CHẶT ĐỨT “VÒI BẠCH TUỘC” GIẤY PHÉP CON, GIẤY PHÉP CHÁU - BÀI 1

Đau lòng vì phải dối trá để được kinh doanh

LTS: Hàng ngàn giấy phép con, tức các điều kiện kinh doanh đang nằm trong các thông tư trói buộc doanh nghiệp sẽ bị khai tử sau ngày 1-7. Song nhiều bộ, ngành đang chạy đua “nâng cấp” giấy phép con thành nghị định. Như vậy, tới đây người kinh doanh có nguy cơ tiếp tục bị hành nếu Chính phủ không dứt khoát loại bỏ những giấy phép con vô lý này.

Điều kiện kinh doanh (ĐKKD) là nỗi kinh hoàng của doanh nghiệp (DN). Bởi lẽ không chỉ bị gây khó khăn, mà nếu muốn trụ lại trên thương trường, đôi khi DN buộc phải gian dối, luồn lách để duy trì hoạt động. Một ĐKKD có thể làm cho giá trị công ty sụt giảm 70%.

Đang làm ăn tốt, phải dừng hoạt động

Kể với Pháp Luật TP.HCM về chuyện công ty của mình, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc, nói: “Chỉ một quy định DN nhập khẩu xe hơi từ chín chỗ trở xuống phải có giấy ủy quyền chính hãng trong Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương, công ty của tôi phải dừng hoạt động vì không còn cách nào để xoay xở làm ăn”.

Theo ông Tuấn, việc nhập khẩu xe hơi được Nhà nước cho phép từ năm 2006. Đến năm 2011 đã có khoảng 200 công ty kinh doanh trong lĩnh vực này, chủ yếu nhập khẩu các loại xe như Hyundai, Kia, Daewoo, Toyota, Honda, Nissan… Các DN này đã mở rất nhiều đại lý bán hàng cũng như quảng cáo tiếp thị sản phẩm cho các hãng xe. Trong đó có những đơn vị mỗi tháng nộp thuế hàng trăm tỉ đồng.

“Riêng công ty của chúng tôi làm ăn rất tốt, mỗi năm nộp thuế gần 200 tỉ đồng, duy trì việc làm ổn định cho khoảng 15 người. “Đùng một cái đến năm 2011 thì Thông tư 20/2011 ra đời làm cho chúng tôi không thể nhập khẩu xe được nữa. Chỉ có các hãng xe ngoại là thoải mái đặt đại lý của mình tại Việt Nam và bán sản phẩm. Vậy Thông tư 20 có lợi cho DN trong nước hay cho DN nước ngoài?” - ông Tuấn đặt câu hỏi.

Đứng trước khó khăn trên, công ty của ông Tuấn ban đầu đã chuyển sang kinh doanh xe hơi cũ để cầm cự. Đến năm 2012 vì không thể nào duy trì được nữa, ông cho công ty dừng hoạt động. “Tôi phải cho 14 nhân viên nghỉ việc, chỉ còn giữ lại một kế toán để làm một việc là báo cáo thuế” - ông Tuấn ngậm ngùi.

Đến nay, khoảng 180 trong tổng số 200 DN nhập khẩu xe hơi đã dừng hoạt động hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác. Có một số ít công ty duy trì được hoạt động bằng cách “lách thông tư”. “Người ta không nhập khẩu xe chính hãng nữa, vì không thể xin được giấy ủy quyền như đòi hỏi của Thông tư 20. Nhưng một vài DN lại xin được giấy phép nhập khẩu xe biếu tặng. Việc xin giấy phép này cũng rất khó khăn và chỉ dành cho một số DN có mối quan hệ” - một DN xin giấu tên nói.

Nhiều DN “chết“ vì Thông tư 20/2011 quy định muốn nhập xe hơi từ chín chỗ trở xuống phải có giấy ủy quyền chính hãng. Ảnh minh họa: HTD

“Từ 13 tỉ giảm còn 5 tỉ đồng chắc cũng chả ai mua”

Bà Trương Thị Vàng, Giám đốc một công ty gas ở Đồng Nai, đang loay hoay với Nghị định 19/2016 về kinh doanh gas, trong đó yêu cầu các DN muốn kinh doanh gas phải có 100.000 vỏ bình và bồn chứa 300 m3 gas.

Bà Vàng nói nếu những quy định này được đưa lên thành nghị định vào ngày 1-7, sẽ có hàng trăm DN kinh doanh gas trên cả nước phải dừng hoạt động hoặc phải đi làm “con” cho các công ty gas lớn khác. Bởi với những quy định như trong nghị định thì chỉ một số công ty gas lớn mới đáp ứng nổi.

“Công ty tôi hiện có 70 người làm việc. Nếu những quy định nói trên được đưa vào nghị định tới đây, tôi phải cho nghỉ việc gần hết nhân viên. Bản thân tôi chắc cũng sẽ phải sáp nhập với một công ty gas lớn khác để đắp đổi qua ngày khi mỗi bình gas sẽ chỉ được chiết khấu lại cho tôi 3.000-5.000 đồng” - bà Vàng nói về viễn cảnh không mấy sáng sủa của mình.

Bà Vàng kể hồi năm ngoái có một đại gia gas gạ bà bán công ty và trạm chiết gas với giá 13,5 tỉ đồng nhưng bà không bán. “Nhưng do mắc kẹt với Nghị định 19, giờ có bán giá 5 tỉ đồng chưa chắc người ta đã mua” - bà Vàng nói.

