Nhiều siêu thị đã chủ động bắt tay với nông dân, trang trại và các hợp tác xã để sản xuất cá, tôm, rau củ quả… sạch phục vụ “thượng đế”.
Bất ngờ với cá… đeo thẻ
Tại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry, khách hàng không khỏi ngạc nhiên khi thấy ở khu vực bán thủy hải sản có nhiều loại cá như cá chẽm, cá thu, cá bớp… đeo thẻ. Trên thẻ có thông tin về loài cá, số seri, nguồn gốc hàng. Ngoài ra, những khay đựng cá đã được sơ chế, đóng gói cũng dán nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt).
Nhờ cá đeo thẻ nên khách hàng có thể truy xuất được nguồn gốc trong từng cá thể sản phẩm. Qua đó biết được đây là sản phẩm chăn nuôi tự nhiên hay đánh bắt, đơn vị cung cấp, mã cơ sở nuôi trồng, ngày nhận hàng... Đồng thời, người mua cũng biết được sản phẩm không nằm trong danh sách cá quý cấm đánh bắt. “Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai đeo thẻ thêm cho một số mặt hàng khác để đáp ứng nhu cầu người mua” - đại diện Metro Cash & Carry thông tin.
Bà Nguyễn Thị Thu, nhà ở quận 10 (TP.HCM), cho biết thường xuyên đi mua hàng ở siêu thị. “Các sản phẩm như cá, thịt, rau… VietGAP giá cả mắc hơn khoảng 10% so với sản phẩm thông thường nhưng yên tâm hơn là mua trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ”.
Ông Philippe Bacac, Tổng Giám đốc Metro Cash & Carry, thông tin: “Hiện ở trạm trung chuyển thủy sản Metro ở Cần Thơ, nơi cung cấp 70%-80% lượng thủy hải sản cho 19 trung tâm Metro trên cả nước, có nhiều loại cá như điêu hồng, cá lóc, cá tra… với 41 mã hàng được cấp chứng nhận VietGAP. Đây là nguồn hàng từ các hộ nông dân, trang trại liên kết nuôi trồng với chúng tôi. Qua đó có khả năng cung ứng trên 13.000 tấn/năm và được bao tiêu toàn bộ sản lượng”.
Việc hợp tác với nông dân như hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry không phải là cá biệt. Với mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Saigon Co.op đã bắt tay với nhiều hợp tác xã nông sản ở Đà Lạt và một số tỉnh, thành khác. Theo đó, hệ thống siêu thị này bao tiêu toàn bộ sản lượng, tạo đầu ra ổn định cho 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà, trứng gà… đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Lotte Mart cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm với các đơn vị sản xuất nông sản tại Lâm Đồng. Để được bao tiêu sản phẩm, Lotte Mart yêu cầu các đơn vị sản xuất phải tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Khách hàng chọn mua thực phẩm đạt chuẩn VietGAP tại siêu thị vì có thể truy xuất được nguồn gốc. Ảnh: TÚ UYÊN
Vẫn còn khó khăn
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết mô hình liên kết theo chuỗi nông sản giữa các siêu thị với nông dân là điều kiện để đảm bảo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó tạo niềm tin cho người mua.
“Tuy vậy, thực tế mô hình liên kết chuỗi vừa qua còn gặp nhiều trục trặc, nông dân và doanh nghiệp vẫn phải tự bơi. Nguyên nhân chính là do thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích mô hình này. Đặc biệt là những yếu kém trong quản lý chất lượng nông sản đã đánh đồng giữa sản phẩm sạch, có chất lượng với sản phẩm thường, kém chất lượng… Điều này khiến người mua khó phân biệt được đâu là sản phẩm tốt, đâu là sản phẩm xấu” - ông Hiệp nói.
Ông Lê Văn Cảnh, quản lý thu mua ngành hàng thủy hải sản trạm trung chuyển thủy sản của Metro ở Cần Thơ, nêu thực tế nhận thức của một số nông dân về áp dụng mô hình VietGAP cho nuôi trồng thủy hải sản vẫn còn hạn chế. Ông Cảnh nói: “Do thông tin bà con tiếp cận chưa được nhiều và lâu nay tiêu chuẩn VietGAP chủ yếu tập trung với rau, còn thủy sản chỉ mới có một số công ty xuất khẩu áp dụng. Do đó Metro gặp không ít khó khăn trong việc làm thay đổi suy nghĩ của nông dân”.
Ông Cảnh dẫn chứng, ban đầu có 400 hộ nông dân, trang trại đăng ký tham gia nuôi trồng thủy sản theo mô hình VietGAP. Sau quá trình tuyển chọn còn lại 200 hộ đủ tiêu chuẩn và đến nay còn 47 hộ. Nguyên nhân là ngoài những hộ không phù hợp để làm VietGAP, có những hộ rút ra vì nghĩ rằng mô hình này khó làm khi phải ghi chép sổ sách, không dùng thuốc kháng sinh cấm, quy định mật độ nuôi vừa phải... Trong khi đó sản xuất theo phương thức truyền thống thì không đòi hỏi những điều kiện trên nên dễ làm.
Đề cập đến việc hợp tác giữa siêu thị với nông dân, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C, cho hay để đảm bảo nguồn cung cấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống an toàn cho khách hàng, Big C bắt tay với nhiều hợp tác xã, đơn vị cung ứng chuyên nghiệp. Tuy vậy, thực tế cho thấy phần lớn hộ nông dân canh tác nhỏ lẻ, chưa thể đáp ứng được nhu cầu mua hàng với số lượng lớn, ổn định của siêu thị.
Từ thực tế này, ông Hiệp nhấn mạnh để người nông dân sản xuất, nuôi trồng theo VietGAP thì cần chú trọng khuyến khích liên kết, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đồng bộ tại các khâu giống, nuôi trồng và chế biến. “Đặc biệt cần phát triển công nghệ sinh học, áp dụng VietGAP, GlobalG.A.P... Qua đó đảm bảo chất lượng nông sản gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu” - ông Hiệp nói.
Sống khỏe khi được bao tiêu đầu ra Ông Nguyễn Thanh Xuân, nhà ở khu Tân Quy, quận Ô Môn (Cần Thơ), kể trước đây gia đình ông nuôi trồng theo cách truyền thống, sử dụng các loại thuốc kháng sinh tùy tiện và đầu ra bấp bênh. Sau đó ông quyết định chuyển qua làm theo mô hình VietGAP. Ban đầu khi mới bắt tay vào làm mô hình này rất bỡ ngỡ, bị động nhiều thứ. Ví dụ khi ếch, cá bị chết, không biết cách điều trị vì không tìm được nguyên nhân… nên tỉ lệ hao hụt nhiều. “Trong khoảng hai, ba tháng đầu, thấy lỗ quá nhưng tôi vẫn hạ quyết tâm làm bằng được, cố gắng khắc phục. Bên cạnh đó được Metro bao tiêu sản phẩm nên yên tâm sản xuất. Riêng năm 2015 vừa qua, doanh số từ nuôi trồng thủy sản theo VietGAP đạt khoảng 3,5 tỉ đồng” - ông Xuân khoe. Chúng tôi đang hợp tác, thu mua trực tiếp sản phẩm từ nông dân. Từ đó xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cũng như mang đến khách hàng nhiều mặt hàng như tôm sú, cá tai tượng, tôm càng… đạt chuẩn VietGAP. Ông PHILIPPE BACAC, Tổng Giám đốc Metro Cash & Carry |