Cải cách này nhằm hạn chế việc cấp dưới tự đưa ra các điều kiện kinh doanh, gây rối rắm, cản trở môi trường đầu tư trong thời gian qua. Đáng lẽ việc sàng lọc các ĐKKD vô lý cần phải được tiến hành một cách chặt chẽ, khai thông môi trường đầu tư cho nhà kinh doanh nhưng thực tế có những chuyện “cười ra nước mắt”.
Chẳng hạn, dự thảo nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT chủ trì soạn thảo, vốn là sự tích hợp 39 thông tư có những quy định rất “choáng váng” như “Địa điểm cửa hàng là nhà kiên cố, khô ráo, thoáng gió”; “tường, nền phải bằng phẳng, chống thấm, dễ lau chùi”… Những ĐKKD này, theo các chuyên gia, là rất vô lý.
Hay như dự thảo nghị định về ĐKKD trong lĩnh vực công thương, do Bộ Công Thương soạn thảo yêu cầu những thương nhân nhập khẩu xe từ chín chỗ trở xuống phải “Được chỉ định hoặc ủy quyền bằng văn bản của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó, trong đó nêu rõ là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó”. Đây thực chất là một quy định của Thông tư 20/2011, vốn đã làm cho hàng trăm doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô con bị phá sản từ năm 2011 đến nay. Thậm chí có DN còn bị kẹt tới 8 triệu USD ở nước ngoài do thông tư này.
Nếu tính chung cả 49 dự thảo nghị định đang được ráo riết soạn thảo, thẩm định và trình Chính phủ, kết quả tất yếu là sẽ có cả ngàn ĐKKD, vốn đã gây khó cho các nhà đầu tư trước đây vẫn cứ “chễm chệ ngồi” trong nghị định. Hy vọng về việc bãi bỏ khoảng 3.500 ĐKKD có thể sẽ tan thành mây khói nếu tất cả được ban hành vào ngày 1-7 tới.
Điều này cũng có nghĩa là những quy định bất hợp lý, vốn đã kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước suốt 16 năm qua và bao nhiêu quyết tâm cải cách của người đứng đầu Chính phủ để phá bỏ thành trì kiên cố ấy lại khó khăn hơn bao giờ hết.
Đã có chuyên gia lên tiếng yêu cầu các bộ, ngành khi trình các dự thảo nghị định phải công khai các thông tin như bao nhiêu ĐKKD được nâng cấp, sửa đổi, bãi bỏ và thêm mới. Yêu cầu này là chính đáng, bởi có thế người dân và DN mới đánh giá được mức độ, chất lượng của cải cách, đánh giá được sự liêm chính của các bộ, ngành. Người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ biết những nghị định có phù hợp với xu thế phát triển hay không.
Nếu không đáp ứng được điều này, DN và người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ những nỗ lực cải cách. Và tình trạng “bình mới rượu cũ”, nếu diễn ra, sẽ tiếp tục là trở lực lớn nhất cho sự bứt phá mạnh mẽ của đất nước trong thời hội nhập.