Nhiều công ty gas nhỏ đã tính đến chuyện liên kết với nhau nhằm đáp ứng ĐKKD quá sức của họ. Có điều bà Vàng nói thêm khi liên kết lại, phải chung vỏ bình gas. “Nhưng nếu thu gom vỏ chai không phải của mình, dễ bị kiện như chơi” - bà Vàng cảnh báo.

Đóng thuế cho… nước ngoài

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết theo Nghị định 109/2010 quy định về ĐKKD xuất khẩu gạo thì DN phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ… Phần lớn các công ty xuất khẩu gạo của nước ta đều không đủ những điều kiện trên.

Thế là có nhiều DN phải tìm cách lách luật sau khi bị thiệt hại do không đáp ứng được ĐKKD nói trên. Công ty Cỏ May ở Đồng Tháp để vuột mấy hợp đồng xuất khẩu gạo trực tiếp sang Singapore vì không đáp ứng được điều kiện về kho chứa theo nghị định. Cuối cùng công ty này đành phải thành lập một Công ty Cỏ May khác tại Singapore để nhập gạo của chính mình qua một bên thứ ba được ủy thác xuất khẩu.

Bước đi này khiến Cỏ May tốn nhiều thời gian soạn thảo, ký kết hợp đồng với đối tác xuất khẩu gạo và chi phí bị đội lên 2 USD/tấn. Chi phí vận hành Công ty Cỏ May tại Singapore cũng là một khoản đáng kể. Mặt khác, công ty phải đóng thuế thu nhập DN cho Singapore là 17%.

ĐKKD trong nghị định này cũng khiến Công ty Gạo Việt Hưng phải đặt nhà máy xay xát gạo tại Campuchia để xuất khẩu sang thị trường EU, bởi Campuchia không quy định về kho chứa và máy móc chế biến gạo. Và Gạo Việt Hưng đóng thuế cho chính phủ Campuchia 21%.

“Trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, xăng dầu… nhiều DN nhỏ đã bị các ĐKKD buộc phải bỏ nghề vì kêu hoài không thấu” - ông Đức nhận xét.

“Phải luồn lách mới sống nổi”

Không phải chạy ra nước ngoài thành lập công ty nhưng nhiều DN taxi ở Hà Nội từ năm 2011, sau khi có chỉ thị của UBND TP Hà Nội về việc không cấp đăng ký mới taxi, đã đi về các tỉnh, thành lập công ty taxi rồi đem về Hà Nội chạy.

Phó giám đốc một công ty taxi xin giấu tên cho hay công ty ông đành phải về Ninh Bình, Bắc Ninh thành lập công ty để hợp thức hóa số taxi tăng lên theo nhu cầu kinh doanh, sau đó chuyển số xe này về Hà Nội. “Rốt cuộc chẳng những không đạt được mục đích đề ra, chỉ thị của UBND TP Hà Nội còn buộc các DN taxi phải… gian dối, luồn lách” - đại diện DN này bức xúc.

Đề cập thêm về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho hay Luật DN và Luật Đầu tư ghi nhận quyền tự chủ, lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh và quyền chủ động đầu tư của DN. “Tuy vậy, ở Hà Nội thì có nghịch lý là chỉ thị và các quyết định dưới luật có khi lại to hơn luật. Chỉ thị của lãnh đạo nói tạm dừng cấp phép kinh doanh taxi khiến hầu hết các DN taxi không gia tăng được xe” - ông Bình nói và cho biết chỉ vì chỉ thị mà DN phải dối trá đủ đường để được kinh doanh.

Điều kiện bất khả thi

Ông Lê Minh Lợi, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Thừa Thiên-Huế, cho rằng Điều 9 của Nghị định 19/2016 về kinh doanh gas, ngoài việc quy định phải có bồn chứa 300 m3 gas với các DN kinh doanh gas chai thì các DN còn phải có bồn chứa 3.000 m3. Tính ra mỗi công ty phải có tới… 130 cửa hàng thì mới đáp ứng đủ ĐKKD nói trên. “Theo tôi, quy định như vậy là không hợp lý. Đòi hỏi về an toàn cháy nổ rất cao nên chỉ cần bồn chứa vừa đủ. Quy định phải có 100.000 vỏ bình gas cũng không cần thiết, quá lớn so với nhu cầu của nhiều địa phương” - ông Lợi nhìn nhận.

Đại diện một số công ty kinh doanh xe hơi nhận xét Thông tư 20/2011 yêu cầu các DN nhập khẩu ô tô từ chín chỗ trở xuống phải có giấy ủy quyền chính hãng là bất khả thi với DN. Tức là một công ty nhập khẩu ở Việt Nam muốn nhập thì phải có giấy ủy quyền nhập khẩu và phân phối từ chính hãng ở nước ngoài. Trong khi các hãng chỉ có một hoặc hai đại lý độc quyền tại nước ta.

Ví dụ công ty A muốn nhập khẩu xe của Toyota thì phải có giấy ủy quyền của Toyota bên Nhật. Nhưng Toyota chỉ có một đại lý độc quyền phân phối tại Việt Nam và chỉ cấp giấy ủy quyền cho đại lý này. Như vậy công ty A không thể xin được giấy ủy quyền. Công ty A không có cách nào xoay xở được cả đành phải đóng cửa.

3.000 văn bản không đúng thẩm quyền

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hiện đang có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Trong số này có gần 3.000 điều kiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền.

Luật DN 2005 quy định rõ các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD. Thế nhưng trên thực tế số giấy phép con do các bộ, ngành, địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn tăng vọt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm