Theo thông tin mới nhất, hiện các bộ, ngành đang ráo riết hoàn thành 49 nghị định, trong đó có nhiều quy định ở cấp thông tư được nâng lên. Có nghĩa là một nghị định sẽ bao hàm nội dung của hàng loạt thông tư trước đây.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng đang có cuộc chạy đua nâng cấp thông tư thành nghị định và điều đó sẽ dẫn đến hệ quả: Các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) chẳng những không được giảm đi mà còn có cơ hội biến tướng ở văn bản cấp cao hơn. Doanh nghiệp sẽ ngày càng bị siết chặt trong một rừng ĐKKD vô lý.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Hiếu (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ KH&ĐT, xung quanh vấn đề này. Ông Hiếu nói có nhiều quy định về ĐKKD không thỏa mãn tiêu chí của Luật Đầu tư.
Động thái mạnh mẽ của Thủ tướng
. Phóng viên: Thủ tướng vừa có công văn hỏa tốc gửi các bộ, ngành và địa phương yêu cầu rà soát, tổng hợp đầy đủ các vướng mắc, bất cập của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Theo ông, ý nghĩa của động thái này là gì?
+ Ông Phan Đức Hiếu: Theo tôi, Thủ tướng cũng lo lắng về chuyện nâng cấp cơ học từ thông tư lên nghị định. Việc chỉ đạo, rà soát nói trên là một động thái rất mạnh mẽ.
Nhưng tôi cũng cho rằng điểm đáng lo ngại không chỉ là việc có dấu hiệu chạy đua nâng cấp các ĐKKD ở thông tư lên nghị định mà còn là việc bãi bỏ những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết trong danh mục 267 ngành, nghề hiện nay.
Điều 7 Luật Đầu tư là một căn cứ pháp lý mạnh mẽ để cắt gọt 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Có hai tiêu chí cần phải tuân thủ ở đây là sự cần thiết và tính hợp lý. Một ngành, nghề chỉ có thể quy định ĐKKD mà nếu thiếu nó thì ngành, nghề đó có nguy cơ đối với an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, cho dù có rủi ro thì cũng không được áp đặt những ĐKKD khiến cho chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp ở mức quá cao.
. Nhưng như tôi biết, hiện các bộ, ngành đang chuẩn bị hoàn thiện tới 49 dự thảo nghị định, trong đó có rất nhiều ĐKKD?
+ Điều quan trọng hiện nay là phải kiểm soát được 49 nghị định đó. Trong đó nhiều thông tin phải được công khai. Chẳng hạn dự thảo nghị định sẽ bãi bỏ bao nhiêu ĐKKD, sửa đổi bao nhiêu, giữ nguyên bao nhiêu và bao nhiêu ĐKKD mới được thêm vào.
Ý nghĩa rất quan trọng của việc công khai những thông tin nêu trên nằm ở chỗ: Chính phủ và Thủ tướng sẽ biết được mình ký ban hành cái gì, có hợp lý hay không và đánh giá được tác động của những nghị định mới đối với xã hội, cải cách lần này có thực sự là cải cách hay không.
Nên bỏ một số điều kiện kinh doanh trong kinh doanh mũ bảo hiểm. Ảnh: HTD
Cần bỏ ngay nhiều điều kiện kinh doanh
. Trong khoảng 7.000 ĐKKD, giấy phép con mà doanh nghiệp và xã hội đang kêu ca, theo ông, ĐKKD nào có thể bỏ được ngay?
+ Chúng ta phải phân biệt các loại ĐKKD. Thứ nhất là ĐKKD đối với từng ngành, nghề. Thứ hai là bản thân những ngành, nghề kinh doanh còn cần ĐKKD thì một số ĐKKD cũng không cần thiết. Như vậy, yêu cầu đầu tiên của Thủ tướng trong việc rà soát ĐKKD lần này là sàng lọc những ngành, nghề không cần ĐKKD. Thứ hai, sàng lọc những ĐKKD không cần thiết ở những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để bãi bỏ.
Tôi lấy ví dụ như quy định sàn giao dịch bất động sản phải có diện tích 50 m2. Quy định này không hề có cơ sở khoa học và thực tiễn nào. Bởi đối với sàn giao dịch trực tuyến thì không cần đến yêu cầu phải có diện tích nhà, trụ sở 50 m2 làm gì. Nếu vẫn giữ quy định này thì có thể những cách kinh doanh rẻ hơn, chi phí ít hơn, cạnh tranh hơn có thể vi phạm pháp luật.
. Nhưng ngoài ví dụ ông vừa đề cập, nhiều ý kiến cho rằng có rất nhiều ĐKKD vô lý cần phải loại bỏ ngay, thưa ông?
+ Đúng là có rất nhiều. Đơn cử hiện nay có quy định những doanh nghiệp có điều kiện cơ sở vật chất mới được tham gia đào tạo cấp chứng chỉ cho nhân viên môi giới bất động sản, bảo hiểm, quản lý vận hành nhà chung cư... Thậm chí còn phải được sự chấp thuận của một bộ. Những ngành, nghề này thực sự không cần thiết phải quy định ĐKKD vì không có rủi ro gì liên quan đến an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Nghề kinh doanh mũ bảo hiểm cũng có thể bỏ ĐKKD. Bởi khi sản xuất mũ bảo hiểm thì cơ sở sản xuất đã phải đáp ứng đủ các điều kiện về quy chuẩn, chất lượng. Đôi khi các bộ, ngành nhầm lẫn khi cho rằng sẽ có chuyện kinh doanh mũ bảo hiểm giả, không có chất lượng. Nhưng những quy định về ĐKKD mũ bảo hiểm không hề có mối liên hệ nhân quả với việc có mũ bảo hiểm giả và mũ bảo hiểm không có chất lượng mà chỉ có tác dụng… siết chặt quản lý đối với người kinh doanh chân chính, bán mũ bảo hiểm thật.
. Như ông nói, cần phải kiểm soát được chất lượng các dự thảo nghị định sắp ban hành. Cụ thể là gì, thưa ông?
+ Có lẽ Chính phủ cần có những cơ quan tham mưu chuyên môn, trực tiếp, độc lập, tránh tình trạng các bộ, ngành tự rà soát, sửa đổi chính quy định của mình. Chẳng hạn ở Hong Kong có cơ quan được gọi là “Văn phòng Quy định tốt hơn”. Cơ quan này chỉ làm hai việc: Giới thiệu các thực tiễn tốt về cải cách và thường xuyên hỗ trợ trực tiếp Chính phủ định kỳ giám sát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
. Xin cám ơn ông.
Nâng cấp hàng trăm thông tư thành nghị định Từ ngày 1-7 tới, theo Luật Đầu tư, các ĐKKD chỉ được quy định trong nghị định của Chính phủ thay vì có cả trong thông tư của các bộ như hiện nay. Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, sắp tới các bộ, ngành phải trình Chính phủ 49 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư. Trong đó, Bộ NN&PTNT chỉ dự thảo một nghị định nhưng tích hợp 35 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong 39 thông tư, thuộc tám lĩnh vực. Bộ Y tế dự thảo 12 nghị định nhưng thực chất là “nâng cấp” 70 thông tư. Bộ Công Thương nâng cấp 23 thông tư thành một nghị định, trong đó giữ nguyên yêu cầu kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong các sản phẩm dệt may trong Thông tư 37 mà chính Nghị quyết 19 của Chính phủ nêu đích danh phải sửa. Bộ Tài chính soạn bảy dự thảo nghị định, trong đó có sửa đổi Nghị định 45, 46 năm 2007 thành nghị định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và đưa các ĐKKD từ thông tư lên nghị định. Công văn hỏa tốc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công văn hỏa tốc gửi các bộ, ngành và địa phương về việc chuẩn bị nội dung báo cáo tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Một trong những nội dung mà Thủ tướng yêu cầu là rà soát, tổng hợp đầy đủ các vướng mắc, bất cập của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; các luật có quy định về đầu tư, kinh doanh, các nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. |