ kinh doanh bán đúng mặt hàng đã đăng ký kinh doanh và theo quy hoạch.

Ông Vũ nói: “Nhiều năm trước, các hộ kinh doanh có thể chuyển đổi mặt hàng, xin thay đổi giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Song từ năm 2009 đến nay, sau khi có quy hoạch ngành hàng tại chợ thì các hộ phải giữ nguyên ngành hàng đã đăng ký, không được chuyển đổi”.

Ông Vũ cho biết thêm ban quản lý chợ có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản khi phát hiện hộ kinh doanh tại chợ có vi phạm nội quy chợ như vi phạm mặt hàng kinh doanh, an toàn phòng cháy chữa cháy, quên đóng cửa sạp... Khi phát hiện những hành vi vi phạm như trên thì ban quản lý chợ đều phải niêm phong tạm, yêu cầu khắc phục, không vi phạm nữa mới được mở sạp bán hàng trở lại.

Khi chúng tôi đặt vấn đề: Hộ kinh doanh có quyền lựa chọn ngành nghề kinh doanh, địa phương có quyền quy hoạch chợ. Tuy nhiên, quy hoạch đến từng loại mặt hàng và không cho thay đổi mặt hàng ngay cả khi người kinh doanh gặp khó khăn, không thể kinh doanh mặt hàng như quy hoạch, liệu có hợp lý hay không. Ông Vũ không trả lời cụ thể vấn đề này mà cho rằng thẩm quyền cho chuyển đổi hay không là ở quận.

Tuy nhiên, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã gửi công văn xin gặp và đặt vấn đề với UBND quận Tân Bình nhưng sau một tuần liên hệ, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh

Một chủ sạp mặt tiền đường Lê Minh Xuân đang bán quần áo may sẵn cho biết việc quy hoạch mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến giá trị thị trường của sạp, tùy vào từng giai đoạn kinh doanh.

Hiện nay hàng quần áo thời trang bán chạy nhất, trong khi các mặt hàng khác chững lại. Vì vậy sạp cùng diện tích, vị trí tương đương mà được bán quần áo may sẵn thì giá trị gấp rưỡi, gấp đôi sạp bán đồ khác.

Chủ sạp này chia sẻ thêm: Việc không cho đổi ngành hàng cũng có thể liên quan đến quy hoạch chợ mới. Nếu xây chợ mới thì những người có sạp ở chợ cũ sẽ được chuyển sang chợ mới, có thể được bồi thường để chuyển đi. Sạp cũ ở chỗ nào, giá trị như thế nào thì sẽ có giá bồi thường sạp mới tương ứng. Có thể cơ quan quản lý không muốn phải bồi thường giá cao hơn hay chuyển đổi phức tạp hơn nên không cho người kinh doanh đổi mặt hàng.

“Tuy nhiên, quy hoạch chợ mới thì chưa biết chừng nào mới xây xong! Chẳng lẽ chúng tôi chờ hoài, kinh doanh lỗ cũng phải kinh doanh hay sao?” - chủ sạp trên đặt câu hỏi.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh cũng cho rằng việc quy hoạch chợ chuyên doanh từng ngành, ví dụ chuyên doanh thủy sản, nông sản, dệt may... là theo nhu cầu quản lý của Nhà nước. Song cứng nhắc đến chi tiết từng loại sản phẩm, từng mặt hàng là không nên. Bởi thị trường luôn có sự biến động và thay đổi, người kinh doanh cũng luôn phải thay đổi theo cho phù hợp.

“Do vậy việc cản trở hộ kinh doanh, tiểu thương chuyển đổi mặt hàng là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của họ” - ông Chánh bày tỏ quan điểm.

Bán ở ngoài đâu có cần... quy hoạch

Đã có thời gian kinh doanh trong chợ rất ế ẩm nên người trong chợ bỏ ra ngoài thuê mặt bằng để bán hàng, hút khách hơn nhiều. Quy hoạch chợ chuyên doanh nhưng cả chục con đường xung quanh chợ Tân Bình đều mở ra bán quần áo, vải vóc hết cả. Đường Lạc Long Quân, Tân Thọ, Tân Lập, Tân Tạo, Tân Xuân... đều tấp nập hàng dệt may.

Có ai nói bán ở nhà bên ngoài như vậy là trái quy hoạch đâu! Nếu tiểu thương trong chợ không xoay chuyển, không thay đổi mặt hàng thì làm sao cạnh tranh được với bên ngoài.

Một hộ kinh doanh hàng vải thun
ở đường Tân Tiến, chợ Tân Bình

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.