Bồi thường 70 triệu vì đăng ảnh chưa được đồng ý

Báo Gia Đình Việt Nam vừa kháng cáo yêu cầu TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ bà NTM (trú huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) yêu cầu tờ báo này phải cải chính, xin lỗi và bồi thường vì đăng ảnh mà không có sự đồng ý của bà. Tại phiên xử sơ thẩm, TAND quận Cầu Giấy đã tuyên buộc bị đơn phải cải chính thông tin, xin lỗi và bồi thường gần 70 triệu đồng cho bà M.

Năm 2013, nhà báo Phạm Ngọc Dương (tác giả bài viết đăng báo) đến huyện Vân Đồn gặp bà M. để tìm hiểu và viết bài về con bà có dấu hiệu bị oan. Ông được bà M. tiếp đón, cung cấp chứng cứ. Khoảng 21 giờ, ông chụp chân dung bà M. để đăng kèm bài báo, bà M. ngồi nhìn vào ống kính, đèn flash bật sáng. Toàn bộ thông tin bà M. cung cấp được ông ghi âm đầy đủ. Sau đó bài báo được đăng tải trên ấn phẩm Gia Đình Và Cuộc Sống (thuộc báo Gia Đình Việt Nam), trong đó có tấm ảnh chân dung bà M. “Mục đích tôi viết bài là để làm sáng tỏ sự thật, giải đáp cho dư luận tránh hiểu sai về các cơ quan tố tụng, cũng là muốn bà M. nhận ra sự thật…” - ông Dương nói.

Do hai bên bất đồng ý kiến nên bà M. đã gửi đơn đến Thanh tra Bộ TT&TT về việc bị đưa ảnh lên báo. Sau đó Thanh tra Bộ xử phạt hành chính 9 triệu đồng đối với báo Gia Đình Việt Nam vì đăng ảnh mà không có sự đồng ý của bà M. Chưa dừng lại, bà M. tiếp tục khởi kiện báo ra tòa, đòi bồi thường hơn 300 triệu đồng. TAND quận thụ lý vụ kiện xác định báo Gia Đình Việt Nam là bị đơn, nhà báo Phạm Ngọc Dương là người làm chứng.

Trong đơn kháng cáo, báo Gia Đình Việt Nam cho rằng tòa sơ thẩm áp dụng không đúng pháp luật. Cụ thể, những thông tin trong bài viết là đúng sự thật, không vi phạm quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn. Các thông tin liên quan đến con bà M. là những dữ liệu được trích dẫn từ hồ sơ của CQĐT, cáo trạng của VKSND, đã được các cơ quan tiến hành tố tụng công khai. Vì thế tòa chấp nhận yêu cầu cải chính thông tin, xin lỗi của bà M. là không đúng.

Về việc đăng ảnh của bà M. trong bài viết không phải do nhà báo chụp lén, hay đăng với mục đích bôi nhọ, danh dự, uy tín và nhân phẩm như lời bà M. khai tại tòa. Tại tòa, nhà báo Phạm Ngọc Dương khẳng định đã chụp nhiều tấm ảnh chứ không phải một và bà M. không phản đối. Ngoài ra, việc đăng hình ảnh của người được phỏng vấn là nghiệp vụ bình thường khi tác nghiệp, xuất phát từ lợi ích công cộng, thuộc một trong những trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện của họ.

Ngày 8-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhà báo Phạm Ngọc Dương khẳng định thời điểm chụp ảnh ông có hỏi ý kiến và thông báo với bà M. về việc sẽ sử dụng ảnh để đăng báo, bà đã đồng ý bằng miệng. “Phán quyết của tòa sẽ tạo tiền lệ xấu vì hàng vạn cá nhân có hình ảnh xuất hiện trên báo khi không có thiện cảm với báo chí sẽ kiện đòi bồi thường dù trước đó đã đồng ý” - ông Dương chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Hồ Minh Chiến (Tổng Biên tập báo Gia Đình Việt Nam), ông không đồng ý với bản án sơ thẩm và hy vọng tòa phúc thẩm sẽ có phán quyết khách quan hơn. Theo ông Chiến, loạt bài đăng trên ấn phẩm của báo với mục đích nhằm cảnh báo xã hội, lên án những hành vi sai trái như đã phản ánh chứ không hề bôi nhọ cá nhân theo nội dung bà M. khởi kiện.

Việc Thanh tra Bộ TT&TT xử phạt cũng rất cứng nhắc, bởi khi tác giả chụp ảnh là chụp trực diện. Bà M. cũng là người chủ động mời nhà báo về để cung cấp thông tin, biết nhà báo chụp ảnh mình nên không thể cấm báo đăng ảnh. “Nếu tòa phúc thẩm y án thì sẽ rất nguy hiểm, không chỉ cho báo Gia Đình Việt Nam mà cho các PV hành nghề báo chí. Giả sử bây giờ tất cả nhân vật trong các bài báo đã đăng đồng loạt khởi kiện thì sao, một ngày có tới hàng trăm bài báo xuất bản, nếu đều phải xin ý kiến và được sự đồng ý thì bao nhiêu cho xuể” - ông Chiến nói.

Chúng tôi sẽ thông tin tiếp khi tòa xử phúc thẩm.

Nên xác lập chứng cứ khi xin phép

Theo Điều 31 BLDS 2005 (Điều 32 BLDS 2015) thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, báo chí muốn sử dụng thì phải xin phép nhưng hình thức xin phép thế nào thì luật không quy định rõ. Thực tế nhiều trường hợp ban đầu nhân vật đồng ý cho nhà báo chụp đăng báo nhưng sau đó lại phản ứng. Vì vậy, khi tác nghiệp, PV, nhà báo cần xác lập việc xin phép đó bằng mọi hình thức để làm chứng cứ cho tác nghiệp của mình. Có thể xác nhận bằng văn bản, bằng lời nói nhưng nên ghi âm, ghi hình lại bằng các thiết bị sẵn có. Bởi nếu không xác lập chứng cứ cho việc xin phép đó thì dễ phát sinh tranh chấp như trong vụ án này.

Luật sư BÙI QUỐC TUẤNĐoàn Luật sư TP.HCM

S.NGUYỄN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm